Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 12/6/2010 18:54'(GMT+7)

Quyết liệt bình ổn giá 6 tháng cuối năm

Theo Tổng cục Thống kê, CPI của 5 tháng đầu năm 2010 đã tăng ở mức 4,55%, nhiều mặt hàng trong rổ hàng hóa tính CPI đã tăng giá mạnh.

Còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành giá 

Tại hội nghị triển khai công tác quản lý, chỉ đạo điều hành giá những tháng cuối năm 2010 vừa diễn ra  tại Đà Nẵng, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, có không ít bất cập trong việc quản lý, điều hành giá liên quan đến việc điều chỉnh tỉ giá, lãi suất, giá xăng dầu, nước sạch... đã gây tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và thị trường.

Trên thực tế, giá các mặt hàng thiết yếu những tháng đầu năm đã liên tục biến động mạnh, song việc quản lý, điều hành, can thiệp của Nhà nước nhằm bình ổn giá những mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm pháp luật về giá theo Nghị định số 169 của Chính phủ đã bộc lộ nhiều hạn chế vì mức xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, đầu năm 2010 hàng loạt yếu tố bất lợi đã gây sức ép lên mặt bằng giá thị trường. Giá nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, như xăng dầu, phôi thép, chất dẻo, khí hóa lỏng... đã tăng hơn 50%.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm cũng đã có một số thành công bước đầu trong công tác điều hành giá. Chẳng hạn, việc  Bộ Công Thương có biện pháp can thiệp, chỉ đạo nhằm đảm bảo việc cung - cầu, bình ổn giá cả mặt hàng thép,  đã góp phần quyết định hạ cơn “sốt” giá thép.

Hay như việc mới đây UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm ứng 500 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ đồng để dự trữ hàng phục vụ cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, úng ngập. Còn 400 tỷ đồng tạm ứng cho một số doanh nghiệp, lãi suất 0% để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu cũng nhằm mục tiêu bình ổn giá.

Những ngày gần đây, Cục Quản lý giá đã 2 lần có quyết định yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ xăng, dầu. Quyết định của Bộ Tài chính được dư luận đánh giá cao, bởi sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý giá đã khắc phục phần nào những bất cập trong việc giá xăng, dầu bán lẻ trong nước thường trong tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm" gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Sẽ bình ổn giá mặt hàng gas, giá thuốc phải đăng ký

Để kiềm chế tăng giá và kiểm soát giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Bên cạnh việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, Bộ sẽ kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá của những mặt hàng thiết yếu qua việc đăng ký giá, kê khai giá.

Với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cơ quan quản lý giá sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp nhằm thực hiện theo lộ trình giá thị trường, nhưng vẫn có sự điều chỉnh hợp lý, bảo đảm khi giá thế giới giảm, giá trong nước cũng giảm ngay cho phù hợp.

Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, tới đây sẽ đưa mặt hàng gas vào diện bình ổn giá. Với mặt hàng thuốc chữa bệnh, Bộ Tài chính đang sửa đổi quy định liên quan nhằm đưa mặt hàng này vào diện phải đăng ký, kê khai giá từ tháng 7/2010.

Với mặt hàng thép xây dựng, Bộ sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm kiểm soát chi phí, tránh việc doanh nghiệp nâng giá tùy tiện và yêu cầu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép đăng ký giá, kể cả bán lẻ để kiểm soát giá bán trên thị trường.

Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, thời gian tới sẽ mạnh tay rút giấy phép kinh doanh, thậm chí truy tố trước pháp luật các hành vi sai phạm nghiêm trọng về giá để giữ ổn định giá thị trường trong những tháng cuối năm./.

(Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất