Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 13/7/2015 14:33'(GMT+7)

Quốc tế hoan nghênh thỏa thuận hòa bình giữa các phái ở Libya

Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Libya Bernardino Leon (giữa) ký tắt vào thỏa thuận hòa bình mới tại Rabat. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Libya Bernardino Leon (giữa) ký tắt vào thỏa thuận hòa bình mới tại Rabat. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận trên do đặc phái viên Liên hợp quốc Bernardino Leon đề xuất và Quốc hội Libya được quốc tế công nhận, cùng một số đại diện chính đảng, các tổ chức xã hội dân sự và quan chức địa phương ký tại thành phố Skhirat của Maroc ngày 12/7. Tuy nhiên, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC), cơ quan lập pháp được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn, không tham dự cuộc đàm phán này.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hện tại ở nước này có hai chính phủ và hai quốc hội. Liên minh Hồi giáo vũ trang Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli hồi tháng 8/2014 và thành lập một chính phủ tại đây. Trong khi đó, chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông.

Kể từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã xúc tiến các nỗ lực trung gian đối thoại giữa các phái đối địch ở Libya, song xung đột vẫn tiếp diễn bất chấp việc các bên đã thông qua một lệnh ngừng bắn.

Thỏa thuận vừa đạt được là văn bản thứ tư do đặc phái viên Leon đề xuất. Nội dung gồm 6 điểm, hướng tới đặt nền móng cho một nhà nước dân chủ hiện đại dựa trên pháp quyền.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ "được khích lệ" bởi thỏa thuận trên, đồng thời mong muốn đẩy nhanh việc đạt một thỏa thuận toàn diện giữa tất cả các bên.

Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định: "Đây là một bằng chứng rõ rệt cho thấy thiện chí chính trị và lòng can đảm, đưa đất nước tiến gần hơn tới đích là giải quyết cuộc khủng hoảng thể chế và an ninh hiện nay tại Libya."

Ông kêu gọi toàn thể người dân Libya đưa tiến trình chuyển tiếp tới việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các phe phái Libya ký vào thỏa thuận hòa bình nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang cũng như sự mở rộng của các tổ chức cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng đánh giá cao thỏa thuận vừa đạt được, đồng thời kêu gọi GNC ký kết văn bản này.

Italy cũng hoan nghênh thỏa thuận trên là một bước tiến tới lập lại hòa bình tại Libya. Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho rằng một giải pháp cho cuộc xung đột tại Libya có "vai trò trung tâm" đối với nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố cũng như làn sóng di cư trái phép.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng chúc mừng thỏa thuận vừa đạt được giữa các phái Libya, đồng thời kêu gọi GNC tham gia ký thỏa thuận này giúp hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vì lợi ích của đất nước và người dân Libya. Ông Fabius bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên sẽ mở ra một trang sử mới tại Libya.

Về phần mình, chính phủ được quốc tế công nhận của Libya khẳng định thỏa thuận trên là "một bước đột phá lớn," đồng thời kêu gọi tất cả các bên ở Libya vượt qua bất đồng để ký kết thỏa thuận.

Phát biểu tại lễ ký ở Maroc, đặc phái viên Liên hợp quốc Bernardino Leon cho biết các cánh cửa vẫn để ngỏ cho các cuộc đàm phán tiếp theo, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng GNC sẽ trở lại bàn đàm phán.

Sau khi thỏa thuận trên được ký, GNC đã gửi một bức thư tới ông Leon, trong đó nói rằng họ sẵn sàng tham gia vòng đàm phán mới do Liên hợp quốc làm trung gian. Tuy nhiên, thư nêu rõ các đại diện của GNC sẽ đưa ra những sửa đổi "căn bản và cần thiết" đối với bản thỏa thuận trên./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất