Đây
là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc
Việt Nam; đồng thời, biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu,
vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích xuất sắc,
tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của
học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Tối 25/11, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ
tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm
2018 với chủ đề “Đường đến ước mơ”.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban
Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết năm 2018 là năm thứ 6 Lễ tuyên dương học
sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu được tổ chức. Đây
là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc
Việt Nam; đồng thời, biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu,
vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích xuất sắc,
tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của
học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Lễ tuyên dương cũng là dịp để học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất
sắc, tiêu biểu được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tạo ra động
lực để các em tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, trở thành những tài
năng trẻ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
166 học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc được tuyên dương năm 2018
thuộc dân tộc của 35 tỉnh, thành phố. Hầu hết các địa phương thuộc vùng
dân tộc thiểu số đều có học sinh, sinh viên được tuyên dương. Trong đó,
học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đạt giải trong cuộc thi Khoa học Kỹ
thuật cấp Quốc gia năm 2018 là 17 em; học sinh đạt giải trong kỳ thi
Học sinh giỏi Quốc gia là 94 em.
Ngoài ra, chương trình còn tuyên dương hai học sinh trúng tuyển vào các
trường học viện, đại học, cao đẳng với số điểm từ 27 điểm trở lên; 11
học sinh dân tộc thiểu số rất ít người tốt nghiệp Trung học phổ thông và
trúng tuyển vào Đại học năm học 2017-2018; 42 sinh viên dân tộc thiểu
số tốt nghiệp các trường học viện, đại học, cao đẳng loại xuất sắc.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Biểu dương những thành tích của 166 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số
tiêu biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng
Lễ tuyên dương là hoạt động rất có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa sâu rộng,
góp phần động viên học sinh, sinh viên nói chung, đặc biệt là học sinh,
sinh viên các dân tộc thiểu số nói riêng nỗ lực vươn lên trong học tập,
rèn luyện.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan
tâm, chăm lo, coi phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, có ý
nghĩa quan trọng trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực,
nhân tài cho đất nước. Trong đó, phát triển giáo dục đào tạo vùng dân
tộc thiểu số và miền núi được coi là chính sách quan trọng trong việc
xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là yêu cầu của phát triển bền
vững đất nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá thời gian qua, giáo dục đào tạo
vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng,
với chính sách giáo dục và cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu
cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Bày tỏ xúc động trước hoàn
cảnh khó khăn, quá trình vượt khó vươn lên học tập, rèn luyện để đạt
được thành tích cao của các em học sinh, sinh viên, Phó Thủ tướng Thường
trực Chính phủ khẳng định, 166 học sinh, sinh viên được tuyên dương dịp
này là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, dân tộc, bản làng, địa phương
mình.
Thời gian tới, để khắc phục tồn tại, hạn chế, thúc đẩy giáo dục đào tạo ở
vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về tầm quan trọng của giáo dục đào tạo, về quyền học tập, tiếp cận
bình đẳng của trẻ em; hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt các chính sách
phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân
tộc thiểu số, miền núi, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng cho
học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cần được tạo điều kiện tốt nhất để được
học tập, tích cực tham gia vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi
nghiệp; đồng thời, cần hoàn thiện, quy hoạch mạng lưới và đầu tư phát
triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế
xã hội của địa phương...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ tin tưởng, sẽ có ngày càng
nhiều các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đạt được thành tích
cao trong học tập, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước./.
(TTXVN)