Ngày 7/3, bà Nguyễn Thị
Hoa, Phó phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết dự
kiến, hồ sơ sẽ được hoàn tất vào năm 2014.
Nét đặc sắc của tranh Đông Hồ
chính là chất liệu làm tranh được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn
trong thiên nhiên. Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp
vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc...
Trên
cơ sở những màu sắc cơ bản ấy, người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ
việc trộn lẫn các màu. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên
bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong
từng giai đoạn.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tồn tại từ thế kỷ 16. Từ
cuối thế kỷ 19 đến năm 1944 là thời kỳ cực thịnh của làng tranh. Những năm sau
này, sự tác động của cơ chế thị trường khiến nghề làm tranh dần bị mai một. Chỉ
còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề như gia đình ông Nguyễn Đăng Chế,
gia đình ông Nguyễn Hữu Sam, Trần Nhật Sở...
Hiện nay, cả làng có gần 400
hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, thì có hơn 90% số các hộ sản xuất và buôn bán vàng
mã. Đứng trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống, vấn đề bảo tồn và phát
triển làng tranh đang trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Việc làm hồ sơ khoa
học trình UNESCO đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh mục di sản văn
hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ
và phát huy giá trị văn hóa làng nghề và nâng cao ý thức người dân trong công
tác bảo tồn các giá trị văn hóa này./.
TH