Thứ Hai, 23/12/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 15/5/2017 20:22'(GMT+7)

Quy hoạch du lịch Sơn Trà: Kiến nghị và trách nhiệm

Nhìn lại quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được bắt đầu khi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh đề xuất lấy ý kiến và chủ trương lập quy hoạch này nhằm thực hiện Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

TP Đà Nẵng tham gia đầy đủ vào việc lập quy hoạch

Ngày 7/8/2013, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã ký văn bản 6903/UBND-VX gửi Bộ VHTT&DL góp ý nội dung dự thảo đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà và đề cương quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ, trong đó nêu “cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo đề cương quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà”.

Trên cơ sở  đồng thuận của UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ VHTT&DL đã tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, 1 trong 47 khu du lịch quốc gia của cả nước.

Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ VHTT&DL đã lấy ý kiến của 10 bộ gồm Bộ KH&ĐT, Giao thông vận tải, Công an, NN&PTNT (quản lý về rừng), Bộ Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường… và UBND TP Đà Nẵng. Các Bộ đều đồng thuận với dự thảo quy hoạch tổng thể.

Ngày 27/5/2015, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo quy hoạch dưới sự chủ trì của một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Trong văn bản gửi Bộ VHTT&DL số 4687/UBND-VX ngày 19/6/2015, UBND TP Đà Nẵng khẳng định “đề án quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đáp ứng sự phát triển năng động của TP Đà Nẵng trong quá trình hội nhập và phát triển” và có một số góp ý chi tiết đã được Bộ VHTT&DL tiếp thu.

Trả lời báo chí hồi tháng 4/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTT&DL và UBND TP Đà Nẵng. Các bước lập quy hoạch đều có sự tham gia của UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan chuyên môn của Thành phố.

Sau khi giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đặc biệt là các ý kiến của UBND TP Đà Nẵng, tháng 11/2016, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã “ký tắt”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Đây là quy hoạch tổng thể, mang tính định hướng. Tất cả các dự án đầu tư vào khu du lịch quốc gia Sơn Trà phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, quốc phòng an ninh.

Về việc thực hiện quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTT&DL chủ trì xây dựng hợp với UBND TP Đà Nẵng rà soát quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, điểm du lịch trong ranh giới khu du lịch quốc gia.

UBND TP Đà Nẵng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện; chỉ  đạo quản lý tốt việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, đặc biệt đối với khu vực rừng, cảnh quan tự nhiên, rạn san hô, di tích lịch sử…

Điểm đáng chú ý là nhiều dự án du lịch đang thực hiện ở bán đảo Sơn Trà đã được cấp phép triển khai theo các quy định của pháp luật tại thời điểm trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Bộ VHTT&DL, TP Đà Nẵng phải lên tiếng

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, trước những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp có văn bản yêu cầu Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng xem xét, xử lý theo quy định (báo cáo này cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, thống nhất trước đó).

Trong văn bản ngày 14/4/2017 do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký, gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng về các dự án triển khai tại khu du lịch Sơn Trà (từ trước khi bản quy hoạch được xây dựng, phê duyệt) mà không có nội dung báo cáo về quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Ngày 11/5, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã có cuộc làm việc “kín” với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Về phía Thành phố Đà Nẵng cũng chỉ có đại diện Sở Du lịch tham gia. Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, buổi làm việc đã diễn ra rất “căng thẳng” và không có tiếng nói chung. Còn đại diện của TP Đà Nẵng thì dường như chỉ là quan sát viên từ bên ngoài với lời “trân trọng ý kiến của hiệp hội”.

Dư luận đã bày tỏ bức xúc, phản ứng trước cách hành xử thiếu công khai, minh bạch liên quan đến việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, đặc biệt là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu về việc không điều chỉnh quy hoạch vì đã làm đúng quy trình. Phải chăng ông Siêu có quyền khẳng định về việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL?

Ngay sau đó, ngày 12/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải có thêm một văn bản chỉ đạo nữa về vấn đề này trong đó nhấn mạnh: “Bộ VHTT&DL, UBND TP Đà Nẵng khẩn trương chỉ đạo xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng; kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5”.

Trong nhiều lần làm việc, phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn khẳng định trân trọng ý kiến của các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia góp ý xây dựng chủ trương chính sách. Các văn bản, chính sách dù đã ban hành nhưng nếu chưa phù hợp thì sẵn sàng sửa đổi bổ sung và trên thực tế đã có nhiều Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung căn cứ ý kiến góp ý, phản biện hợp lý, hợp tình và vì sự phát triển chung.

Đã đến lúc Bộ VHTT&DL và UBND TP Đà Nẵng cần vào cuộc ở tầm cao hơn để xem xét, xử lý các kiến nghị liên quan đến quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên tinh thần thực sự khoa học, cầu thị. Chấm dứt kiểu khẳng định “ngay lập tức” là đúng quy trình rồi nên không sửa đổi, điều chỉnh. Và điều quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ thông tin cho công luận, chấm dứt kiểu “họp kín” dù nội dung không liên quan đến bí mật, an ninh quốc gia và đang được dư luận rất quan tâm.

Một khi thông tin đầy đủ thì sẽ rộng đường cho công luận, các chuyên gia, nhà khoa học, người dân cùng chung sức xây dựng, góp ý, đồng thuận, điều xã hội luôn cần, nhất là trước nhưng vấn đề nóng./.

Theo chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất