Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 3/3/2013 21:12'(GMT+7)

Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu - "Biểu tượng" của nghệ thuật hát Xẩm qua đời

* Tiếc thương Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu, một "biểu tượng" của nghệ thuật hát Xẩm

Nói đến hát Xẩm, không ai lại không biết đến Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu, lâu nay được mệnh danh là "pho từ điển sống", một "báu vật" về loại hình âm nhạc cổ truyền đặc sắc này.

Chiều 3/3, "biểu tượng sống" của nghệ thuật hát Xẩm, Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu đã đi về cõi vĩnh hằng theo quy luật thông thường của tạo hoá.

Làm quen với hát Xẩm từ khi còn thơ bé, lên 8 tuổi, cụ đã cùng với bố mẹ đi biểu diễn ở khắp các chợ quê trong vùng. Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cụ trở nên nổi tiếng với bài Xẩm: Con ơi theo Đảng trọn đời mà cụ vừa là người soạn lời mới, vừa là người trình bày điệu hát.

Khi còn sức khoẻ, cụ Hà Thị Cầu thường xuất hiện trong các buổi biểu diễn với chiếc khăn chít trên đầu, người khoác áo len mỏng,... Những ngón tay cụ Cầu, tuy xương xẩu nhưng lại vô cùng mềm mại khi "lả lướt" trên cây đàn nhị. Giọng hát lúc cất lên thì tràn trề khí lực, nhả chữ nào ra chữ ấy, "vang, rền, nền, nảy".

Những làn điệu xẩm đặc sắc như Huê tình, Hà liễu, Ba bậc, Thập ân, Cò lả... cùng giọng hát của cụ Hà Thị Cầu là những di sản quý giá còn sót lại của nghệ thuật hát xẩm khi hiện tại đã dần mai một. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, cụ Hà Thị Cầu được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2004 được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2007, Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc trao tặng cụ "Giải thưởng Đào Tấn" vì có những đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn quý của nghệ thuật dân tộc.

* Hát Xẩm - vẫn cần được tiếp sức để phát triển bền vững

Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã ra đi nhưng tình yêu và trách nhiệm đối với vốn di sản văn hóa độc đáo của dân tộc vẫn cần được duy trì và phát triển. Cũng giống như các loại hình nghệ thuật cổ truyền khác của dân tộc, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hát Xẩm có lúc bị quên lãng. Đội ngũ những người có thể trình diễn bộ môn này ngày càng thưa thớt và hiếm hoi. Bên cạnh đó, hát Xẩm lại thường được dạy qua con đường truyền miệng, đồng thời có những quy định nghiêm ngặt đối với người theo học đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Chính vì vậy, nguy cơ thất truyền loại hình nghệ thuật hát Xẩm là rất dễ xảy ra nếu như những người làm công tác quản lý văn hoá không bảo tồn, gìn giữ và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Hữu Bình cho biết, năm 2012, địa phương đã có những động thái tích cực trong việc thực hiện đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm" với mục tiêu là sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền như Trống quân, Thập sầu, Sa mạc, Hành vân, Ca nam..., dàn dựng chương trình hát Xẩm, bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát Xẩm thông qua các hoạt động biểu diễn và phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh đã mời các nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú ở Trung ương và địa phương sưu tầm các làn điệu, các bài hát Xẩm cổ truyền, biên soạn chương trình và trực tiếp truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm cho các diễn viên, nhạc công Nhà hát chèo Ninh Bình và các diễn viên quần chúng ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Sau khi được các nghệ nhân, nghệ sĩ ở Trung ương và địa phương trực tiếp truyền dạy, các diễn viên, nhạc công nhà hát chèo Ninh Bình sẽ phối hợp với các diễn viên quần chúng ở xã Yên Phong cùng biểu diễn chương trình nghệ thuật hát Xẩm, thực hiện ghi hình, thu tiếng làm tư liệu. Thông qua các hoạt động biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hoá lớn của địa phương và khách du lịch, hy vọng nghệ thuật hát Xẩm sẽ được bảo tồn, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Theo ông Bình, với sự phát triển của nghệ thuật dân tộc, có một điều hiển nhiên là không ai có thể giữ gìn nét đẹp văn hóa tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình nghệ thuật ấy. Như âm nhạc dân tộc chẳng hạn, không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Để có thể duy trì sức sống cho các loại hình âm nhạc dân tộc nói chung, hát Xẩm nói riêng thì trước hết, các di sản văn hóa ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được "sống" và tôn vinh trong chính cộng đồng của nó. Cho nên, cần bảo tồn và ứng xử với di sản văn hóa bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp, cái tinh túy của di sản văn hóa./.

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất