Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 23/4/2013 12:16'(GMT+7)

Rất cần người lao động có tay nghề

Có tay nghề và có việc làm, thu nhập ổn định, con người mới tự tin, tự chủ và đạt mục tiêu xóa nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn mới đổi mới, yên bình và phát triển.

Muốn thoát nghèo bền vững cần có "cái cần câu"

Ông cha ta thường có câu: “Ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay”. Còn ngày nay, những người làm công tác liên quan đến vấn đề an sinh xã hội thường chỉ ra rằng " trang bị cho người lao động cái nghề chẳng khác nào cho họ cái cần câu, họ thích có cá ăn là có thể câu được, chứ cho con cá thì chỉ ăn một hai bữa là hết". Tất cả điều này nói lên tầm quan trọng của việc học nghề và dạy nghề cho thanh niên - nhất là thanh niên nông thôn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở LĐTB &XH tỉnh Lào Cai, hiện Lào Cai có gần 60.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 (trong đó 64% người dân tộc thiểu số), số không có việc làm chiếm tới 70%. Đây là nguyên nhân chính yếu đã và đang kìm hãm tốc độ xóa đói giảm nghèo của các địa phương, nhất là ở những xã vùng sâu vùng xa của các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng và kể cả thành phố Lào Cai, ... Các điều tra xã hội học đều khẳng định, số thanh niên thất nghiệp không có việc làm luôn tỷ lệ thuận với tốc độ xóa đói giảm nghèo, bởi số người ăn theo trong gia đình nhiều sẽ kéo theo tỷ lệ đói nghèo càng lớn hơn.

Gia đình bà Liềng Thị Nừ, ở thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, huyện Bát Xát có 11 người con, hầu hết đã đến tuổi lao động và đều chỉ học đến trung học cơ sở. Công việc chính của gia đình là làm nông nghiệp nhưng diện tích canh tác ít, chỉ tập trung vào 3 tháng mùa vụ, 9 tháng còn lại trong năm họ thường đi làm thuê cho các HTX, các doanh nghiệp hay xí nghiệp vừa và nhỏ với mức thù lao 50.000đ đến 100.000đ/người/ngày; tuy nhiều lao động song gia đình bà vẫn túng thiếu. Ở các xã vùng cao, mỗi năm có hàng trăm thanh niên bước vào tuổi lao động, song vẫn còn 45% không có việc làm, nguyên nhân chủ yếu cũng là do họ không được học hành đến nơi đến chốn. Cá biệt có người được đào tạo nghề, xin được việc làm ở các doanh nghiệp nhưng không ổn định vì mức lương thấp, việc làm bấp bênh. Còn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì gần 10 tháng qua, cả tỉnh số người đi chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng cũng chưa ổn định bởi thị trường lao động bấp bênh, người lao động thiếu thông tin và kể cả tâm lý không muốn xa nhà.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho người lao động tỉnh Lào Cai, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã nông thôn mới trong thời gian qua vẫn chưa thực sự đột phá về cả số lượng và chất lượng. Cơ cấu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều nơi chưa có chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Công tác tư vấn, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề ở một số xã còn hạn chế dẫn đến tình trạng đào tạo không phù hợp với điều kiện của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Thực trạng

Trường cao đẳng nghề Lào Cai có lịch sử phát triển đi lên từ Trường trung cấp nghề Lào Cai sau 20 năm xây dựng và phát triển. 20 năm trường mới đào tạo được trên 24.000 lao động, chiếm khoảng 20% só lao động cần được đào tạo hiện nay. Số lao động qua đào tạo đã ít, số lao động qua đào tạo không có việc làm ổn định cũng chiếm con số đáng kể đáng lo ngại hơn - cứ 10 thanh niên thì có 7 thanh niên không được dạy nghề, hoặc có học nghề những cũng không có việc làm ổn định.

Do trình độ văn hóa thấp không đủ khả năng tiếp thu nhanh về nghề mà rất nhiều lao động trẻ ở nông thôn tuy có được đào tạo, xin được việc làm, nhưng thu nhập thấp và luôn trong tình trạng bị ông chủ cho nghỉ việc. Thực trạng trên không chỉ do chính sách đầu tư, hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên nông thôn còn bất hợp lý; các doanh nghiệp thiếu chủ động, chưa tích cực tạo thuận lợi... mà còn do chính thanh niên nông thôn cũng chưa thật sự hăng hái. Khảo sát của Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tại các khu vực nông thôn có khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy: một tỷ lệ khá cao thanh niên không thích học nghề và nhiều lao động trẻ dự học nghề thì bỏ học giữa chừng vì lười học, khó tiếp thu kiến thức; hoặc học xong lại đi tìm việc trái nghề...

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt khá, hàng chục ngàn lao động nông thôn được đào tạo nghề; trong đó khoảng 75% lao động có việc làm sau khi học nghề, tạo việc làm mới cho hơn 45.000 lao động... Tuy vậy, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiện vẫn bộc lộ một số hạn chế như chưa tạo việc làm bền vững cho người lao động, hoạt động vay vốn tạo việc làm chưa thực sự hiệu quả, suất đầu tư cho vay để tạo chỗ làm việc mới thấp, chưa thành lập được Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh...

Những giải pháp tháo gỡ khó khăn

Từ nay đến 2015, Lào Cai đưa ra mục tiêu mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 10.000 lao động, đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn, xuất khẩu lao động 200 người/năm, tỉnh Lào Cai đang tập trung nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Theo đó, tỉnh khuyến khích và có chính sách cụ thể hỗ trợ nhà đầu tư về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, gắn dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định sau dạy nghề, đảm bảo tối thiểu 70% số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng tần suất phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh.

Đầu năm 2013, Trường trung cấp nghề Lào Cai đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định nâng cấp thành Trường cao đẳng nghề Lào Cai. Đây là trường cao đẳng nghề đầu tiên ở khu vực Tây Bắc có sức chứa 3.000 đến 4.000 HSSV/năm. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đằng nghề Lào Cai, nhà trường đã đề ra các biện pháp quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo như: Đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về chất lượng đào tạo; nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ giáo viên; xây dựng và phát triển chương trình đào tạo phù hợp mục tiêu đào tạo; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy đáp ứng nhu cầu đào tạo trong giai đoạn mới; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo nhằm giúp cho giáo viên và người quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học; đồng thời tích cực tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng đào tạo của Nhà trường. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp tốt giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có cái nhìn đúng về đào tạo nghề cho thế hệ trẻ; tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp - nhà trường và xã hội trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo cho học sinh, sinh viên; phát huy sức mạnh tổng hợp huy động các lực lượng xã hội tích cực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nói chung, công tác đào tạo của Nhà trường nói riêng.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho người lao động giai đoạn 2011 – 2015, sau hơn 2 năm, từ 2011 đến 2013, công tác đào tạo nghề cho người lao động ở Lào Cai có nhiều chuyển biến. Toàn tỉnh có 20 trường, trung tâm dạy nghề, tăng 1 trung tâm so với năm 2012. Tổng số cán bộ, giáo viên hơn 360 người (tăng 21 giáo viên so với năm 2012). Trong năm 2011 - 2012 toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo được hơn 23 nghìn người, đạt 36,6% mục tiêu đề án. Trong đó, đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề 3.200 người.

Nhằm thực hiện thành công đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực với phương châm “đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung”, nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh./.

Theo TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất