Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 5/9/2011 11:25'(GMT+7)

Bảo vệ người thầy thuốc đang hành nghề cứu chữa bệnh nhân là trách nhiệm của toàn xã hội

Hãy bảo vệ người thầy thuốc chí ít khi họ đang hành nghề cứu chữa người bệnh

Hãy bảo vệ người thầy thuốc chí ít khi họ đang hành nghề cứu chữa người bệnh

Những ngày gần đây đã xuất hiện một số hiện tượng người nhà bệnh nhân có hành động hành hung những người thầy thuốc khi họ đang hành nghề cứu chữa bệnh nhân. Đó là trường hợp người nhà bệnh nhân cầm dao đâm chết Bác sỹ Phạm Đức Giầu và đâm trọng thương một Bác sỹ khác tại bệnh viện Vũ Thư, Thái Bình; người nhà bệnh nhân phóng xe máy vào tận khoa cấp cứu bệnh viện Việt Tiệp rượt đuổi và đánh bác sỹ, tát y tá và đánh sinh viên thực tập cách đây không lâu . Đây là những tin không vui đối với toàn xã hội. Những hành động này cần được xã hội lên án và nghiêm khắc trừng trị bởi vì chúng đã gây ra những hậu quả xấu, như sau:

- Làm gián đoạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp cứu và chữa bệnh cho những bệnh nhân khác tại thời điểm đó.

- Tạo ra những phản cảm phản ánh sự xuống cấp về đạo đức xã hội thông qua việc không coi trọng và hành xử không tốt của một bộ phận người nhà bệnh nhân với những người thầy thuốc là những người đang làm một nghề nhân đạo cứu chữa sinh mạng người bệnh của gia đình mình.

- Gây ra hoang mang và chán nản trong giới thầy thuốc. Nghề y vốn là một nghề chịu nhiều áp lực : sự lây nhiễm bệnh tật trong đó có một số bệnh nguy hiểm từ bệnh nhân, cường độ lao động cao đòi hỏi tập trung trí tuệ để tìm giải pháp cứu sống người bệnh. Nay lại thêm sự đe dọa đến tính mạng và thân thể họ khi đang hành nghề gây ra, bởi một số kẻ xấu là người nhà bệnh nhân. Chính điều này ảnh hưởng đến tâm huyết nghề nghiệp và tinh thần hết lòng cứu chữa người bệnh của giới thầy thuốc.

Phải khảng định rằng những sự việc xảy ra như trên là trái với đạo lý làm người và trái với sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về nghề y, về người thầy thuốc.. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ y tế là những chiến sỹ đánh giặc ốm để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”. Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 23- 2- 2005 đã chỉ rõ: nghề y là một nghề đặc biệt”. Chắc chắn những hành động của những kẻ xấu như trên là những việc làm đi ngược lại những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như đạo lý của dân tộc ta. Nhân dân ta không một ai đồng tình với những hành động đó.

Vậy chúng ta cần làm gì trước những hành động này:

Một là, các cấp chính quyền, các cơ quan pháp luật nơi xảy ra sự việc cần xét xử công khai rộng rãi và trừng trị nghiêm khắc những kẻ đã cố tình gây ra các hành động làm thiệt hại đến tính mạng và xâm phạm đến thân thể, danh dự của người thầy thuốc, làm mất trật tự an toàn tại bệnh viện để làm bài học góp phần ngăn chặn có hiệu quả những hành động tương tự trong tương lai.

Hai là, các cấp chính quyền và các đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp cần thăm hỏi và động viện những người bị hại và gia đình của họ cả về tinh thần lẫn vật chất, để gia đình và bản thân họ cũng như đồng nghiệp khác vượt qua những đau thương mất mát, vượt qua sự mặc cảm do một số người xấu gây ra.

Ba là, ngành y tế cần nghiên cứu đề nghị việc truy và xét tặng những danh hiệu xứng đáng đối với những người đã hy sinh và những người bị thương tật khi làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh. Bên cạnh đó ngành cũng cần nghiên cứu để bổ sung đội ngũ nhân viên bảo vệ và các giải pháp bảo vệ có hiệu lực tại các bệnh viện, đặc biệt là các nơi cấp cứu; đề nghị các cơ quan lập pháp cho ra đời những đạo luật bảo vệ người thầy thuốc khi hành nghề.

Bốn là, toàn xã hội trong đó có những người nhà bệnh nhân cần có tiếng nói lên án những hành động vô nhân đạo của những kẻ xấu này; tích cực tham gia vào các giải pháp bảo vệ, quan tâm, tôn vinh xứng đáng những người thầy thuốc để họ có tâm trạng thật sự yên tâm, tập trung trí tuệ khi hành nghề cứu chữa người bệnh của chính gia đình mình..

Năm là, giới thầy thuốc không vì những hy sinh, mất mát của một số đồng nghiệp do kẻ xấu gây ra mà nản chí hay sợ hãi, dẫn đến tư tưởng muốn rời bỏ công việc, mà trái lại càng nên nêu cao tinh thần hết lòng cứu chữa người bệnh. Đây cũng là một dịp để giới thầy thuốc chúng ta soi rọi bản thân mình vào những lời dậy của các bậc tiền nhân về sự cao thượng của nghề thầy thuốc để tiếp tục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp sao cho xứng danh với lời dạy “Lương y như từ mẫu”.

Chúng ta tin tưởng rằng xã hội sẽ không làm ngơ với hành động như vậy của các kẻ xấu và sẽ có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ những người thầy thuốc khi hành nghề cứu chữa người bệnh. Cũng nhân dịp này, xin nêu lại một trong tám tội mà cụ Hải Thượng Lãn Ông đã nêu để răn dạy người làm nghề thuốc: “Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi”. Trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những trường hợp như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động và cảm hóa họ”.

Đương nhiên những hành động của một số kẻ xấu vừa qua đối với những đồng nghiệp đang hành nghề cứu chữa tính mạng cho chính người nhà họ phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc. Nhưng giới thầy thuốc cũng không vì một vài hiện tượng nêu trên mà nản lòng, trái lại càng nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh như lời của các bậc tiền bối đã dạy. Như vậy mới xứng đáng với cái tâm của một nghề nhân đạo chuyên làm những việc cứu sinh mạng con người.

Với người nhà bệnh nhân, chúng tôi những hội viên của Tổng hội Y học Việt Nam - một tổ chức xã hội nghề nghiệp tập họp những người thầy thuốc để phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng- muốn nói rằng: Đạo đức xã hội được phản ánh trong nhiều lãnh vực và thông qua nhiều biểu hiện của công dân. Một trong những biểu hiện rõ rệt và ở mức cao nhất của đạo đức xã hội là sự trân trọng và đánh giá đúng mức của mọi người trong đó có người nhà bệnh nhân đối với công lao của người thầy thuốc và người thầy giáo. Vì vậy để nâng cao đạo đức xã hội chúng ta, mọi người cùng nhau dấy lên tiếng nói: “Hãy bảo vệ người thầy thuốc chí ít khi họ đang hành nghề cứu chữa người bệnh”. Đó là công việc của toàn xã hội và trong công việc này có sự đóng góp to lớn của người nhà bệnh nhân./.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất