Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 13/3/2013 17:13'(GMT+7)

Quốc hoa sẽ góp phần quảng bá đắc lực hình ảnh đất nước


Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là sự gợi mở về việc lựa chọn một biểu tượng về cốt cách dân tộc và phẩm chất tâm hồn của dân tộc ta.

Việc lựa chọn cần hết sức thận trọng

Theo thống kê, có gần 100 quốc gia trên thế giới đã công bố quốc hoa, coi đó là biểu tượng văn hoá của dân tộc mình như: Hoa hồng (Bungari), hoa tuylip (Hà Lan), hoa anh đào (Nhật Bản)...  

Ở nước ta cũng đã có nhiều cuộc bàn thảo về việc chọn loài hoa nào là quốc hoa. Điều đó cho thấy dư luận rất quan tâm tới vấn đề này. Bởi vì việc lựa chọn một loài hoa để tôn vinh quốc hoa là cần thiết, nhất là trong giai đoạn đất nước đang hội nhập trong tiến trình giao lưu văn hóa quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.

Thực hiện ý tưởng này, kể từ năm 2010, Bộ VHTTDL đã triển khai khá thận trọng và tổ chức lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân bình chọn quốc hoa.

Theo ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), việc lựa chọn quốc hoa là rất cần thiết để chuyển tải thông điệp về cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam cũng như tinh thần dân tộc. Quốc hoa sẽ là một biểu tượng văn hóa đặc trưng cho dân tộc, tượng trưng cho tinh thần dân tộc.

Chính vì thế, việc lựa chọn loài hoa nào thành quốc hoa là việc làm cần hết sức thận trọng.  

Ban soạn thảo “Đề án nghiên cứu lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam” đã được Bộ VHTTDL thành lập từ ngày 21/4/2010. Nhiều cuộc hội thảo về Quốc hoa đã được tổ chức, thu hút đông đảo người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý cùng đóng góp ý kiến.

Trong các cuộc bình chọn trên mạng Internet được Bộ VHTTDL tổ chức cho thấy: có 62% - 97% ý kiến bình chọn trực tiếp và 62,1% ý kiến được hỏi trên mạng Internet chọn hoa sen là Quốc hoa Việt Nam.

Sự lựa chọn nói trên cũng có thể lý giải: Hoa sen trong tâm thức người Việt là loài hoa bình dị mà cao quý.

Hoa sen trong đời sống văn hóa Việt

Theo phân tích của PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hoa sen có vị trí rất quan trọng đời sống văn hóa Việt.

Trước hết hoa sen là biểu hiện cho nét thanh cao trong tâm hồn người Việt và là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân Việt. Hoa sen xuất hiện trong thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc, điêu khắc. Sen có vị trí quan trọng trong đời sống Phật giáo ở Việt Nam. Sen thể hiện được tính thanh lọc và vô nhiễm, thể hiện cho trí tuệ giác ngộ của Phật giáo. Hoa sen có vẻ đẹp toàn diện vừa có hương, vừa có sắc, vừa có dáng. Hoa Sen còn biểu hiện dáng dấp e lệ, dịu dàng của phụ nữ VN. Sen cũng hiện diện trong đời sống ẩm thực. Ít có loài hoa nào có mặt trong mọi mặt đời sống các tầng lớp nhân dân ta như hoa sen.

Ông cha ta từ ngàn xưa đã rất coi trọng hoa sen và sự trân trọng ấy đã được cụ thể hóa trong nhiều họa tiết trang trí ở các đình, đền, chùa và nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí khác, đặc biệt là vào thời Lý, Trần. Hoa sen cũng là loài hoa duy nhất được làm bằng đồng, bằng gỗ và xuất hiện trên bàn thờ trong gia đình người Việt…

Nhiều tài liệu, ý kiến của các chuyên gia văn hóa cho rằng chùa Một Cột (còn gọi là chùa Diên Hựu) là ví dụ điển hình nhất trong các công trình kiến trúc ở Việt Nam có hình hoa sen. Chùa được xây dựng từ năm 1049 - thời vua Lý Thái Tông. Theo sử cũ, nhà vua chiêm bao thấy đức Phật Quan âm đặt vua lên tòa sen nên ngài đã cho dựng một ngôi chùa gọi là Diên Hựu. Kiến trúc chùa Một Cột giống như một đóa sen ở giữa hồ nước xanh.

Nếu hoa đào chỉ phổ biến ở miền Bắc, hoa mai là đặc trưng của phương Nam thì hoa sen được trồng phổ biến ở cả 3 miền của đất nước, là loài hoa không chỉ có sắc mà có cả hương thơm.

Thêm lý do nữa, hoa sen mọc lên từ bùn lầy song vẫn tinh khiết, thanh tao, không hề bị ô nhiễm bởi bùn lầy mà còn có khả năng làm nước đục trong đầm lắng trong. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận xét rằng sen có cả hương lẫn sắc. Hương sen rất dịu, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng hoặc phớt hồng, nhụy vàng. Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp...

Hoa sen được chọn làm biểu tượng của Du lịch Việt Nam, của hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines, là tên giải thưởng cao quý trong các Liên hoan Phim Việt Nam (giải Bông sen Vàng, Bạc, Đồng)...

Còn nữa, từ lâu, hình ảnh hoa sen đã gắn liền với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam qua câu thơ: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".

Tất nhiên, việc chọn hoa sen hay loài hoa nào khác là Quốc hoa Việt Nam cũng phải nêu được những căn cứ thuyết phục và đạt được sự đồng thuận xã hội.

Theo Chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất