Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 17/6/2010 21:0'(GMT+7)

Quốc hội thông qua 5 Luật

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Miễn giảm thuế đất cho các đối tượng chính sách

Về Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận xin ý kiến các đại biểu thì đa số ý kiến (256/324 ý kiến) đề nghị chưa đưa nhà vào đối tượng chịu thuế.

Tán thành với quan điểm trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa nên đưa nhà vào diện chịu thuế vì việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao.

Hơn nữa, khi nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự ổn định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà ở  sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận rất lớn người dân.

Ngoài ra, nhiều nước có nền kinh tế phát triển cũng chưa đưa nhà vào diện chịu thuế.

Xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc sửa tên luật là “Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp” thay vì tên gọi như dự thảo là “Luật Thuế nhà, đất” nhằm bảo đảm thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật.

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được 424 đại biểu (chiếm 86%) tán thành thông qua.

Luật này có 13 điều trong tổng số 4 chương với những quy định rõ về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, thuế suất, miễn thuế, giảm thuế.

Theo Điều 9, Chương 3 của Luật, đất được miễn thuế gồm đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; đất xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, cơ sở nuôi dưỡng người già, người khuyết tật; đất ở trong hạn mức tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; đất trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước 19/8/1945; thương binh 1/4, 2/4…

Theo Điều 10, Chương 3 về giảm thuế, quy định rõ, giảm 50% thuế phải nộp cho các trường hợp như đất ở trong hạn mức tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; đất trong hạn mức của thương binh hạng 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3… Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Cơ sở để xây dựng ngành Bưu chính ngày càng hiện đại

Luật Bưu chính được thông qua với sự tán thành của 423 đại biểu (chiếm 85,8%).

Luật sẽ là cơ sở để tiếp tục xây dựng ngành bưu chính ngày càng hiện đại; đáp ứng các yêu cầu mới trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay.

Luật Bưu chính gồm có 10 chương và 46 điều, quy định cụ thể về đầu tư kinh doanh dịch vụ bưu chính; chất lượng và giá cước dịch vụ bưu chính; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; hoạt động bưu chính công ích.

Luật Bưu chính sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Có 423 đại biểu (chiếm 85,8%) đại biểu tán thành thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có 12 chương với 48 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Trước khi thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh đã trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, khẳng định chủ trương, chính sách của nhà nước trong đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các hành vi bị cấm như hủy hoại nguồn năng lượng quốc gia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý sử dụng năng lượng tiếu kiệm, hiệu quả vì mục đích vụ lợi…

Bên cạnh đó vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các dự án đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; vấn đề kiểm soát năng lượng cũng được đề cập khá rõ trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này.

Phát huy trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật

Xác định khuyết tật; chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật; bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về công tác người khuyết tật… là những nội dung chính của Luật Người khuyết tật được Quốc hội thông qua với sự đồng ý của 431 đại biểu (chiếm 87,2%).

Với 10 chương, 53 điều, Luật Người khuyết tật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Trong thảo luận tại hội trường cũng như trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật trình Quốc hội thông qua cho rằng, Luật Người khuyết tật sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và xã hội đối với những đối tượng thiệt thòi là người khuyết tật.

Luật Nuôi con nuôi được xem xét kỹ lưỡng

Luật nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Luật có 5 chương với 52 điều quy định về mục đích nuôi con nuôi, người được nhận làm con nuôi, đăng ký việc nuôi con nuôi, các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Luật này đã được đưa ra nghị trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2009).

Trong Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nuôi con nuôi, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận khẳng định, dự án Luật Nuôi con nuôi được tiếp thu, chỉnh lý và xem xét kỹ lưỡng trong đó có việc sàng lọc, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu từ kỳ hợp thứ 6.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất