(TCTG) - Đó là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo có đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW.
Phát biểu với đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà lý luận phê bình văn học tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao những thành tựu và các bước phát triển của văn học cũng như công tác phê bình văn học thời gian qua; bên cạnh việc lưu ý đến những hạn chế cần khắc phục, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến những vấn đề đã được nêu ra tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Chủ tịch nước mong muốn và chúc đội ngũ các nhà lý luận phê bình văn học và các tổ chức hội văn học, nghệ thuật tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, để đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển của nền văn học nước nhà.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Văn học nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực rất quan trọng của văn hoá, là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, đáp ứng nhu cầu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; đồng thời là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
|
Đ/c Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo Hội thảo |
Đồng chí nêu rõ: Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, đời sống văn học nước ta có bước phát triển nhất định... Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển nền VHNT trong tình hình mới, một trong các giải pháp có tính đột phá là nâng cao chất lượng các hoạt động lý luận, phê bình VHNT.
Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Phê bình văn học là một bộ phận cấu thành của đời sống văn học, của quá trình vận động và phát triển văn học. Phê bình văn học giữ vai trò vừa đồng hành với sáng tác để hiểu và đồng cảm với sáng tác, vừa góp phần rất quan trọng trong việc đánh giá, dự báo, góp phần định hướng cho sáng tác và cho dư luận. Phê bình văn học không chỉ là tiếng nói của các nhà phê bình, mà ở những tầm mức khác nhau, còn phản ánh thái độ, ý thức của công chúng xã hội đối với những giá trị và khuynh hướng văn học, nêu lên những đòi hỏi chính đáng của công chúng, của xã hội đối với các nhà văn, nhà thơ, với cả nền văn học và những tác phẩm văn học cụ thể.
Nói về vai trò của những người làm công tác lý luận phê bình văn học, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Hiện nay cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá đang diễn ra rất phức tạp và quyết liệt. Hơn thế nữa, các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, “xâm lăng văn hoá”. Các thế lực đó đang lôi kéo, kích động một số văn nghệ sỹ sáng tác và truyền bá những tác phẩm có nội dung đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Tình hình đó, đòi hỏi lý luận phê bình văn học càng phải sắc bén bảo vệ và định hướng cho văn học tới những giá trị chân, thiện, mỹ, những nhà lý luận phê bình văn học càng phải phấn đấu làm tròn trách nhiệm cao quý của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận VHNT.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội thảo phát huy dân chủ trong thảo luận, đánh giá đúng thực trạng của hoạt động phê bình văn học trong thời gian vừa qua, làm rõ những thành tựu và cả những hạn chế, khuyết điểm, bất cập, chỉ ra nguyên nhân; phát huy cao độ trí tuệ và trách nhiệm, đề xuất những giải pháp khả thi để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng nền văn học nước nhà và cũng là cho sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương (Hội đồng) trong phát biểu khai mạc Hội thảo đã chỉ rõ, mục tiêu của Hội thảo là nhằm hướng tới những kiến nghị, những giải pháp, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động phê bình văn học. Thực trạng và nguyên nhân nêu lên tại Hội thảo sẽ là căn cứ để đề xuất những kiến nghị, giải pháp hợp lý, khả thi mang tầm vĩ mô thuộc phạm vi chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời có những kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách như chế độ nhuận bút; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác phê bình; đặc biệt là trách nhiệm của chính các nhà phê bình đối với sự phát triển của nền văn học nước nhà...
|
Đề dẫn Hội thảo do PGS. TS. đào Duy Quát - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trình bày cũng đã khẳng định: Để có thể thống nhất đánh giá được thực trạng của phê bình và kiến nghị hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả của phê bình văn học, cần thống nhất nhận thức quan niệm về vai trò, bản chất, chức năng, đối tượng của phê bình văn học - lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp và nhạy cảm của đời sống văn học và đời sống xã hội.
Tuy hiện nay cũng còn một số quan niệm và nhận thức khác nhau, nhưng qua các cuộc hội nghị, hội thảo về phê bình văn học từ đầu năm 2000 đến nay, và nhất là khi ban hành Nghị quyết 23 (năm 2008) của Bộ Chính trị, giới nghiên cứu, lý luận phê bình văn học Việt Nam cơ bản thống nhất coi phê bình văn học chủ yếu là sự đánh giá, thẩm định, lý giải và phán đoán các tác phẩm, sự kiện, hiện tượng và tác giả văn học vừa xuất hiện trong đời sống văn học cùng thời. Đánh giá, thẩm định, lý giải các luồng tiếp nhận khác nhau của độc giả. Phê bình văn học có thể mở rộng sang việc đánh giá những tác phẩm, tác giả của quá khứ khi có nhu cầu đánh giá lại các tác phẩm, tác giả đó. Song đối tượng chủ yếu của phê bình văn học bao giờ cũng là những tác phẩm, tác giả, những hiện tượng sự kiện văn học cùng thời...
Hơn 20 tham luận gửi tới Hội thảo cùng các ý kiến trao đổi thẳng thắn, cởi mở, dân chủ đã nêu lên những vấn đề về thực trạng phê bình văn học trong những năm gần đây, đồng thời thống nhất quan điểm: Phê bình văn học là một lĩnh vực khó khăn, thậm chí rất khó, kể cả rất nhiều hệ luỵ, nhưng nếu quyết tâm làm, làm có tổ chức, có lãnh đạo, triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới thì vẫn có thể làm được.
Các ý kiến đưa ra tại Hội thảo bên cạnh việc nêu bật được những bước phát triển và những đóng góp tích cực của phê bình văn học thời gian qua, so với yêu cầu và định hướng phát triển của nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng đã làm rõ những yếu kém, bất cập của lĩnh vực này, như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã chỉ ra: "Hoạt động phê bình VHNT có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ, xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hoá phê bình bị hạ thấp".
Hội thảo cũng thống nhất với một số vấn đề cụ thể cần chú ý trong lĩnh vực phê bình văn học, như: nhiều cuốn sách được giới thiệu trên một số phương tiện thông tin đại chúng không tiêu biểu, có những cuốn sách có vấn đề đang tranh cãi, người giới thiệu đôi khi bộc lộ một thiên hướng mơ hồ...; cần chú ý quan tâm hơn nữa tới việc giảng dạy văn học trong các trường đại học, đặc biệt là việc xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy; việc lựa chọn các tác phẩm để làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ vừa qua bộc lộ rõ khuynh hướng coi nhẹ các tác phẩm văn học cách mạng và kháng chiến.v.v...
Cùng với việc nêu lên nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế trong lĩnh vực phê bình văn học thời gian qua, Hội thảo đã đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lĩnh vực công tác này, trong đó nhấn mạnh đến tiến hành kế hoạch xây dựng và tổ chức lại hoạt động phê bình văn học và một số giải pháp trước mắt, cần làm ngay...
Theo Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương, sau cuộc Hội thảo khoa học này, Hội đồng sẽ phối hợp cùng các Hội chuyên ngành nghệ thuật tiếp tục tổ chức các cuộc toạ đàm theo chủ đề đẩy mạnh hoạt động phê bình ở các chuyên ngành nghệ thuật, như Mĩ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Văn nghệ dân gian… cũng như thảo luận các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận - phê bình văn nghệ nói chung ở các viện nghiên cứu, các trường đại học chuyên ngành./.
TG