Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn
hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế; một động lực phát
triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hà Nội không chỉ là đô
thị lớn, đô thị đặc biệt, mà còn là Thủ đô, nên mỗi nhiệm vụ, mỗi công
việc luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phải
nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô của đất nước.
Nhân dịp Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI, phóng
viên đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Bộ
Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:
- Với cương vị người đứng đầu Thủ đô gần 10 năm qua, chắc hẳn đồng chí
chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều đổi thay của Hà Nội. Vậy kết quả nhiệm
kỳ vừa qua có những gì ấn tượng và đáng nhớ, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Với yêu cầu xây dựng và phát triển
Thủ đô, Hà Nội đang có rất nhiều việc phải làm, và cũng đang đứng trước
nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt, trong thời kỳ thế giới diễn ra
nhiều biến động rất phức tạp, cả về kinh tế lẫn chính trị, Hà Nội là Thủ
đô, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là một trong hai đầu tàu
kinh tế lớn nhất của đất nước, càng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đó là thử thách đặt lên vai lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị,
đặc biệt là nỗi lo chung của hơn 170.000 doanh nghiệp ở Thủ đô. Song họ
đã cùng nhân dân nỗ lực vượt qua, đóng góp cho ngân sách Thủ đô.
Cạnh đó, nhiệm kỳ vừa qua chiếm hai phần ba quãng thời gian tính từ ngày
Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Giai đoạn này có rất nhiều
việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ. Vì vậy, trong chỉ đạo, thực hiện
có lúc gặp rất nhiều khó khăn và từng công việc đều đòi hỏi trong xử lý
phải hết sức thận trọng, bởi Hà Nội có những đặc thù riêng biệt.
Thành phố đã rất nỗ lực và chủ động trong việc xây dựng Luật Thủ đô. Đây
là một thành công lớn, tạo được cơ sở pháp lý, những cơ chế, chính sách
đặc thù để giải quyết công việc một cách hiệu quả, năng động, linh hoạt
nhưng không trái pháp luật.
Thành tựu trên từng lĩnh vực của Thủ đô đều được thể hiện qua các con
số, các nhận định, đánh giá trong Báo cáo chính trị trình Đại hội sắp
tới. Đó là những kết quả rất ấn tượng về phát triển kinh tế-xã hội, về
đảm bảo quốc phòng, an ninh, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị. Đó là những thành tựu của một nhiệm kỳ gặt hái được nhiều
thành công.
- Vậy con số nào chứng minh cho điều đồng chí vừa chia sẻ?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Số liệu để chứng minh là rất cần
thiết vì nó cụ thể, nhưng ngoài căn cứ từ các con số còn là bằng cảm
nhận từ cuộc sống của người Thủ đô, những thay đổi trên phố phường Hà
Nội; là hình ảnh của một thành phố tấp nập, sầm uất, với lượng xe cộ,
nhà cửa, trung tâm thương mại, đường giao thông, các cây cầu, trường
học, bệnh viện mới mọc lên nhanh chóng.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng
sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58
lần mức tăng bình quân chung của cả nước.
Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) năm 2015 theo giá
hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người
khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Thu ngân sách Nhà
nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán: 5 năm tổng thu ngân sách trên địa
bàn ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Thành phố Hà Nội đã tham mưu
cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ
phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, Quy
hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2050.
Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô đã tạo điều kiện cho Hà
Nội có được những cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực quan
trọng, giúp Thủ đô thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành để
xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Trên cơ sở đó, Thành phố đã tập
trung hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực; cơ bản hoàn thành các
quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô
thị vệ tinh. Đây là những định hướng rất quan trọng để Thủ đô
phát triển nhanh và bền vững.
- Có người đánh giá, Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đánh giá như vậy là đúng tình hình
thực tế. Văn kiện trình Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố cũng nhận định
kinh tế Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ
đô. Trong đó có nguyên nhân khách quan, một mặt do cơ chế, chính sách
còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; các nguồn lực chưa đủ để triển khai
thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ phát triển lâu dài và cấp bách của Thủ
đô. Và cũng có cả việc trong quá trình triển khai những nhiệm vụ khó
khăn, phức tạp, các cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành phải chờ đợi sự
đồng thuận, nhất trí của dư luận.
Phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan của công tác lãnh
đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Thành phố còn chưa thực sự quyết
liệt; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức còn
thiếu năng động, sáng tạo, né tránh trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện
nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc xử lý một số tập thể, cá nhân có sai phạm
chưa kịp thời và chưa đủ mức giáo dục, răn đe. Đây là những việc cần sớm
khắc phục và chấn chỉnh.
Lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, tìm các giải pháp phát triển tương
xứng tiềm năng, phải "rèn luyện" đức tính biết lắng nghe và biết chọn
lọc để đi tới quyết định.
- Trong lúc Hà Nội có rất nhiều việc quan trọng phải làm, vì sao
Thành ủy lại liên tiếp chọn hai năm 2014-2015 làm năm “Trật tự và Văn
minh đô thị”, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Có lẽ không chỉ những người sống ở Hà Nội,
mà bất kỳ ai đã từng sống, tạm trú, hay chỉ một lần đến Thủ đô cũng có
thể cảm nhận được sự bức xúc, lo ngại về tình trạng vi phạm trật tự đô
thị, mà phổ biến nhất là lĩnh vực giao thông, hoặc xây dựng, đất đai,
môi trường... cũng như nếp sống, lối sống, cách ứng xử của một số người
chưa đúng với phong cách, truyền thống người Hà Nội.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự kỷ cương xã hội, chất lượng
sống, hình ảnh và nét đẹp văn hóa của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Vì vậy, đây vừa là nhiệm vụ của lãnh đạo, nhưng cũng là trách nhiệm và
nghĩa vụ của công dân, làm sao để xây dựng hình ảnh Thủ đô - trái tim
của cả nước phải luôn đẹp trong mắt mọi người, xứng với truyền thống
người Tràng An, với tên gọi "Thành phố Anh hùng", "Thành phố vì hòa
bình."
Việc Hà Nội dồn sức thực hiện chủ đề "Năm trật tự và văn minh đô thị"
trong những năm qua không những tạo được bộ mặt đô thị đẹp hơn, sáng hơn
mà quan trọng nhất là ý thức, thói quen, nếp sống văn minh thanh lịch
của người dân đã được cải thiện, nâng lên một bước.
- Đồng chí có thể cho biết về hiệu quả sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đến thời điểm này có thể khẳng
định chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ
đô là hết sức đúng đắn, vì đây là điều kiện để Hà Nội thay “chiếc áo” đã
quá chật, mật độ dân số quá đông kéo theo rất nhiều sự mất cân đối, rất
nhiều sự bất cập và quá tải khác về chăm lo y tế, giáo dục, việc làm
cho người dân; giúp thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, phát triển cơ
sở hạ tầng, kết nối giao thông, di dời các cơ sở sản xuất, cơ quan,
trường học... ra khỏi trung tâm.
Bên cạnh đó, đây là cơ hội để tăng cường đầu tư nguồn lực, phát triển
vùng nông thôn rộng lớn của Thủ đô, tạo các vùng chuyên canh sản xuất
lớn cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho Thủ đô. Tính riêng khu vực nông thôn
Hà Nội sau khi hợp nhất, các địa phương đã được đầu tư tăng gấp cả chục
lần trước đây; Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây
dựng nông thôn mới.
- Còn kết quả trên lĩnh vực văn hóa thì sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Thủ đô Hà Nội xưa nay vốn là nơi hội tụ và
lan tỏa về văn hóa đối với cả nước. Vì vậy, sau khi mở rộng địa giới
hành chính Thủ đô, truyền thống, di sản văn hóa đặc trưng của các địa
phương vừa mới hợp nhất, rất tự nhiên đã trở thành một phần văn hóa của
Thăng Long-Hà Nội. Dù là văn hóa xứ Đông, xứ Đoài hay Mê Linh - Vĩnh
Phúc, tất cả đều đóng góp và làm phong phú, đa dạng nét đẹp văn hóa Thủ
đô Hà Nội.
Đó là các lễ hội, các thắng cảnh, khu du lịch sinh thái xung quanh Hương
Sơn, núi Tản; những ngôi chùa, đình lớn của xứ Đoài, Mê Linh đều được
quan tâm, tu bổ, sửa chữa tốt hơn trước. Như việc Làng cổ Đường Lâm sau
khi được công nhận là di tích quốc gia, mãi gần đây mới được quan tâm
đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, hay như lễ hội Chùa Hương, một lễ hội được
đồng bào cả nước biết đến, đã được đầu tư, quản lý tốt hơn về giao thông
cũng như chất lượng phục vụ, trật tự an ninh.
Quá trình vừa hội tụ, vừa lan tỏa này càng tạo điều kiện cho Hà Nội đi
lên một cách vững chắc. Với sự đoàn kết và trách nhiệm chung của cán bộ
đảng viên và nhân dân sau khi hợp nhất, là nhân tố cực kỳ quan trọng mở
ra những triển vọng mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
- Xin đồng chí cho biết, 5 năm tới Thủ đô phải làm gì vượt qua mọi khó
khăn, thách thức mới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ về mọi mặt?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Các nhiệm vụ, giải pháp và phương hướng
phát triển của Thủ đô được thể hiện đầy đủ trong Báo cáo Chính trị,
nhưng tựu trung nhiệm kỳ tới thành phố đặt ra 5 nhiệm vụ chủ yếu và đặc
biệt nhấn mạnh 3 khâu đột phá, đó là (1) Phát triển đồng bộ, hiện đại
hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. (2) Tiếp tục đẩy mạnh
cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý
thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công
chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và
sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. (3) Nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn
diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Hà Nội cũng đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2050. Đặc biệt, nhiệm kỳ tới, Hà Nội sẽ phấn đấu phát triển mạnh mẽ
hơn nữa, đổi mới nhiều hơn nữa và không ngừng lắng nghe, cầu thị, tiếp
thu ý kiến của nhân dân. Hà Nội quyết tâm giữ vững hình ảnh là Thủ đô
thân yêu của cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà
Nội.”
Quyết tâm của toàn Đảng bộ, quân và dân Thủ đô là động lực to lớn nhất xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- Xin cảm ơn đồng chí và kính chúc Đại hội Đảng bộ Thành phố thành công tốt đẹp./.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)