Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 15/7/2010 16:54'(GMT+7)

Quy hoạch và phát triển đô thị tại TP.HCM: Hướng ra biển

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển KĐT cảng Hiệp Phước là cần thiết, tuy nhiên làm thế nào để phát triển bền vững là vấn đề được đặt ra

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển KĐT cảng Hiệp Phước là cần thiết, tuy nhiên làm thế nào để phát triển bền vững là vấn đề được đặt ra

Trước đó, vào ngày 11.7, các chuyên gia nhiều nước trên thế giới đã có chuyến tham quan, tìm hiểu khu đô thị (KĐT) cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) và quận 6 bằng xe buýt. Chính vì vậy, chủ đề trong nhiều phiên thảo luận của Diễn đàn lần này là nhằm đánh giá về việc phát triển KĐT cảng Hiệp Phước trong tương lai và những tác động của biến đổi khí hậu của vùng này trong tổng thể TP.HCM và khu vực phía Nam.

Hiệp Phước: Phát triển TP.HCM theo hướng ra biển

KĐT cảng Hiệp Phước là một trong các vệ tinh quan trọng của TP.HCM trong tương lai gần. Cùng với các KĐT khoa học Đông Bắc TP, Hiệp Phước sẽ góp phần tổ chức lại không gian phát triển, cơ cấu lại phân khu chức năng của TP. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 27.11.2006).

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đã được Thủ tướng phê duyệt thì Tân cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Khu cảng Nhà Rồng, Khu cảng Khánh Hội, Cảng Tân Thuận Đông, Cảng Rau quả phải di dời trước năm 2010. Từ việc di dời các cảng ra khỏi trung tâm, TP.HCM sẽ có các khu cảng: Khu cảng Sài Gòn, Khu cảng Nhà Bè, Khu cảng Cát Lái và Khu cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp).

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, ban đầu việc di dời các cảng này nhằm phục vụ cho việc xuất khẩu và định hướng là cụm cảng công nghiệp. Bây giờ, sau khi nghiên cứu, TP sẽ phát triển cảng này thành KĐT cảng, trở thành một đô thị vệ tinh của TP.HCM.

Việc phát triển KĐT cảng Hiệp Phước không chỉ mở ra một cửa ngõ giao thương đường biển của TP, mà còn đưa không gian phát triển của TP hướng ra biển. Hơn nữa, “việc xây dựng một KĐT gắn liền với khu công nghiệp và cảng là nhu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP”, ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Đơn vị tư vấn (Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd, đã được Hội đồng tuyển chọn chấm giải xuất sắc trong cuộc thi ý tưởng quy hoạch KĐT cảng Hiệp Phước) đã đưa ra ý tưởng cho Hiệp Phước trong tương lai là “Đô thị cộng sinh giữa Con người – Tự nhiên – Cảng”, một KĐT có sự kết hợp hài hòa giữa con người, các hoạt động sống và làm việc của con người với môi trường tự nhiên. Đồng thời, nó cũng phải thể hiện được tính đặc trưng sông nước, đặc trưng đô thị cửa ngõ và là một đô thị bền vững của TP.HCM.

Theo quy hoạch, khi KĐT Hiệp Phước hình thành (năm 2025) sẽ có khoảng 180.000 dân, trong đó có khoảng 13.000 dân hiện hữu sẽ được tái bố trí tại chỗ. Chính vì vậy, bên cạnh thấy được những điều kiện thuận lợi thì các chuyên gia tham dự Diễn đàn đều lo ngại về những thách thức đặt ra cho KĐT này trong tương lai.

Biến đổi khí hậu: Đối phó cái chưa có tiền lệ

Theo đánh giá của các chuyên gia, KĐT cảng Hiệp Phước có vị trí kết nối thuận lợi khi tiếp cận được trực tiếp hệ thống giao thông đô thị (đường bộ - đường sắt – đường thủy) một cách hoàn chỉnh của Vùng đô thị và TP.HCM trong một tương lai gần. Bên cạnh đó, KĐT này cũng sẽ có khả năng giải tỏa bớt áp lực cho khu vực nội thành về dân số cũng như về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tuy nhiên, “vùng đất Hiệp Phước – Nhà Bè có cao độ trung bình thấp (0,40m – 1,00m) lại chằng chịt mương, rạch... thế nên việc xây dựng KĐT mới đòi hỏi khối lượng đắp nền rất lớn cũng như xác định một cốt cao độ để đảm bảo KĐT không bị tác động nhiều do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu (mức nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão...)”, ông Nguyễn Ngọc Công , Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM khuyến nghị.

Khi tiến hành xây dựng KĐT Hiệp Phước là “đụng” vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng của khu vực TP.HCM, bởi đây là vùng đất thấp, được ví như một vùng chứa nước, đồng thời là vùng đất còn khá “tự nhiên”: sông, rạch, mặt nước, thảm xanh... Chính vì thế, nhiều chuyên gia lo ngại về việc bảo vệ môi trường khu vực này.

Bên cạnh những vấn đề trên, các chuyên gia cũng khuyến cáo về việc thay đổi môi trường sinh thái ở khu vực này. Bởi việc chuyển đổi một vùng đất quy mô rộng gần 4.000 ha (bao gồm diện tích toàn xã Hiệp Phước và một phần xã Long Thới, huyện Nhà Bè) từ sinh thái cơ bản tự nhiên sang nhân tạo; từ nông nghiệp, nông thôn sang tập trung xây dựng đô thị, công nghiệp, cảng chắc chắn sự biến động về môi trường là rất lớn. Vấn đề đặt ra phải xử lý những nguồn ô nhiễm cho đất, nước, không khí... để đảm bảo môi trường trong lành, cho sự phát triển bền vững.

Thanh Tùng- Báo Văn hóa 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất