Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 9/6/2009 10:46'(GMT+7)

Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới: Phát huy nội lực của địa phương là cơ bản

Đây là địa phương duy nhất của Hà Nội được chọn cùng với 10 xã khác của cả nước thực hiện thí điểm mô hình "Nông thôn mới".

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bùi Duy Nhâm, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố; Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng.

Theo ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, Trưởng ban Quản lý chương trình xây dựng thí điểm mô hình "Nông thôn mới" của xã cho biết, Thụy Hương là xã thuần nông, cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch tích cực; hiện nay nông nghiệp chiếm 37%, tiểu thủ công nghiệp 32%, dịch vụ 31%. Cơ sở hạ tầng nông thôn bước đầu đã được kiên cố hóa, giao thông thủy lợi đã được cứng hóa một phần; 6/7 thôn có nhà văn hóa, cả xã có một làng văn hóa, 85% số hộ đạt "Gia đình văn hóa" năm 2008. Tuy nhiên, ở Thụỵ Hương chưa có trường học nào đạt chuẩn quốc gia; chất lượng phổ cập giáo dục còn thấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT còn thấp (75%); đường giao thông liên thôn mới chỉ đạt trên 40%bê tông hóa...

Đối chiếu với 19 tiêu chí "Nông thôn mới" do Thủ tướng Chính phủ quy định thì xã Thụy Hương mới chỉ đạt 60%. Sau khi ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình thí điểm mô hình "Nông thôn mới", Đảng bộ xã Thụy Hương đã tuyên truyền tới toàn thể nhân dân trong xã các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng mô hình "Nông thôn mới" tại xã. Đồng thời phối hợp với Tổ công tác của Thành phố và huyện Chương Mỹ về khảo sát, đánh giá thực trạng để xây dựng đề án xây dựng mô hình "Nông thôn mới" trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: Việc làm điểm mô hình xây dựng nông thôn mới ở 11 xã có đặc thù khác nhau trên cả nước, trong đó có Thụỵ Hương là bước đi cẩn trọng của Ban Bí thư nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu đặt ra của Chương trình là xây dựng khu vực nông thôn có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại, hình thức sản xuất phù hợp... xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa, dân trí được nâng lên, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Là một xã ven đô được chọn làm điểm xây dựng mô hình "Nông thôn mới", Thụy Hương có sứ mạng cao cả trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi xây dựng thành công mô hình "Nông thôn mới" ở Thụy Hương, đây sẽ là nơi để các xã ven đô đến tham quan, học hỏi, tiến tới nhân rộng không những cho hơn 400 xã trên địa bàn Hà Nội mà còn trong cả nước. "Bắt đầu từ 11 điểm "Nông thôn mới" này, chúng ta sẽ nhân rộng ra toàn quốc, phấn đấu đến năm 2020 phải có được 50% số xã đạt tiêu chí này”, đồng chí nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đồng chí Trương Tấn Sang cũng lưu ý, khi lập Dự án xây dựng mô hình "Nông thôn mới" phải theo nguyên tắc bám sát năm nhóm tiêu chí và 19 tiêu chí cụ thể về nông thôn mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cùng với tiêu chí riêng của thành phố (phấn đấu cao hơn mức bình quân của cả nước từ 1,2 -1,5 lần). Đồng thời, khi xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với mô hình "Nông thôn mới" phải chú ý xóa dần khoảng cách giàu nghèo, nâng mức sống gần với nội đô. Bên cạnh tiếp thu văn hóa, văn minh thì cần phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái…. Người dân ở đây phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực xây dựng xóm làng phát triển bền vững. Về nguồn lực, quan điểm chỉ đạo là phát huy tính tự lực tự cường, sự đóng góp của nhân dân, từ các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của nhà nước tạo sức mạnh tổng thể và phải thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch.

Để thực hiện thành công Chương trình, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu Hà Nội sớm hoàn thành Đề án để đầu tháng 7 tới trình Bộ Chính trị phê duyệt và nhấn mạnh: "Đề án phải được dân góp ý với tinh thần người dân làm chủ dự án này. Việc làm này phải thật sự là một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng trong dân. Có như vậy, việc thực hiện Đề án "Nông thôn mới" mới thành công"./.

(Theo: KTĐT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất