Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 26/11/2008 22:3'(GMT+7)

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh

Cán bộ nông nghiệp huyện Củ Chi giới thiệu cây giống cho bà con nông dân.

Cán bộ nông nghiệp huyện Củ Chi giới thiệu cây giống cho bà con nông dân.

Sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, số hộ nghèo giảm nhanh... Tuy nhiên, theo đánh giá, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển chưa ngang tầm tiềm năng lợi thế, vai trò và vị trí của một thành phố lớn cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thu nhập và đời sống nông dân ngoại thành chênh lệch lớn với nội thành. Sức cạnh tranh của nông sản ngoại thành thấp, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ sở chưa theo kịp yêu cầu CNH, HÐH của thành phố.

Bước chuyển dịch tích cực

TP Hồ Chí Minh có tổng diện tích tự nhiên 2.095,5 km2, trong đó năm huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ chiếm 76,4% diện tích với 1.601,7 km2, bao gồm 63 xã, thị trấn.

Theo đồng chí Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố, giai đoạn 1996-2007, diện tích đất nông nghiệp giảm 16.500 ha, bình quân mỗi năm giảm 1.370 ha. Ðến nay, đất nông nghiệp chỉ còn 116.930 ha. Dù diện tích đất canh tác giảm, song tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đạt 5,9% (giai đoạn năm 2001-2008). Doanh thu bình quân một ha đất sản xuất từ 31 triệu đồng (năm 2000) lên 63 triệu đồng (năm 2005) và 120 triệu đồng (năm 2007).

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển từ manh mún, sức cạnh tranh thấp sang nền nông nghiệp đô thị với những cây, con hiệu quả cao, bền vững. Cá biệt ở một số xã chuyên trồng hoa lan, cây kiểng thu hoạch 700-1.000 triệu đồng/ha; rau an toàn hơn 200 triệu đồng/ha, nuôi cá cảnh 150 nghìn USD/ha, nuôi cá sấu hơn một tỷ đồng/ha... Các sản phẩm có giá trị, hiệu quả cao, có khả năng xuất khẩu tiếp tục có chiều hướng ngày càng tăng, tỷ trọng từ 35,8% (năm 2000) lên 57,8% (năm 2007). An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Chương trình sản xuất rau an toàn ban đầu (năm 1997) có 21 ha nay lên 8.785 ha, sản lượng hơn 180.000 tấn/năm,v.v.

Các ngành chăn nuôi và thủy sản được chú ý phát triển. Năm 1995, trồng trọt chiếm tỷ trọng 51,7% đến năm 2007 còn 28,1%. Chăn nuôi 21,5% đến năm 2007 là 34,4% trong đó chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang thay dần chăn nuôi nhỏ lẻ (năm 2000 thành phố có 96 trang trại thì năm 2007 có tới 584 trang trại). Trong chăn nuôi, bò thịt, nhất là bò sữa, cá cảnh, cá sấu... đang là những vật nuôi chủ lực của nhiều hộ nông dân ngoại thành. Thành phố cũng là nơi nuôi nhiều bò sữa nhất cả nước với 67.000 con (tăng 2,6 lần so với năm 2000). Lượng sữa hàng hóa đạt 175.000 tấn (tăng gấp bốn lần so với năm 2000), đã bình tuyển, quản lý hồ sơ giống của 50.000 con, trong đó có 6.000 con đạt tiêu chuẩn hạt nhân cấp I giống quốc gia. Tổng đàn lợn của thành phố đến nay có 367.895 con, chủ yếu nuôi ở Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn, trong đó lợn nái có 56.663 con chiếm 16,4% tổng đàn và đều là nái ngoại.

Thành phố còn là nơi cung cấp con giống (500.000 - 600.000 heo (lợn) giống) cho 40 tỉnh thành, góp phần cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn của cả nước. Ðây cũng là nơi đầu tiên ứng dụng phương pháp BLUP để đánh giá giá trị gây giống EBV cho đàn lợn của các doanh nghiệp. Cơ cấu thủy sản cũng có sự chuyển hướng tích cực về nuôi trồng. Phát triển mạnh nuôi cá vùng nước ngọt, nước lợ mặn như vùng nuôi tôm sú phát triển ở Cần Giờ, Nhà Bè (vốn trồng lúa một vụ năng suất thấp). Năm 2007, cá cảnh đạt sản lượng 45 triệu con với giá trị xuất khẩu 3,5 triệu USD, đứng đầu cả nước về xuất khẩu cá cảnh.

Cơ sở hạ tầng nông thôn nhất là thủy lợi, giao thông được quan tâm đầu tư với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. 99% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, trong đó đường bê-tông nhựa chiếm 46%, đường bê-tông xi-măng 0,6%, đường đá nhựa 14,8%. 100% số xã có điện và 100% số xã, thị trấn đạt tỷ lệ phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học. 65% số xã có cán bộ y tế, 90% số hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95% số UBND cấp xã kết nối internet.

Chúng tôi đến Củ Chi nhiều lần, song mỗi lần đến đều ngạc nhiên trước sự thay đổi của nhiều xã thuộc huyện. 571 km đường đều trải nhựa, điện thắp sáng rực các ngả đường. Nhà mái ngói, nhà xây nhiều hơn, bệnh viện huyện khang trang, quy mô với nhiều bác sĩ chuyên khoa có thể mổ, chữa một số bệnh mà trước đây phải gửi lên thành phố. Theo đồng chí Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế, cứ 10.000 người dân ở vùng ngoại thành có hơn tám bác sĩ chăm sóc.

Việc làm cho nông dân được chú ý. Năm 2000, mới có 20.140 người được giải quyết việc làm thì năm 2006 có 40.284 lao động có việc làm. Ðến tháng 6-2008, số hộ nghèo còn 17.218 hộ (thu nhập bình quân đầu người dưới sáu triệu đồng/năm) chiếm 1,35% tổng hộ dân thành phố. Với tiêu chí này, cuối năm 2008, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, vượt mục tiêu trước hai năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 18 đề ra. Còn theo chuẩn mới (tháng 10-2008), thu nhập bình quân đầu người dưới 12 triệu đồng/người/năm ở năm huyện ngoại thành còn 74.187 hộ, chiếm 29,9% số hộ ở ngoại thành. Có 86.471 hội viên Hội Nông dân Việt Nam đang sinh hoạt ở 694 chi hội và 3.482 tổ hội, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ đạt hơn 80%. Số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở cả ba cấp chiếm 30,7% số hộ; năm 2007 có 43.378 hộ, chiếm 50,2%. Các cấp Hội chú trọng khai thác có hiệu quả các nguồn lực xã hội hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Năm 2006, thu nhập bình quân của khu vực ngoại thành là 988.000 đồng/

người/tháng, bằng 64% so với nội thành (1.552 nghìn đồng/người/tháng). Một số khu vực ngoại thành đã được đô thị hóa, tỷ lệ thuần nông giảm đáng kể. Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh - trật tự được giữ vững. Hiện năm huyện ngoại thành có 286 cơ sở đảng với 12.169 đảng viên, trong đó 54% số cán bộ chủ chốt xã, thị trấn có bằng đại học (hơn 3.365 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các cơ sở hội nông dân) đồng thời mạnh dạn, luân chuyển, bố trí cán bộ trẻ có trình độ đại học, có năng lực tham gia cấp ủy. Số đông cán bộ chủ chốt xã khá năng động trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy. Nhiều xã thành lập ban quản lý, ban thanh tra nhân dân giám sát các công trình có vốn dân đóng góp, bình chọn đối tượng hưởng chính sách xã hội và tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Những mặt hạn chế

Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, "sản xuất nông nghiệp ngoại thành TP Hồ Chí Minh trong những năm qua tuy có tăng trưởng nhưng chưa ổn định và thiếu bền vững. Một số huyện còn bỏ hoang chưa khai thác hết quỹ đất nông nghiệp hoặc chuyển mục đích sang xây dựng đô thị nhưng triển khai rất chậm. Tình trạng sản xuất nhỏ còn phổ biến, sức cạnh tranh của rau, củ, quả, gia súc, gia cầm còn thấp. Các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất nông nghiệp". Việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển chưa tương xứng vai trò, vị trí và tiềm năng. Công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn,v.v

Theo cấp ủy đảng các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Thủ Ðức cho biết nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cơ sở ngoại thành về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn chưa sát, chưa phù hợp thực tiễn đời sống hiện nay. Do ở một thành phố lớn được coi là trung tâm kinh tế - công nghiệp - thương mại của cả nước, nên vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa được đánh giá đúng mức, còn "lu mờ", có lúc có nơi chưa được các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo coi trọng đúng mức.

Một số cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đồng bộ, việc hướng dẫn triển khai có nhiều điểm chưa sát với cuộc sống. Nông nghiệp vẫn còn mang nặng tính chất của một nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán tự phát. Sức cạnh tranh của hàng nông sản rau, quả, củ còn thấp.

Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là tại các xã (bộ máy ở xã không có cán bộ chuyên trách nông nghiệp). Quy hoạch chung xây dựng của thành phố và các huyện xác định các vùng đất nông nghiệp ổn định chậm được triển khai và công bố làm ảnh hưởng tâm lý khiến bà con nông dân không yên tâm đầu tư sản xuất. Quy trình thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư xây dựng tuy thường xuyên được kiểm tra, rà soát, bổ sung, điều chỉnh nhưng vẫn còn phức tạp, phiền hà. Công tác đền bù giải tỏa mặt bằng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các hộ nông dân. Một số dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn chậm được triển khai.

Yếu tố thị trường, ảnh hưởng giá cả vật tư, các yếu tố đầu vào trong sản xuất liên tục tăng cao trong khi giá bán nông sản tăng chậm hoặc không đáng kể khiến cho nông dân không biết trồng cây, con gì cho phù hợp, có lợi nhuận.

Ảnh hưởng ô nhiễm môi trường của các KCN, doanh nghiệp tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Sự phối hợp điều hành giữa thành phố, quận, huyện, xã, thôn còn thiếu gắn kết. Hệ thống thông tin, cập nhật thông tin, dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch, tiến độ sản xuất chưa kịp thời và phù hợp. Việc tổng kết, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm trong sản xuất tiến hành chậm, phát huy tác dụng trong thực tiễn chưa cao. Công tác dự báo giá cả, thị trường còn nhiều bất cập không theo sát giá cả, thị trường thế giới, khiến nông dân vẫn sản xuất theo phong trào.

Ðồng chí Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, cơ cấu kinh tế ở nông thôn đang chuyển mạnh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Trước mắt trong năm 2009 tăng vốn đầu tư cho ngoại thành gấp hai lần so với năm 2008, tăng vốn phân cấp đầu năm cho các huyện gấp ba lần so với hiện nay. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển giống cây, con chất lượng cao qua việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học. Trung tâm giống cây, giống con, dịch vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến của khu vực và vùng kinh tế trọng điểm. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn, trong đó tập trung nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ vận chuyển cung ứng vật tư nông nghiệp, nông phẩm. Tập trung đắp đập, kiên cố hóa kênh mương, các công trình phòng, chống ngập úng, ngập mặn, triều cường. Chủ động tưới tiêu khai thác đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Xây dựng và ổn định trung tâm thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền và hạ tầng nghề cá, bảo đảm các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa - thể thao ở vùng nông thôn. Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 bình quân tăng hơn 4,5% /năm (giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2006-2010 tăng hơn 6%/năm. Giai đoạn 2011-2020 tăng hơn 4%/năm). Ðến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 0,4-0,5% trong cơ cấu GDP của thành phố, trong đó cơ cấu giá trị trồng trọt chiếm 30%; chăn nuôi 30%; lâm nghiệp 1%; thủy sản 24% và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp 15%. Ðến năm 2010, giá trị sản xuất bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Năm 2015 là 220 triệu đồng/ha/năm. Năm 2020 là 300 triệu đồng/ha/năm. Lao động nông nghiệp chiếm 2% so với lao động của thành phố. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lao động đang làm việc hơn 65%. Hằng năm giải quyết việc làm cho 40.000 - 50.000 lao động nông thôn ngoại thành. Phấn đấu đến năm 2010 có 10 bác sĩ/10.000 dân. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm còn 75%. 95% dân cư vùng ngoại thành sử dụng nước sạch. 100% hộ dân có hố xí hợp vệ sinh; 80% hộ chăn nuôi xây dựng hầm bi-ô-ga xử lý chất thải, tỷ lệ cây xanh che phủ hơn 38%.

Từ nay đến năm 2020 thành phố tập trung phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng địa phương gắn với việc sử dụng đất hiệu quả. Phấn đấu đến cuối năm 2008 hoàn thành cơ bản công tác rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2025 phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công khai quy hoạch vào đầu năm 2009.

Thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chương trình giống, cây, con chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn ngoại thành. Tập trung thực hiện Ðề án chiến lược phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá. Bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư, dạy nghề, chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất. Bảo đảm tiến độ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố, nhất là chương trình xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch Nhà Bè - Cần Giờ, đê bao ven sông Sài Gòn, các công trình chống ngập, giao thông, thủy lợi, các dự án hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 13 xã chuyển đổi và các dự án sản xuất giống. Mở rộng liên kết các tỉnh bạn xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến của thành phố. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa gắn với cải thiện nâng cao chất lượng môi trường nông thôn. Có chính sách phù hợp để huy động cao các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nông thôn nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nông dân. Nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các huyện bổ sung các nguồn lực, đặc biệt là nguồn cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ðồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm, có biện pháp ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm phát sinh, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường thành phố.

Băng châu, Xuân Hùng
Lâm Huệ Nữ và Ðức Cung ( Báo nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất