Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 30/9/2018 9:50'(GMT+7)

Rành mạch khi dán nhãn tác phẩm nghệ thuật

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập, chẳng hạn trong việc phân định độ tuổi khiến tác phẩm không đến được đúng đối tượng, và phần nào hạn chế sự sáng tạo của tác giả. Ðiều này đòi hỏi việc dán nhãn cho tác phẩm nghệ thuật cần có những tiêu chí rõ ràng với từng loại hình nghệ thuật, thật sự giúp công chúng được tiếp cận với những tác phẩm phù hợp và có chất lượng.

Nhìn vào thực tế hiện nay, việc dán nhãn các tác phẩm nghệ thuật đang tồn tại một bất cập chung là tiêu chí chưa rõ ràng cho nên khi áp dụng còn nhiều lúng túng, gây ra một số bức xúc trong dư luận. Thí dụ trong nhiều trường hợp, các đơn vị phát hành phim, sách hay các MV (Music Video) ca nhạc đã tự dán nhãn cho tác phẩm khi ra mắt công chúng. Ðiều này càng khiến cho việc dán nhãn tác phẩm diễn ra tự phát, lộn xộn. Chưa kể, với sản phẩm nghệ thuật là sản phẩm tinh thần, chuyên chuyển tải các giá trị văn hóa và thẩm mỹ, nếu việc dán nhãn không hợp lý sẽ trở nên khiên cưỡng, gây phản ứng tiêu cực. Thực tế, việc dán nhãn cho tác phẩm nghệ thuật rất cần thiết, giúp công chúng có sự phân định rõ ràng, từ đó quyết định lựa chọn tác phẩm không chỉ phù hợp nhu cầu thẩm mỹ, mà còn cần phù hợp với độ tuổi của đối tượng thưởng thức tác phẩm. Thêm nữa, vì mỗi lĩnh vực nghệ thuật đều có các đặc trưng riêng, việc dán nhãn cần phù hợp với từng lứa tuổi sẽ vừa bảo đảm tính nghệ thuật trong tác phẩm, vừa đúng với quy định của cơ quan quản lý, góp phần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng. Các vướng mắc trong tiêu chí dán nhãn vì thế cần sớm được rành mạch để thống nhất và áp dụng đồng bộ.

Tại Việt Nam việc dán nhãn phổ biến nhất được sử dụng trong điện ảnh, với các tác phẩm phim chiếu rạp. Từ đầu năm 2017, Cục Ðiện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thông báo chính thức quy định bốn mức nhãn cho phim khi ra chiếu rạp. Cụ thể, P là phim phù hợp khán giả ở mọi lứa tuổi, C13 là phim cho khán giả từ 13 tuổi trở lên, C16 là phim cho khán giả từ 16 tuổi trở lên và C18 là phim cho khán giả từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đã xuất hiện tâm lý lo ngại ở một số nhà làm phim Việt Nam vì sợ tiêu chí dán nhãn không rõ ràng, không công tâm, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của bộ phim. Ðơn cử như mùa phim Tết 2017, phần lớn các phim ra rạp là phim hài, nội dung nhẹ nhàng nhưng lại đều được dán nhãn giới hạn độ tuổi. Cụ thể, các phim: Rừng xanh kỳ lạ truyện, Lục Vân Tiên, Tuyệt đỉnh Kungfu được dán nhãn C13; Nàng tiên có năm nhà, Chạy đi rồi tính có nhãn C16. Trong khi đó, bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 có nhiều phân đoạn bạo lực, diễn viên tạo hình hở hang, lời thoại thô thiển, đôi chỗ còn có nội dung nhạy cảm… lại được dán nhãn P. Chưa kể, một số đơn vị phát hành còn sử dụng việc dán nhãn C16 hay C18 như một chiêu PR cho phim, nhằm lôi kéo khán giả bằng cách tập trung truyền thông về các cảnh nhạy cảm trong phim (mặc dù sau khi kiểm duyệt đã bị cắt bỏ). Hoặc trong một số trường hợp, dù đã giới hạn độ tuổi nhưng đơn vị phát hành vẫn thường phải chấp nhận cắt bỏ những phân đoạn được cho là chưa phù hợp trong phim, gây cảm giác hụt hẫng cho khán giả trong quá trình thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Ðối với thể loại phim truyền hình, việc dán nhãn phim cũng cần thiết không kém, vì lượng người xem đông cho nên cần được "sàng lọc" kỹ hơn. Cần lưu ý là, việc kiểm soát độ tuổi của khán giả xem ti-vi gần như là bất khả thi, bởi điều này hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của người lớn trong gia đình và ý thức của công chúng nhỏ tuổi. Mới đây, ngày 12-7, bộ phim Quỳnh búp bê đã bị tạm dừng phát sóng trên khung giờ vàng của VTV, nhưng trước đó bộ phim đã được đơn vị sản xuất dán nhãn 18+ (cấm trẻ em dưới 18 tuổi). Chuyện tạm dừng phát sóng bộ phim này đã phần nào cho thấy khoảng trống trong quy định về dán nhãn cho phim truyền hình, cũng như việc đánh giá, lựa chọn đây là khung giờ phù hợp cho những phim được dán nhãn "người lớn" còn chưa được các cơ quan chức năng và tổ chức, cá nhân có liên quan quan tâm đúng mức.

Nền điện ảnh tại nhiều nước trên thế giới hiện nay đã đưa ra mức phân loại hết sức cụ thể cho các bộ phim. Thí dụ, Hiệp hội Ðiện ảnh Mỹ (MPAA) đưa ra các mức phân loại bao gồm: G (General Audiences) - có thể công chiếu rộng rãi; PG (Parental Guidance Suggested) - cha mẹ hoặc người giám hộ nên có hướng dẫn cho con khi đi xem; PG-13 (Parental Strongly Cautioned) - cha mẹ hoặc người giám hộ đặc biệt chú ý; R (Restricted) - phim có giới hạn người xem, không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi nếu không có người lớn đi cùng; và NC-17 (No Children 17 or Under Admitted) - không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi do có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, đạo đức, khuyến khích hành vi phạm tội. Thậm chí, bảng phân loại còn quy định cụ thể các cảnh quay như thế nào, thời gian đến đâu… để tương ứng với độ tuổi nào được xem. Chẳng hạn, có cảnh hôn thì dán nhãn PG-13, có cảnh chửi thề hay khỏa thân nhưng không rõ ràng thì xếp R… Ðây là những kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo.

Trong lĩnh vực văn học, hiện nay mỗi năm các nhà xuất bản cho ra mắt hàng nghìn đầu sách. Tuy nhiên, việc gắn mác quy định giới hạn tuổi cho sách hoặc cảnh báo độc giả cân nhắc trước khi đọc lại phần lớn rơi vào tình trạng tự phát chủ yếu phụ thuộc vào nhà xuất bản với sự đồng thuận của tác giả (nếu là tác giả trong nước), trong khi mỗi đơn vị xuất bản lại có quan điểm khác nhau về độ tuổi phù hợp. Ðối với sách dịch, những mác phân loại trên bìa sách hiện nay như: "18+" hay "độc giả cân nhắc trước khi đọc" cũng là do nhà xuất bản tự gắn theo bản gốc nếu sách có nội dung người lớn. Theo ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến nay vẫn chưa có văn bản thông tư nào hướng dẫn hoặc yêu cầu nhà xuất bản cần có cảnh báo về tuổi của độc giả. Ngay Luật Xuất bản cũng không quy định khi ra thị trường sách phải gắn mác tuổi nhằm mục đích giới hạn độ tuổi độc giả. Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng, Việt Nam cần có quy định phân loại sách 16+, 18+… như trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình để sách "có nội dung người lớn" cũng được xuất bản danh chính ngôn thuận, đáp ứng nhu cầu của nhóm độc giả phù hợp. Cũng theo ông Chu Văn Hòa, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ sớm soạn thảo và xúc tiến việc hướng dẫn dán nhãn phân loại sách cho người lớn để giúp nhà xuất bản định hướng bạn đọc, công ty phát hành phục vụ đúng đối tượng và người đọc đỡ mất thời gian lựa chọn. Không chỉ sách dành cho người lớn, sách cho thanh, thiếu nhi cũng đòi hỏi việc gắn mác phù hợp, thậm chí cần khắt khe và cẩn trọng hơn, do đây là lứa tuổi dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan. Thực tế, đã có khá nhiều sách cho thiếu nhi không dán nhãn 18+ nhưng nội dung lại khiến ngay cả người lớn khi đọc cũng phải đỏ mặt hoặc có cuốn tuy được dán nhãn nhưng nội dung chứa các yếu tố bạo lực và tình dục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Riêng đối với thể loại truyện