Sáng nay (17/11), dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.
Tính đến hết chiều 16/11, tại kỳ họp này có 254 chất vấn của 112 đại biểu ở 43 đoàn gửi đến Thủ tướng, Phó Thủ tướng và 20 vị Bộ trưởng, trưởng ngành. Riêng Thủ tướng nhận được 36 chất vấn; Bộ trưởng Công thương nhận được nhiều chất vấn nhất với 30 câu hỏi.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, các nội dung chất vấn cần tập trung vào những vấn đề chung, lớn, vĩ mô, bức xúc, nổi cộm, những vấn đề mà đại biểu và cử tri đang quan tâm, những vấn đề đang được thực hiện và cần phải thúc đẩy để tốt hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quốc hội đã qua nhiều kỳ chất vấn, cả người hỏi và người trả lời đều có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng được nâng cao, do đó đặt câu hỏi chất vấn cần gọn gàng, theo nhóm vấn đề, để đi đến được kết luận cuối cùng; người trả lời cũng tập trung vào nội dung chính của câu hỏi, không diễn giải nhiều trên tinh thần cầu thị, tôn trọng lẫn nhau”.
Với tinh thần tập trung cao, tránh dàn trải, vụn vặt, tại kỳ họp này, tuy chỉ có Thủ tướng và 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, nhưng số lượng đại biểu chất vấn sẽ nhiều hơn. Trong quá trình chất vấn, ngoài các vị bộ trưởng, trưởng ngành là đại biểu Quốc hội, các vị bộ trưởng không phải đại biểu Quốc hội cũng tham gia, giải trình, làm rõ thêm vấn đề bộ, ngành mình quản lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu là thành viên đầu tiên của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, Thống đốc và ngành Ngân hàng nhận được 22 ý kiến chất vấn của 12 đại biểu Quốc hội và 3 ý kiến do Thủ tướng ủy quyền trả lời, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: trách nhiệm của Thống đốc và ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Về hiệu quả triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu thứ nhất, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngoài phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất và xử lý kịp thời các vần đề phát sinh, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình triền khai trên phạm vi cả nước đề kịp thời nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc phù hợp với tình hình thực tế; Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các ý kiến của doanh nghiệp, hộ sản xuất và xử lý các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra. Tính đến ngày 31/10/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 438.742,19 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại và công ty tài chính là 413.205 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và tự kiểm tra của tổ chức tín dụng cho thấy những tồn tại và sai sót đã được phát hiện chủ yếu là trong hoạt động cho vay thông thường, một số khoản cho vay thực hiện chưa đứng quy định về hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị thu hồi 46 tỷ đồng tiền lãi đã hỗ trợ. Phần lớn vi phạm, tồn tại đã được các tổ chức tín dụng chỉnh sửa ngay sau khi có kết luận kiểm tra; đến nay, số tiền hỗ trợ lãi suất còn phải thu hồi là 0,9 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng thừa nhận, tuy được thế giới đánh giá cao và thực tế, gói hỗ trợ lãi suất cũng được xem là giải pháp kích thích kinh tế tối ưu phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có hiệu quả tác động rất tích cực, đạt được mục tiêu là giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng bộc lộ một số mặt chưa tích cực: Một số quy định liên quan đến việc thực hiện cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 497/ QĐ-TTg chậm được hướng dẫn, xử lý nên kết quả đạt thấp; Cơ chế hỗ trợ lãi suất được triển khai trong ngắn hạn, trên phạm vi cả nước, đối tượng thụ hưởng rộng, gây khó khăn cho công tác thanh tra, giám sát của các Bộ, ngành, làm phát sinh khối lượng lớn công việc và chi phí của các ngân hàng thương mại; Mức lãi suất sau khi được hỗ trợ tương đương lãi suất cho vay bằng USD và thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hiện nay đã tác động làm tăng trưởng tín dụng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất và tỷ giá, có thể phát sinh các hiện tượng lợi dụng cơ chế để trục lợi; Không phải tất cả các đối tượng vay vốn đều được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất nên quá trình triển khai thực hiện phát sinh những vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại của nhiều doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất; Do đối tượng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận sản phẩm không phản ánh đúng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường ngoại hối, trước những diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối từ năm 2007, cộng với tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Việt Nam năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các giải pháp điều hành: Mở rộng biên độ ấn định tỷ giá mua bán USD/VND của các ngân hàng thương mại từ +3% lên +5% và điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với tín hiệu thi trường và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; Tăng cường các biện pháp điều tiết cung cầu ngoại tệ trên thị trường: Bán ngoại tệ hỗ trợ nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống; điều hoà ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; Trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính bán nguồn ngoại tệ thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước; đề nghị một số doanh nghiệp nhập khẩu lớn chuyển từ mua ngoại tệ sang vay bằng ngoại tệ; Phối họp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc kiểm soát nhập. siêu, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ thiết yếu của nền kinh tế và đề xuất giải pháp hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu…
Đánh giá việc điều hành lãi suất ngân hàng trong điều kiện vừa bảo đảm yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh vừa ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng việc điều hành lãi suất còn một số vấn đề cần quan tâm xử lý như: Do tác động của việc nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất trong 10 tháng đầu năm 2009, làm cho việc kiểm soát tốc độ tăng ở mức hợp lý của hai chỉ tiêu này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không thuận lợi đối với việc kiềm soát lạm phát, ổn định lãi suất thị trường trong các tháng cuối năm 2009 và sẽ kéo dài sang năm 2010 do độ trễ của tác động tiền tệ; Lãi suất huy động VND có xu hướng tăng do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng mạnh và sự dịch chuyển vốn từ tiền gửi ngân hàng sang đầu tư kinh doanh chứng khoán và tài sản khác làm cho chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào của các ngân hàng thương mại giảm, gây khó khăn trong việc trích lập dự phòng rủi ro./.
VOVNews