Trong một phản ứng công khai đầu tiên về cáo buộc vũ khí hóa học được sử dụng ở
Syria, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/8 tuyên bố dù chưa xác định bên nào ở
Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động sử
dụng vũ khí này và kêu gọi các chuyên gia về vũ khí hóa học của Liên hợp quốc
cần phải khách quan và "tham vấn đầy đủ" với Chính phủ Syria để xác minh cáo
buộc của phe đối lập nói rằng các lực lượng chính phủ sử dụng vũ khí hóa học
trong một cuộc tấn công nhằm vào dân thường.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố Nga sẽ đưa ra lập trường của mình về khả
năng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria dựa trên kết quả điều tra khách quan và độc
lập của phái bộ Liên hợp quốc tại Damascus.
Ông Lukashevich cho biết
thêm hiện Liên hợp quốc đã xác định ba địa điểm bị nghi ngờ là nơi sử dụng vũ
khí hóa học, đồng thời bày tỏ hy vọng các kết quả điều tra sẽ làm sáng tỏ những
thông tin mang tính "đầu cơ" về bên sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột
tại Syria.
Cùng ngày, bình luận về tình hình Syria, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố cần phải
kiểm tra kỹ và trực tiếp tại thực địa thông tin về khả năng sử dụng vũ khí hóa
học tại nước này. Trước tình hình xung đột leo thang, Anh kêu gọi các bên tại
Syria ngay lập tức ngừng gây đổ máu và ngồi vào bàn đàm phán, lựa chọn giải pháp
chính trị như một phương thức tối ưu để chấm dứt bạo lực. Bộ Ngoại giao Anh cũng
khẳng định thêm London sẽ không loại trừ bất kỳ một phương án hành
động nào để cứu sinh mạng thường dân tại Syria.
Trong một tuyên bố tương tự, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng yêu cầu tiến hành điều
tra công tâm về thông tin xung đột vũ trang có sử dụng vũ khí hóa học khiến
nhiều dân thường, trong đó có cả trẻ em, thiệt mạng tại ngoại ô thủ đô Damascus
của Syria ngày 21/8.
Trong khi đó, tại một cuộc gặp ở Berlin, Đức ngày 22/8, Ngoại trưởng
Đức Guido Westerwelle và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet
Davutoglu đã cùng yêu cầu làm rõ tình hình xung quanh vụ sử
dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Ông Westerwelle nhấn mạnh cần phải cho phép ngay
các quan sát viên Liên hợp quốc đến kiểm tra tình hình thực tế.
Về phần mình,
Ngoại trưởng Davutoglu tuyên bố cứng rắn rằng toàn bộ "giới hạn đỏ" ở Syria đều
bị vượt qua, đồng thời chỉ trích việc Liên hợp quốc chưa có hành động gì sau khi
phe đối lập cáo buộc lực lượng chính phủ Syria sử dụng khí độc đối với hàng trăm
người trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Ông Davutoglu cũng kêu gọi phải đưa
ra án phạt bổ sung đối với chính quyền Damascus ngay lập tức để bảo đảm tác động
răn đe đối với hành động không thể chấp nhận này.
Cùng ngày 22/8, Pháp cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ phải sử dụng vũ lực nếu chứng
thực được những cáo buộc các lực lượng của Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa
học trong tấn công nhằm vào dân thường.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Laurent Fabius nhấn mạnh sẽ không có việc phái các binh sĩ tới Syria. Trả
lời phỏng vấn của kênh truyền hình BFM (Pháp), ông Fabius nhấn mạnh rằng nếu Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể đưa ra quyết định, thì một bên nào đó sẽ
buộc phải hành động "theo cách khác," song ông không cho biết thêm chi tiết.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dù chưa rõ ràng yêu cầu một cuộc điều tra, song
tuyên bố "minh bạch" là cần thiết và hoan nghênh việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Ban Ki-moon kêu gọi nhóm thanh sát viên Liên hợp quốc ở Syria điều
tra khẩn cấp vụ việc này./.
Theo TTXVN