dành cho thiếu nhi, ngày 23-6-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ, nội dung, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo điện tử và xuất bản phẩm. Cụ thể, Thông tư quy định với các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi: dưới 6 tuổi; 6 đến 10 tuổi; 11 đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Cùng với điện ảnh và văn học, cũng cần chú trọng lĩnh vực nhiếp ảnh, hội họa, mà nóng nhất là việc dán nhãn cho ảnh nude (khỏa thân). Lâu nay, việc phổ biến một cách rộng rãi các tác phẩm ảnh nude vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều, các tác giả hay đơn vị tổ chức vẫn khá long đong khi xin cấp phép cũng như gặp khó khăn trong việc tổ chức triển lãm. Vừa qua, việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức cấp phép cho một triển lãm ảnh nude đầu tiên tổ chức tại Hà Nội được coi là sự kiện đáng chú ý trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Triển lãm đã quy tụ tác phẩm của 10 tác giả nổi tiếng chuyên chụp ảnh nude. Song điều đáng nói là triển lãm suýt phải gắn thêm mác 18+ để hạn chế đối tượng đến thưởng thức. Cuối cùng các cơ quan chức năng đã quyết định gỡ bỏ quy định này. Thực tế, ảnh nude nghệ thuật có cần thiết phải dán nhãn hay không khi bản thân được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật, chuyển tải cái hay, cái đẹp đến với công chúng? Và đã là ảnh nghệ thuật thì liệu có tác động, ảnh hưởng xấu đến công chúng hay không? Ðó là câu hỏi mà cơ quan quản lý văn hóa và các chuyên gia liên quan cần sớm đưa ra câu trả lời. Ðể nếu là tác phẩm nghệ thuật đích thực, lành mạnh thì tác phẩm đó cần đến được với công chúng. Trong khi đó, nói đến quy định, hiện chưa có quy định liên quan vấn đề độ tuổi nào thì được tiếp cận triển lãm ảnh nude và cũng không có điều luật quy định phải đủ 18 tuổi mới được xem ảnh nude.

Thực tiễn hoạt động dán nhãn cho các tác phẩm nghệ thuật thời gian qua cho thấy cần sớm có những quy định với từng loại hình nghệ thuật. Muốn như vậy cần phải có bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng, nhằm đạt được mục đích là hạn chế đối tượng độc giả không phù hợp. Khi đã có điều luật và tiêu chí rõ ràng, các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan cần tuân thủ nghiêm túc, và sẽ bị xử phạt nghiêm khắc nếu vi phạm. Ðó cũng là một cách để thực hiện đúng mục đích của việc dán nhãn, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của phía đơn vị chức năng đề ra quy định đối với công chúng khi yêu cầu họ thực hiện. Ðồng thời ý thức của độc giả cũng là một yếu tố quan trọng bảo đảm tác phẩm đến được với đúng đối tượng, vì thực tế không khó có thể hỏi hoặc yêu cầu xuất trình chứng minh thư của một người đi mua sách, xem phim... Nhưng, việc tôn trọng cũng như thực hiện quy định dán nhãn tuổi khi tìm mua, thưởng thức những cuốn sách, những bộ phim, những bức tranh, ảnh… sẽ giúp độc giả tiếp cận được những giá trị phù hợp với nhu cầu văn hóa của mình.

Nguyên Phong/Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất