Được đón bình minh của ngày mới, với nhiều người, đó là một điều thú vị, ý nghĩa, tạo sức sống cho một ngày hoạt động. Với các thành viên trong đoàn công tác số 13 ra thăm Trường Sa những ngày tháng 5/2014, khoảnh khắc được đón và đặt chân tới nơi được mệnh danh “Trái tim của Trường Sa” hay “Thủ đô của Trường Sa” - đảo Trường Sa lớn - trong ánh hừng đông ngày mới mãi là khoảnh khắc không thể nào quên trong tâm tưởng mỗi người.
“Cứ ngỡ là một giấc mơ”
Trở lại chiến trường xưa, chuẩn bị đặt chân lên “Thủ đô của Trường Sa” trong ánh bình minh dịu nhẹ, bác Trần Thanh Phê, cựu chiến binh Hải quân chia sẻ: ''Hôm nay đến thăm Trường Sa, tôi thấy bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ còn phục vụ quân ngũ trong lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nhìn ánh bình minh trên đường vào đảo và những đổi thay trên đảo, tôi rất xúc động, phấn khởi. Tôi thấy mình cần phải nỗ lực góp sức vào việc tuyên truyền, đặc biệt cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo đất nước.”
Biết được giờ tàu sẽ cập cầu tàu Trường Sa lớn đúng thời điểm bình minh, bạn Phạm Ngọc Bích, sinh viên của Học viện Hàng không đã chủ động dậy từ sớm.
Sau khi được xem ánh bình minh trên đường tàu cập cầu tàu đảo Trường Sa Lớn và chuẩn bị được dự lễ chào cờ đặc biệt trên đảo, Bích xúc động tâm sự: “Đây là lần đầu tiên, mình được đến với quân và dân Trường Sa. Với mình, đây cứ ngỡ là một giấc mơ, là một niềm vinh dự to lớn. Mình thật sự xúc động khi thấy biển đảo quê hương thật là tươi đẹp. Từ đó, mình thấy ý thức hơn được bản thân phải cố gắng học tập, rèn luyện để đóng góp một phần nhỏ bé của mình cũng như hỗ trợ một phần hậu phương vững chắc cho các anh chiến sỹ ở vùng biển đảo yên tâm bảo vệ quê hương đất nước.”
Là đại biểu đến từ vùng sông nước Đồng bằng Cửu Long, chị Nguyễn Thị Ánh – đoàn Hậu Giang tâm sự: “Lần đầu tiên đón bình minh ở biển, lại ở Trường Sa, tôi thấy hết sức thú vị và cảm động. Là người làm công tác phụ nữ, khi tiếp xúc với các anh em chiến sỹ nơi đảo xa, chắc chắn tôi sẽ động viên anh em vững tâm giữ vững tay súng. Nếu có cơ hội, tôi mong được trở lại Trường Sa.”
Trường Sa sáng bừng trong nắng sớm
Ngay từ thời điểm xuất hiện trong tầm mắt của chúng tôi chỉ là một mỏm đất nhỏ phía xa nơi chân trời, đảo Trường Sa Lớn – thủ đô của quần đảo Trường Sa – đã hiện lên với một màu xanh lục của lá cây, của sự sống.
Và càng đến gần, mỏm đất phía xa đường chân trời trước đây, giờ đã lớn dần cùng ánh Mặt Trời đang lên của một ngày mới.
Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là một hòn đảo xanh mướt, bừng sáng dưới ánh bình minh.
Sau một hành trình dài, con tàu hải quân HQ-561 kéo hồi còi lớn đưa đoàn công tác chúng tôi cập cầu tàu đảo Trường Sa Lớn.
Nói đến cầu tàu, thì đảo Trường Sa Lớn hiện là đảo duy nhất trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được xây dựng cầu tàu, cho phép tàu tải trọng lớn tiếp cận trực tiếp đảo.
Trong ánh ban mai ngày mới, thật không gì hạnh phúc, sung sướng và có lẽ vui đến phát khóc khi được những người đồng bào của mình dang tay đón mình ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.
Đông đảo cán bộ, chiến sỹ hải quân và các cư dân, trong đó có những cư dân nhí ”chính gốc Trường Sa” với ánh mắt thơ ngây cùng làn da rám nắng, mặc trang phục hải quân, đứng xếp hàng chỉnh tề, nét mặt rạng ngời, nồng ấm dang rộng vòng tay đón đoàn công tác.
Những tiếng nói, cười, tay bắt, mặt mừng khiến chủ-khách ai cũng xúc động, nghẹn ngào.
Trường Sa, cái tên mà chỉ gọi lên thôi cũng thấy sự xa xôi, cách trở nhưng nay sao gần gũi, thân thương đến thế.
Lễ chào cờ ở đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)
Sau phút gặp gỡ bồi hồi xúc động, các thành viên trong đoàn công tác lại tiếp tục được trải qua một cung bậc cảm xúc mới khi được dự lễ chào cờ “cả đời người mong có một lần” tại “Trái tim của Trường Sa.”
Không một tiếng nhạc được phát lên mà chỉ có tiếng vang vọng của hàng người gồm quân, dân Trường Sa và các vị khách trang nghiêm đứng dưới lá quốc kỳ, cất cao dõng dạc, hào hùng bài quốc ca.
Đôi lúc trong hàng người có những tiếng khóc nấc. Cũng thật dễ hiểu, không xúc động sao được khi được đứng trên phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, giữa biển trời quê hương bao la, cất cao tiếng quốc ca.
Thăm Trường Sa Lớn hôm nay, mặc dù đã từng được xem, nghe qua các bài báo, những câu chuyện của những người đi trước nhưng nay thực tế tận mắt chứng kiến, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ.
Trong cái nắng vàng ngày mới tuyệt đẹp trải nhẹ trên hòn đảo biên cương Tổ quốc, những công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm và đặc biệt là đài mốc chủ quyền, đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà khách Thủ đô trên đảo hiện lên vững chãi xen lẫn với màu xanh của những cây bàng vuông, cây phong ba, cây tra và cả những vườn rau xanh mướt thật khiến những vị khách không khỏi rung động, ngỡ ngàng.
Một người trong đoàn công tác bỗng thốt lên: “Ôi, đẹp quá Tổ quốc ta ơi! Nơi đây chả khác nào một thành phố xanh thu nhỏ nằm giữa biển trời khắc nghiệt.”
39 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt sau 20 năm Đổi Mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình yêu thương dạt dào vô bờ bến của hậu phương đất Mẹ, cùng với những nỗ lực phi thường tự vươn lên giữa bao khó khăn của quân và dân, Trường Sa Lớn cũng như nhiều điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đã từng ngay “thay da, đổi thịt.”
Hệ thống đường bêtông trải khắp hòn đảo, những cây cột đèn đường tràn đầy năng lượng từ hệ thống điện Mặt Trời, sẵn sàng làm bừng sáng hòn đảo khi màn đêm buông xuống. Văng vẳng từ một góc đảo là tiếng học sinh ôn bài trong ngôi trường khang trang, thi thoảng xen lẫn tiếng chuông từ ngôi chùa có tên Chùa Trường Sa Lớn.
Đi vào các phân đội quân đội, chúng tôi vui sướng bắt gặp tiếng cười nói của các chiến sỹ nơi ruộng rau xanh rồi tiếng lợn kêu, gà gáy.
Gần đó là khu nhà của các hộ dân trên đảo. Hôm nay là ngày đặc biệt, bố, mẹ, con cái trong khuôn mặt rạng rỡ vui mừng đón những người khách nơi đất Mẹ đến chơi nhà.
Phía xa, ngọn hải đăng sừng sững một góc đảo, ngày nối ngày làm "mắt biển" dẫn đường chỉ lối cho dòng tàu xuôi ngược. Bên cạnh đó là trạm khí tượng, nơi có những “táo thời tiết” không quản nắng mưa, bão giông cập nhật từng giờ chuyện nắng mưa vùng ngư trường giàu tài nguyên của Tổ quốc.
Tất cả khiến mỗi người khách phương xa chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thiên đường là đây! Nơi tuyến đầu của Tổ quốc, vẫn còn kẹt giữa những tranh chấp, có lúc xảy ra xung đột, sao giờ hiện lên thanh bình quá./.
Vietnam+