Thứ Sáu, 12/2/2016 14:48'(GMT+7)
Khi ánh điện Quốc gia về tỏa sáng ở nơi vùng cao Tây Bắc
Với địa hình phức tạp, hiểm trở, đi lại khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt… có thể nói công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới điện ở Lai Châu đang gặp thách thức không nhỏ.
Để thực hiện mục tiêu đưa điện lưới quốc gia về tới 100% xã vào thời điểm cuối năm 2015, ngành điện lực Lai Châu và các đơn vị thi công đã không quản ngại gian nan, đưa ánh điện đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần cùng người dân vùng cao đón Tết ấm no, sung túc.
Trong những ngày đầu xuân giá rét, sương mù dày đặc, bản Hoàng Chù Sào, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ chìm trong ánh xế chiều. Khi màn đêm buông xuống, ngôi nhà sàn của gia đình anh Chẻo Pao Đo, dân tộc Dao lại được thắp sáng, không phải từ ánh đèn dầu, ánh lửa bếp như trước đây mà từ bóng đèn điện lưới quốc gia.
Gia đình anh Đo có 4 miệng ăn, đều trông chờ vào mấy vườn ngô, sắn, chuối và nương lúa, với thu nhập bình quân từ 70 triệu đến 80 triệu đồng/năm. Đầu năm 2015, từ khi có điện lưới quốc gia, gia đình anh Đo đã có thêm điều kiện sắm sửa các vật dụng, thiết bị điện.
“Có điện, gia đình tôi đã mua thêm nhiều đồ dùng mới như nồi cơm điện, ti vi… Bọn trẻ đi học về, chỉ cần 5 phút để cắm nồi cơm là chín, thay vì hàng tiếng đồng hồ phải ngồi trông nồi cơm trên bếp củi. Tôi lắp thêm bóng điện cho nhà sáng hơn; mua thêm tivi, lắp ăng ten chảo để xem thông tin, chính sách của Nhà nước, xem các kiến thức về nông nghiệp để gia đình vận dụng; được xem không khí đón xuân trên mọi miền cả nước…,” anh Đo cho biết.
Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoàng Chù Sào, những ngày không có điện là quãng thời gian khó khăn không thể quên được. Không có điện, muốn mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho gia đình cũng chịu. Không có điện, trẻ con đi học về là bỏ sách, bỏ vở để lên giường đi ngủ. Không có điện, độ tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật hầu như bằng số không…
Anh Hoàng A Khi, dân tộc Dao ở bản Hoàng Chù Sào tâm sự: “Những ngày cả bản sống trong tăm tối, chỉ một hai nhà có máy phát điện nhưng cũng chỉ đủ cho vài cái bóng điện sáng leo lét. Gia đình mình có mua một máy xay xát gạo để phục vụ gia đình và bà con trong bản, nhưng do chạy bằng máy nổ nên tốn dầu lắm. Đấy là không kể, máy nổ thường xuyên hỏng hóc, sửa chữa nhiều, khi có khách đến xát gạo nhưng mình cũng chẳng buồn làm.”
Huổi Luông là một xã vùng cao biên giới với địa bàn rộng. Toàn xã hiện có hơn 1.200 hộ dân với gần 6.900 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Hà Nhì, Dao và Mông. Ông Tần A Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ cho biết, khi chưa có điện lưới về xã, cả xã không có nổi một cái tivi.
Ngay như ở trụ sở Ủy ban Nhân dân xã có hai cái tivi được tỉnh trao tặng nhân dịp mùa xuân năm vừa qua, mà cũng chẳng có điện để mở xem. Hiện nay, 23/23 bản của xã biên giới Huổi Luông đã được sử dụng điện. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Nhà nào cũng được xem thời sự, thông tin trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, người dân hiểu được hơn về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của xã và của tỉnh…
Tháng 8/2015, Công ty Điện lực Lai Châu đã hoàn thành cấp điện lưới quốc gia cho 100% xã vùng cao, xa xôi, khó khăn nhất, vượt kế hoạch 6 tháng. Để thực hiện mục tiêu kéo điện lưới quốc gia về 100% các xã trên địa bàn tỉnh là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ công nhân lao động trong toàn công ty, từ việc rà soát, tham mưu và đề xuất các phương án đầu tư, phù hợp với tiêu chí các nguồn vốn, lồng ghép các dự án phát triển và mở rộng lưới điện nông thôn đến các xã, thôn, bản chưa có điện.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2004 đến nay, Công ty Điện lực Lai Châu đã triển khai xây dựng mới gần 1.400 km đường dây trung áp; hơn 1.100km đường dây hạ áp; trên 680 trạm biến áp để cấp điện mới cho trên 37.000 hộ dân.
Có điện, các bản làng vùng cao ở Lai Châu bừng sáng và sôi động hơn với những âm thanh của đầu đĩa, loa đài. Người dân được nghe, được xem những tin tức, thông báo kịp thời của chính quyền địa phương qua hệ thống loa phát thanh, tivi. Có điện, bà con được tiếp cận với khoa học, công nghệ mới.
Trẻ em được học bài dưới ánh điện mà quên đi những ngày dài cặm cụi dò tìm chữ dưới ngọn đèn dầu leo lét. Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị y tế hiện đại...
Nhờ có khoa học, tri thức, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Lai Châu trong năm 2015 đạt 18,2 triệu đồng (tăng gấp 5 lần so với năm 2004). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60,75% (năm 2004) xuống còn hơn 20%... Những con số ấn tượng này có phần đóng góp không nhỏ của điện lưới quốc gia.
Một mùa Xuân mới đang về trên những bông hoa đào, hoa mận khoe sắc khắp triền đồi. Với đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Xuân này còn ý nghĩa hơn khi ánh sáng của điện lưới quốc gia đã đến với trong mỗi ngôi nhà, mỗi bản làng vùng cao Tây Bắc./.
Nguyễn Duy/TTXVN