Ông thuộc thế hệ thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - mà lòng phơi phới dậy tương lai". Ngày đó, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh sinh viên Nguyễn Tiến Dũng tạm biệt giảng đường đại học lên đường nhập ngũ.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, người lính Trường Sơn năm xưa giờ đã là ông Đại tá về hưu với mái tóc điểm bạc. Tuy vậy, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của phố và được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố.
Người "vác tù và hàng tổng"
Ở tổ dân phố 18, phường Trung Sơn (thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), nhiều người gọi đại tá Nguyễn Tiến Dũng với biệt danh trìu mến như vậy. Năm 2002, được về nghỉ hưu, song với bầu nhiệt huyết của "bộ đội Cụ Hồ", ông Dũng hăng hái tham gia các hoạt động của tổ dân phố. Vào thời điểm đó, Nhà văn hoá phố bắt đầu khởi công xây dựng. Được bà con tin tưởng, ông đã bỏ ra hàng trăm ngày công giám sát công trình, chạy đôn đáo giống như một kỹ sư xây dựng thực thụ. Sau đó, bà con tín nhiệm bầu ông làm tổ trưởng dân phố.
Thời gian trôi nhanh, đã 6 năm ông giữ chức tổ trưởng tổ dân phố với 125 hộ dân. Ông tâm sự: Làm tổ trưởng dân phố giống như "làm dâu trăm họ". Mỗi sáng thức dậy, ông đều đi một vòng quanh phố để quan sát, nắm tình hình. Các gia đình trong tổ có việc vui, buồn, ông đều đến để chia sẻ. Từng số nhà, nhân khẩu, hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân ông đều nắm rõ. Ông đã cùng Ban công tác mặt trận hoà giải thành công nhiều vụ xích mích trong nội bộ dân cư, giúp cho các gia đình thêm hiểu và gần gũi nhau hơn, tình nghĩa giữa những người dân trong phố ngày càng bền chặt.
Nhân dân trong tổ vẫn nhớ và thán phục khi kể lại câu chuyện ông Đại tá bắt trộm. Đó là thời điểm năm 2005, ông một mình tay không vào bắt kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản của một hộ dân trong tổ. Ông còn tích cực tham gia tuần tra giữ gìn an ninh trật tự, cùng các thành viên trong tổ an ninh bắt 5 vụ kẻ gian từ nơi khác đến thâm nhập vào khu dân cư trộm cắp tài sản công dân.
Vào các dịp Đại hội Đảng, ngày lễ lớn hay bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp… nhân dân trong tổ đã quen thuộc với hình ảnh ông Đại tá già một mình cặm cụi cầm chổi quét, xách thùng sơn đi kẻ vẽ hàng chục khẩu hiệu tuyên truyền trong khu dân cư. Rồi các đợt vận động ủng hộ từ thiện nhân đạo, ông luôn là người đi đầu ủng hộ tiền và tích cực cùng Ban công tác mặt trận vận động nhân dân tham gia hưởng ứng.
Còn rất nhiều câu chuyện kể về tấm lòng, sự nhiệt tình của vị Đại tá "vác tù và hàng tổng". Bầu nhiệt huyết đó thực sự đã có sức lan toả, góp phần khơi dậy không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân. Tổ dân phố 18, phường Trung Sơn liên tục là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua, là địa bàn ổn định về an ninh trật tự. Bản thân ông Dũng luôn được cấp trên đánh giá là một tổ trưởng dân phố gương mẫu, nhiều năm liền ông được công nhận là đảng viên xuất sắc, được các cấp có thẩm quyền tặng bằng khen, giấy khen. Năm 2007, gia đình ông là một trong 12 gia đình văn hoá tiêu biểu của tỉnh được tham dự Đại hội các gia đình văn hoá tiêu biểu toàn quốc.
Hạt nhân tích cực trong Cuộc vận động
Chúng tôi đến thăm ông vào một ngày cuối tháng 10. Trong căn phòng nhỏ chừng hơn 10 m2, lỉnh kỉnh nào loa đài, sách báo, khẩu hiệu, ông Dũng đang say sưa cắt dán những bức ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng vào một tấm panô lớn. Ông nói, sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, ông chuẩn bị tài liệu và một số panô ảnh để tuyên truyền ở các trường học trên địa bàn.
Năm 2007, khi Đảng ta phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với vai trò là tổ trưởng dân phố, đồng thời là báo cáo viên của Đảng uỷ phường, đại tá Nguyễn Tiến Dũng đã trở thành hạt nhân đi đầu trong Cuộc vận động. Ông Dũng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và sử dụng linh hoạt các biện pháp tuyên truyền thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ tham gia.
Thấy tôi tò mò ngắm nghía những chiếc hòm quân dụng lớn xếp ở góc phòng, ông Dũng bộc bạch: Đây là kho "tư liệu sống" của Chi bộ chúng tôi. Trong đó là các loại tài liệu, sách báo tôi lưu trữ từ nhiều năm nay.
Cũng từ kho tư liệu sống ấy, ông Dũng đã chắt lọc, biên soạn thành những bài viết phục vụ cho công tác tuyên truyền về Cuộc vận động. Ông đã bỏ công sức sưu tầm trên 500 bức ảnh Bác Hồ trên với từng chủ đề khác nhau, rồi làm thành những tấm panô ảnh lớn để phục vụ các lớp học chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh.
Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của tổ dân phố, ông Dũng đã sưu tầm và sử dụng các băng, đĩa tuyên truyền theo chủ đề của từng tháng, trực tiếp biên soạn và phát thanh các nội dung cần thiết để tuyên truyền kịp thời đến bà con trong tổ. Từ nhiều năm nay, gia đình ông Dũng đã ủng hộ tiền điện cho nhà văn hoá và hệ thống truyền thanh của tổ.
Với vốn hiểu biết của mình, ông đã trực tiếp biên soạn và giúp đỡ các báo cáo viên của phường, của thị xã tham gia hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp phường, cấp thị xã, các đơn vị quân đội… Bản thân ông Dũng cũng là một báo cáo viên tích cực tham gia kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các cháu học sinh các trường học trên địa bàn thị xã Tam Điệp.
Với bầu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của một đảng viên, phát huy phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ" trong những công việc giản dị giữa đời thường, đại tá Nguyễn Tiến Dũng thực sự là tấm gương sáng trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Những việc làm của ông đã góp phần làm nên thành công của Cuộc vận động mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện./.
Thu Thủy (Ninh Bình)