(TCTG) - Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 6 sẽ diễn ra tại tỉnh Bắc Giang từ ngày 12 đến 14 /12. Đây là ngày hội giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, diễn viên của nhân dân 10 tỉnh vùng Đông Bắc. nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đồng thời góp phần quảng bá du lịch, vẻ đẹp đất nước, con người các tỉnh vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Ông Hoàng Đức Hậu- Vụ trưởng Vụ Văn hoá Dân tộc (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết: Cứ hai năm một lần, các tỉnh Đông Bắc lại tụ hội trong một ngày hội chung. Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 6 diễn ra tại Bắc Giang có 10 tỉnh vùng Đông Bắc tham gia là: Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.
Thưa ông, trong ngày hội văn hoá - thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 6 này có nhiều hoạt động phong phú. Xin ông có thể giới thiệu những hoạt động nổi bật nhất trong ngày hội này?
Ngày hội là một hoạt động giao lưu văn hoá mang tính cộng đồng. Điều quan trọng là để tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao vùng Đông Bắc, để tiếp tục nâng cao nhận thức cho đồng bào tham gia vào việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc. Cũng như những lần trước, ngày hội có rất nhiều hoạt động như: liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn và giới thiệu trang phục dân tộc; trình diễn các lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc; giới thiệu những nét văn hoá đặc trưng về ẩm thực, kiến trúc. Tại ngày hội sẽ có các trưng bày giới thiệu văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc, các tác phẩm hội hoạ, tranh thờ dân gian các dân tộc thiểu số vùng cao Đông Bắc và triển lãm ảnh "Du lịch văn hoá qua các vùng, miền của đất nước". Ngày hội cũng diễn ra các nội dung thi đấu thể thao như: thi vật dân tộc, thi đẩy gậy, thi bắn nỏ, kéo co...
Ngày hội lần này có nét mới so với 5 ngày hội lần trước là mỗi tỉnh sẽ tổ chức hội trại riêng của mình. Mỗi hội trại rộng khoảng 100 mét vuông. Các tỉnh tự thiết kế nội dung trưng bày trại văn hoá: Mô phỏng nơi ăn, nghỉ của một dân tộc cụ thể ở địa phương (theo dạng giới thiệu dân tộc học), trưng bày một số hiện vật văn hoá tiêu biểu như: đồ thờ tự, trang phục dân tộc, đồ thủ công mỹ nghệ, nhạc cụ dân tộc, đặc sản địa phương. Trại văn hoá cũng chính là nơi giới thiệu phong tục tập quán, nét văn hoá giao tiếp, phong cách ứng xử truyền thống của dân tộc...
Trong ngày hội, hoạt động quảng bá du lịch được quan tâm ra sao, thưa ông?
Năm nay ngày hội được tổ chức với quy mô và hình thức đặc biệt bởi có sự kết hợp giữa các hoạt động văn hoá, thể thao và quảng bá du lịch. Trước hết là tỉnh Bắc Giang là tỉnh đăng cai sẽ giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Giang thông qua việc giới thiệu các địa danh lịch sử văn hoá và kỳ quan tự nhiên của tỉnh. Thứ hai là cũng qua ngày hội, 10 tỉnh Đông Bắc giới thiệu tiềm năng du lịch của từng tỉnh. Mỗi tỉnh tham gia trưng bày một gian triển lãm giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương, bao gồm những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những đặc sản của quê hương...
Hội thì sẽ đông vui, thu hút đông đảo công chúng tham gia. Vậy Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với địa phương đăng cai là tỉnh Bắc Giang tổ chức đón tiếp hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên và du khách đến tham dự ngày hội ra sao?
Tỉnh Bắc Giang và Bộ VH-TT-DL có sự phối hợp chặt chẽ để lo khâu hậu cần này. Ví dụ như để lo cho nơi ăn nghỉ của các đoàn tỉnh bạn, tỉnh Bắc Giang đã khảo sát, điều tra toàn bộ hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn của tỉnh và thông báo cho các tỉnh bạn để từng tỉnh, đăng ký nơi ăn chốn nghỉ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn tham gia. Công tác đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội cũng được tăng cường.
Thưa ông, cách thức tổ chức các hoạt động trong ngày hội sẽ được đổi mới như thế nào để đông đảo công chúng có thể cùng tham gia, thưởng thức và hiểu thêm những giá trị văn hoá đặc sắc của mỗi vùng miền?
Việc tổ chức hoạt động giao lưu văn hoá cộng đồng mang tính ngày hội này chính là để phục vụ cho cộng đồng các dân tộc. Ngày hội diễn ra ở tỉnh Bắc Giang thì công chúng, nhân dân, đồng bào các dân tộc của tỉnh Bắc Giang là những người được thụ hưởng những giá trị văn hoá truyền thống của 10 tỉnh Đông Bắc. Tiếp đó, bạn bè du khách trong nước và quốc tế có điều kiện đến tham dự ngày hội và việc đồng bào các dân tộc được tham gia là chủ thể các hoạt động của văn hoá thì riêng các đoàn của các tỉnh, thì lực lượng chính chủ yếu là các nghệ nhân đồng bào các dân tộc. Đồng bào vừa là chủ nhân làm nên ngày hội, vừa có cơ hội để giao lưu, tiếp xúc, tăng thêm sự hiểu biết giữa các dân tộc vùng Đông Bắc. Đây cũng là một cơ hội tốt để cho đồng bào mình được giao lưu, hiểu biết thêm những truyền thống quí báu của dân tộc mình.
Xiin cảm ơn ông.
Mai Hồng t/hiện