Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông (TNGT), hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông trong cả nước...
Cao điểm trên cả ba tuyến
Theo Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an, trong đợt cao điểm (từ 16-12-2015 đến hết 15-2-2016), lực lượng CSGT tập trung tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông, như: Chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, chở hàng quá khổ, quá tải, chở quá số người quy định, vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển xe cơ giới… Tích cực phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào việc xử lý vi phạm TTATGT. Duy trì và phát huy phương thức tuần tra kiểm soát phối hợp với Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát 113, Cảnh sát hình sự kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đối với lực lượng CSGT đường sắt, cần phối hợp với chính quyền, công an các địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường sắt, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại đường ngang phức tạp về ATGT, đường ngang không có cảnh giới, đường ngang trái phép; tập trung đấu tranh với các loại tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng trái phép, pháo nổ… trên tàu. Trên đường thủy nội địa, lực lượng Cảnh sát đường thủy tập trung xử lý nghiêm các hành vi như: Phương tiện chở quá tải, chở quá số người quy định, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật... Tăng cường kiểm tra các phương tiện chở khách như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm, phương tiện chở khách ngang sông, dọc sông và chở khách tại các khu du lịch, lễ hội. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng đình chỉ hoạt động của các bến, phương tiện thủy chưa đáp ứng được các điều kiện về an toàn. Từ ngày 16-1-2016 đến ngày 15-2-2016, thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô chở khách trên đường bộ, kể cả trên các tuyến cao tốc và tổng kiểm soát phương tiện thủy chở khách trên đường thủy nội địa.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Trong 5 ngày, từ ngày 7-2 đến 11-2-2016 (từ ngày 29 đến Mồng 4 Tết), toàn quốc xảy ra 213 vụ TNGT, làm chết 140 người, bị thương 211 người. Bốn ngày Tết Nguyên đán Bính Thân (từ 29 đến Mồng Ba Tết) so với 4 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 giảm 86 vụ (-34,8%), giảm 41 người chết (-28,9%) và giảm 83 người bị thương (-33,7%). Tuy nhiên, ngày 10-2 (Mồng Ba Tết Bính Thân) mặc dù TNGT giảm sâu so với ngày Mồng Ba Tết Ất Mùi 2015 nhưng vẫn còn ở mức cao, xảy ra 57 vụ, làm chết 37 người và bị thương 65 người, cao hơn nhiều so với 3 ngày Tết Bính Thân trước đó; tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn, lái xe vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu.
Giúp người dân vui Xuân an toàn
Vào thời gian diễn ra các lễ hội Xuân, lượng người và phương tiện giao thông sẽ tập trung đông, rất dễ gây ùn tắc kéo dài hoặc mất ATGT. Việc lực lượng CSGT tham gia vào các ban quản lý lễ hội là để tham mưu cho ban quản lý lễ hội và chính quyền địa phương các phương án bảo đảm ATGT. Các cơ quan chuyên môn của lực lượng CSGT cũng tiến hành khảo sát để xác định các điểm du xuân, lễ hội từ đó có phương án điều tiết giao thông từ xa. Đối với các lễ hội nhỏ, Cục C67 đã chủ động phân cấp cho lực lượng CSGT cấp huyện, nhưng vẫn bao quát về kế hoạch tổng thể. Đối với các lễ hội Xuân mang tầm quốc gia diễn ra dịp đầu năm 2016 như: Lễ hội chùa Hương, đền Hùng… Cục C67 đều tăng cường lực lượng cho CSGT địa phương để hướng dẫn điều tiết giao thông. Cục cũng thành lập các đoàn kiểm tra để giám sát, đôn đốc lực lượng CSGT địa phương thực hiện kế hoạch... Trong những ngày Tết vừa qua, tại Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật TTATGT vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh chở con lưu thông trên quốc lộ cũng không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, tình trạng điều khiển phương tiện giao thông ra đường sau khi uống rượu bia diễn ra khá phổ biến tại nông thôn.
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã huy động cán bộ, chiến sĩ thường trực tại các chốt, nhất là 503 điểm bất cập về tổ chức giao thông. Đồng thời, xây dựng 55 chuyên đề tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương bố trí chốt trực hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc tại 83 vị trí thường xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm; rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế… Sáng 10-2 (Mồng Ba Tết) rất nhiều người dân Thủ đô đã đổ dồn về các khu vực đền, chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội để du xuân, cầu may, cùng với đó là tình trạng các bãi trông, giữ xe tràn ra lòng đường, vỉa hè. Lực lượng CSGT được bố trí tại các điểm nút quan trọng để điều tiết giao thông nên các khu vực này đã không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Để hạn chế TNGT do rượu, bia, CSGT trên toàn quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Tức là có phân loại và sàng lọc từ xa, khi phát hiện người có nồng độ cồn sẽ tiến hành đo nồng độ cồn trong hơi thở và trong máu. CSGT tiến hành đồng bộ biện pháp tuần tra kiểm soát cả công khai và hóa trang để bảo đảm TTATGT dịp Tết. Theo kế hoạch của Cục C67, ngoài phát hiện và xử phạt trực tiếp, việc xử phạt nguội (qua hình ảnh camera) các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ thực hiện quyết liệt hơn, tập trung vào một số hành vi như chở quá số người quy định đối với xe khách và các phương tiện đò ngang... Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa công bố số điện thoại đường dây nóng phục vụ tiếp nhận, xử lý những thông tin phản ánh về tình hình an toàn giao thông, hoạt động kinh doanh vận tải dịp Tết Bính Thân, lễ hội Xuân 2016.
Những phản ảnh về hoạt động kinh doanh vận tải tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, các bến đò ngang; về giá cước vận tải, phản ảnh về những vi phạm của nhà xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, liên hệ các số điện thoại: 0962.665.953 - 0977.497.891 - 0964.045.445 - 0916.908.085 - 0913.432.383 - 0917.908.085. Những phản ảnh về các vụ việc tai nạn giao thông, tình hình an toàn giao thông, liên hệ các số: 0974.565.896 - 0993.211.111 - 0989.088.719 - 0936.173.906 - 0995.918.666. Cục Cảnh sát giao thông: 069.42608. |
Bài và ảnh: PHAN ANH/Quân đội nhân dân