Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 12/2/2016 9:50'(GMT+7)

Những ngư dân đón Tết giữa biển khơi

Ông Nguyễn Thanh Nam nghe tin tức từ các tàu cá đánh bắt trên biển

Ông Nguyễn Thanh Nam nghe tin tức từ các tàu cá đánh bắt trên biển

Từ biển xa, vang vọng tiếng thở dài, âu lo của người đi biển. Ở vùng Duyên hải miền Trung này, xa thì một tháng, gần thì một tuần, hai tuần lại nhận tin dữ từ vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa dội về đất liền. Tiếng kêu vọng từ năm này qua năm khác, gào thét theo những đợt sóng biển rồi lặng dần, nhức nhối nỗi đau từ biển.

Xã biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi những năm gần đây dồn dập nỗi đau mất mát. Bà con nơi đây trong chốc lát có thể trắng tay từ bão giông, cuồng nộ của biển. Rồi những vụ truy đuổi, tấn công trên biển của tàu nước ngoài khiến nhiều ngư dân thương vong, tàu cá bị đâm chìm. Và có lẽ ký ức đau thương đã hun đúc cho ngư dân làng chài nghèo ý chí can trường bám giữ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa...

Ngư dân Trương Văn Đức không sao quên cái ngày tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của mình tại vùng biển Hoàng Sa. Ông Đức trầm ngâm nhớ lại lúc 23 giờ đêm, tàu cá bị đâm thủng mạn phải, nước tràn vào khoang chìm dần, mọi người hoảng loạn. Ông Đức vớ được Icom hoảng hốt kêu cứu rồi nhảy theo bạn tàu bám vào phao cứu sinh chới với, trôi dạt trên biển giữa đêm tối mịt mùng. 

Tiếng kêu thất thanh của ông Đức được ngư dân Lê Văn An, ở cùng xã Bình Châu nghe thấy liền tức tốc cho tàu chạy lại tiếp cứu. Ông Đức và các ngư dân về bờ an toàn nhưng chiếc tàu cá trị giá gần 4 tỷ đồng chìm nghỉm dưới lòng biển sâu. Mùa xuân này, ông Đức ra khơi mang theo hy vọng mới: “Làm biển cực kỳ rủi ro và nguy hiểm. Đủ cái nguy hiểm chứ không riêng một cái nguy hiểm nào. Làm vừa sinh sống cho gia đình, vừa để bám đảo, bám biển giữ đảo”.

nhung ngu dan don tet giua bien khoi hinh 1
Bà Mai Thị Lan, vợ của ngư dân Trương Đình Bảy tử nạn tại Trường Sa buồn tủi khi tết này vắng chồng.

Nằm khuất sau đồi dương vi vút gió, xóm chài Gành Cả hiện ra thanh bình dưới những mái ngói đỏ tươi. Con dốc nhỏ xuôi xuống đầu làng chạy thẳng ra mép nước, nơi những ghềnh đá đen chồm ra ngăn những đợt sóng bạc đầu. 

Chập tối, những người đàn bà tụ tập bên bãi cát chờ những chiếc thuyền thúng của người thân đi lặn đêm trở về cũng là lúc ông Nguyễn Thanh Nam, ở thôn Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mở máy Icom kết nối với các ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa- Trường Sa để nắm bắt thông tin. 19 năm nay, ông Nam là người chỉ đường, dẫn lối cho ngư dân hành nghề trên biển tìm nơi trú ẩn mỗi khi trời nổi cơn giông bão. Ông cũng là người đầu tiên tiếp nhận những câu chuyện vui của ngư dân khi gặp luồng cá lớn và những tiếng kêu xé lòng từ các ngư dân mỗi khi gặp tai nạn, bị tàu nước ngoài rượt đuổi, đâm va trên biển. Những năm trước, biển cả yên bình, cứ đúng giờ ông Nam mới mở máy Icom để nắm bắt thông tin.

Ông Nam bảo rằng, gần đây, ông mở máy Icom sớm hơn, nhiều hơn để nghe được nhiều tin báo hơn: “Hai đến ba năm gần đây cứu hộ, cứu nạn gọi về máy cộng đồng tăng hơn mấy năm trước. Thứ nhất là bão tố, thứ 2 là tình hình biển Đông phức tạp. Đánh bắt của ngư dân thấy rất khó khăn. Bây giờ ăn tết rồi ra đánh bắt làm cách sao đây để thuận lợi việc đánh bắt, giảm bớt rủi ro tàu nước ngoài tông đuổi”.

Không biết từ bao giờ, câu nói “Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” đã ăn sâu trong tâm thức của người dân ven biển miền Trung? Và cũng chỉ có những người vợ làng chài mới thấu hiểu nỗi lòng mong ngóng, chờ đợi người đàn ông mà họ yêu thương nhất đang đánh bắt ngoài biển khơi. Những người đàn ông ấy hầu hết đều trở về cùng niềm vui tôm cá đầy khoang nhưng cũng có người xấu số nằm lại với biển cả để lại nhiều phụ nữ chịu cảnh góa bụa

Tết này, trên bàn thờ ông bà tổ tiên, bà Mai Thị Lan ở thôn An Hải, xã Bình Châu bày soạn mâm cúng chồng mình – ngư dân Trương Đình Bảy. Ông Bảy tử nạn khi đang đánh bắt cá trên biển Trường Sa. Ở xã biển Bình Châu này, bà Lan chỉ là một trong hàng chục phụ nữ chấp nhận sống một cuộc đời buồn tẻ cơ cực vì mất chồng do đi biển...

Nhà bà Lan nằm khuất sâu giữa cánh rừng dương vi vu gió, tiếng sóng vỗ ầm ào vào những gành đá. Bà Lan nhắc lại lời hứa của ông Bảy trước Tết về đưa bà ra thành phố Đà Nẵng khám bệnh nay đã chìm lắng dưới lòng biển sâu: “Ổng kêu tết ni về ổng dẫn đi khám bệnh chứ không nghĩ bị ra biển nó tới nó bắn chết. Chán lắm, không có muốn gì hết, ưng chết cho rồi. Bây giờ biết làm sao đây. Ở đây là đi biển. Ở ngoài Trường Sa - Hoàng Sa là khó khăn lắm nhưng mà bây giờ cũng phải đi biển mưu sinh”.
 
nhung ngu dan don tet giua bien khoi hinh 2
Ngư dân Trương Văn Đức và chiếc tàu cá đang được hoàn thiện phần máy tàu sắp hạ thủy cho mùa đánh bắt mới với hy  vọng một năm bình yên.

Ngày ra khơi, bao ngư dân vui sướng trên chuyến hải trình xa thẳm với mong ước tàu thuyền trở về đầy tôm cá. Nhưng mấy ai ngờ những rủi ro trước mặt, biển trở thành nỗi ám ảnh khôn cùng. Có lẽ nước biển sẽ còn mặn hơn theo năm tháng, khi có nhiều người đàn ông xứ biển ra khơi đi mãi không về. Và rồi, còn có biết bao thân phận là vợ, là mẹ cứ chiều chiều ra biển trông chờ trong niềm tiếc nuối vô vọng...  Biết đến bao giờ, những tiếng kêu từ biển mới tìm được sự đồng vọng? Nỗi niềm này cứ lan tỏa, lẫn vào tiếng sóng, tan vào không gian, mặn đắng như nước biển./.
 
Hà Minh/VOV
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất