Chúng tôi vượt qua quãng đường dài hơn 60 km gập ghềnh, khúc khuỷu trong tiết trời lạnh buốt từ thị trấn Sông Mã vào Bom Phung là bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ông Giàng A Cha, Bí thư Chi bộ bản, cho biết: Bom Phung là một trong những bản khó khăn nhất của huyện Sông Mã, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây vẫn tự cung, tự cấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển, giao thông đi lại khó khăn cho nên nông sản của người dân sản xuất ra không mang đi đâu được. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, bà con luôn cố gắng chuẩn bị cái Tết đầy đủ. Những người khỏe mạnh và thanh niên, phụ nữ đi làm xa kiếm tiền về sắm sửa quần áo, đồ dùng cho con cháu trong gia đình lo Tết.
Đến nhà già làng Giàng A Sịu ở bản Bom Phung, chúng tôi thấy rất đông người tụ tập ở đây để chuẩn bị gói bánh chưng, giã bánh dày và mổ lợn. Già Sịu cho hay, cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, lấy trong rừng về, khoét rỗng ruột, còn chày cũng làm bằng loại gỗ nặng và cứng. Nguyên liệu làm bánh dày là nếp nương, khi xôi giã mịn, mọi người phụ nữ bắt đầu nặn thành những chiếc bánh tròn trịa, ép vào lá chuối được cắt nhỏ rồi chờ cho khô để đem nướng... Quan niệm của đồng bào Mông, trong mâm cỗ ngày Tết tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời có sức mạnh, đồng thời cũng là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung của đôi trai gái Mông. Ngoài ra, ngày Tết, đồng bào Mông còn có rất nhiều trò chơi dân gian như ném pao, ném còn, vui văn nghệ của các đôi trai gái yêu nhau, ngoài ra còn có các nghi lễ, phong tục, tập quán văn hóa cùng với các hoạt động vui chơi lễ hội rất độc đáo riêng của người Mông…
Bí thư Huyện ủy Sông Mã Vi Đức Thọ cho biết: Đồng bào Mông có hai cái Tết, Tết Độc lập và Tết Nguyên đán của dân tộc. Những ngày này, đồng bào Mông sinh sống ở Sơn La nói chung và huyện Sông Mã nói riêng đang nhộn nhịp không khí đón Tết Nguyên đán của dân tộc. Đồng bào Mông trên địa bàn huyện được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để bà con gìn giữ những nét văn hóa, phong tục, nghi lễ độc đáo của dân tộc mình. Cùng với sự phát triển của xã hội, đồng bào Mông nơi đây đã tổ chức Tết văn minh, tiết kiệm hơn chứ không còn kéo dài ngày như trước nữa.
Đặc biệt, đêm 30 Tết mọi nhà không được tắt điện, mọi người đi đến từng nhà trong dòng họ để chúc tụng nhau, uống chén rượu và mừng tuổi cho con cháu trong nhà. Ngoài ra, trong bữa cơm của người Mông ngày Tết không có rau, mâm cơm chỉ có đậu phụ, bánh dày, thịt, rượu ngô và một ít bánh mứt. Đồng bào Mông quan niệm rằng, cả năm đã ăn rau rồi cho nên mấy ngày Tết Nguyên đán không ăn rau, phải ăn món thịt, đậu phụ, bánh dày…, những thứ có mầu trắng chính tay mình làm ra thì sẽ có một năm mới tốt lành. Lễ cúng đầu năm mới của người Mông có ý nghĩa cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, nhà nhà ấm no và cầu mong cho các con cháu trong dòng họ có được sức khỏe, hạnh phúc…
Thành Tú/ Báo Nhân Dân