Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã có từ thế kỷ XVI, phát triển thịnh hành đến cuối thế kỷ XX, sau đó ít được mọi người chú ý.
Đây là dòng tranh sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng chất liệu có sẵn trong thiên nhiên, gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam. Tranh dân gian Đông Hồ hội tụ đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật, phản ánh sâu sắc về tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam.
Trải qua bao đổi thay, người làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay không còn nhiều, phần lớn người dân trong làng chuyển sang nghề làm vàng mã để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện chỉ còn một số nghệ nhân như ông Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam vẫn gìn giữ và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ và trở thành điểm du lịch thu hút du khách đam mê dòng tranh này đến xem và mua.
Sự kiện nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ hội để dòng tranh này tiếp tục được gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cũng như chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa này./.
TT