Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 3/6/2010 20:45'(GMT+7)

Quy hoạch Hà Nội: Cần một tầm nhìn dài hạn

Sa bàn Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050

Sa bàn Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050

Chiều 3/6, Quốc hội làm việc tại tổ cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đa số ý kiến đại biểu đều đồng tình và tán thành cao với việc lập quy hoạch cho Hà Nội. Nếu Hà Nội được đổi mới như Đồ án, chúng ta sẽ có một thủ đô hiện đại.

Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (đoàn Thái Bình) cho rằng, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn của đất nước hiện nay, do thiếu một sự quy hoạch bài bản, dài hạn nên dẫn đến sự lãng phí, tốn kém tiền của, đó cũng là nguyên nhân của tình trạng xây rồi lại sửa, rồi lại xây… đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Còn đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng, đáng ra thủ đô Hà Nội phải có một quy hoạch từ lâu rồi, nay chúng ta mới làm, tuy cũng là muộn hơn so với nhiều thủ đô trên thế giới, nhưng để quy hoạch cho 20-30 năm sau thì việc bắt tay làm ngay từ bây giờ là thích hợp.

Các ý kiến đại biểu cũng mong muốn trong quy hoạch này cần khắc phục tình trạng diễn ra lâu nay, do tầm nhìn của cơ quan tư vấn còn “ngắn” nên quy hoạch không đáp ứng yêu cầu về lâu dài. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), “quy hoạch ở ta bình quân chỉ sống được 5 năm, có quy hoạch chỉ 3 năm, sau đó đều phải sửa do không đáp ứng được với tốc độ phát triển”.

Với đặc điểm là thủ đô nghìn năm tuổi, có một bề dày lịch sử cũng như những đặc trưng mang đậm bản sắc Hà Nội, nhưng theo ý kiến nhiều đại biểu, trong bản Đồ án chưa thể hiện cụ thể tính kế thừa cũng như hướng bảo tồn bản sắc riêng của thủ đô.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng, nguyên nhân ấy xuất phát từ thực tế chúng ta đưa ra quy hoạch thủ đô nhưng lại chưa đưa ra được Chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quy hoạch ấy. Do đó, trong đồ án có đề cập đến rất nhiều yếu tố ở tầm vĩ mô, nhưng theo nhiều đại biểu, để tạo nên một diện mạo thủ đô hiện đại, một trong những vấn đề cần quan tâm là định hướng phát triển nhà ở, tránh tình trạng những ngôi nhà “siêu mỏng” như hiện nay. Bên cạnh đó, Đồ án cũng chưa đưa ra được phương hướng chỉnh trang đô thị, cải tạo nhà, định hướng nhà ở khu vực nông thôn, ở các làng nghề; phương hướng cải tạo các khu chung cư cũ ở Hà Nội còn sơ sài, thiếu thuyết phục. Định hướng phát triển ngành công nghiệp chưa phù hợp. Ngành công nghiệp của thủ đô nên phát triển theo hướng tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, nhằm giảm bớt mật độ dân số…

Về vấn đề di dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, các đại biểu cho rằng việc làm đó chẳng khác gì quyết định “dời đô” của các bậc tiên tổ ngày xưa. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang tiến hành xây dựng nhiều cơ quan hành chính tại Mỹ Đình. Như vậy cũng có nghĩa là trong 20 năm, chúng ta có 2 lần “dời đô” như thế thì quá tốn kém, mất đi sự ổn định và các giá trị lịch sử.

Đại biểu Tạ Ngọc Tấn đề nghị nên tính toán trên nhiều khía cạnh, làm sao để đạt được mục tiêu tiết kiệm, hạn chế bớt khó khăn cho người dân. Dù là chọn phương án ở Mỹ Đình hay Ba Vì thì ngay từ bây giờ phải có phương án giữ đất, nếu không đến khi quy hoạch xong không còn đất để xây dựng nữa.

Ngày 4/6, theo chương trình làm việc, Quốc hội làm việc tại tổ cho ý kiến về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và Luật Tố tụng hành chính./.

TH (theo Thanh Hà - Bích Lan- VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất