Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 7/4/2014 13:54'(GMT+7)

Sáng tác bức tranh chân dung Hoàng đế Hồ Quý Ly

Hoàng đế Hồ Quý Ly - Tranh sơn dầu Hoàng Hoa Mai

Hoàng đế Hồ Quý Ly - Tranh sơn dầu Hoàng Hoa Mai

Trong lịch sử dân tộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, từ bà Trưng, bà Triệu đến Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, những vị hòa kiệt ấy và biết bao anh hùng, chiến sĩ đã làm rạng rỡ cho đất nước và dân tộc ta. Trong lịch sử dân tộc của các thời đó, có những người vì lẽ này hay lý do khác mà hậu thế chưa đánh giá đúng mức và công bằng tài năng và trí tuệ của họ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hồ Quý Ly là một người như thế. Vì vậy mặc dù, Triều Hồ đã qua hơn sáu thế kỷ, nhưng những điều còn là bí ẩn, chưa có lời giải thuyết phục về sự nghiệp, nhân cách của một con người như ông cũng cần được nhìn nhận lại thật khách quan công bằng trên một từ duy mới.

Hiện nay, trong thực tế, có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu đánh giá về sự nghiệp của Hồ Quý Ly cũng rất khác nhau. Có ý kiến ca ngợi ông là một con người thông minh, uyên bác trong việc quản lý, chấn hưng đất nước, có bài bản mà đỉnh cao là công cuộc cải cách Nhà nước. Có ý kiến cho rằng, sự nghiệp của Triều Hồ quá sai lầm kể cả đối nội và đối ngoại nên dẫn đến đất nước bị tiêu vong nhanh chóng. Lại có ý kiến dung hòa cả hai mặt tích cực và tiêu cực nhất là vấn đề sách lược cải cách xã hội và phòng thủ đất nước… Thậm chí có người phủ định sạch trơn, đặc biệt người ta nhấn mạnh đến hàng trăm cac đại thần bị Hồ Quý Ly xử trảm, cho đến việc tước đoạt ngôi vua nhà Trần…dẫn đến đất nước nhanh chóng bị thất bại trước sức mạnh tàn bạo của quân Minh. Tất cả những ý kiến khác nhau ấy, đứng ở góc độ này hay góc độ khác đều có lý cả vì đây là thực tế xảy ra trong lịch sử và những quan niệm về Hồ Quý Ly cũng rất khác nhau.

Vậy thì đứng trên quan điểm nào để có một phương pháp luận dễ thuyết phục đánh giá con người Hồ Quý Ly, nhân vật lịch sử mà các mặt tích cực và không tích cực đồng thời diễn ra trong tư tưởng một con người nhưng không hề độc lập nhau. Chắc chắn phải có một quan điểm triết học rất biện chứng của chủ nghĩa duy vật lịch sử với cách nhìn mới, khách quan và thật sự công bằng mới có thể miêu tả chân dung Hồ Quý Lý sát với thực tế, một hình tượng có cấu trúc bằng da bằng thịt ở thời đại lúc bấy giờ. Những năm cuối Triều Trần, Nhà nước lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, quan lại tham nhũng, sa đọa, ra sức bóc lột, nhân dân đói khổ, thuế khóa nặng nề. Triều đình bạc nhược, không có khả năng điều hành đất nước, nguy cơ ngoại xâm ngày một đến gần. Xét cho cùng, thì cuộc khủng hoảng cuối Triều Trần là khủng hoảng về thiết chế chính trị, mâu thuẫn gay gắt với cơ cấu kinh tế - xã hội và theo nguyên lý về duy vật lịch sử nếu hạ tầng cơ sở lung lay thì kiến trúc thượng tầng cũng biến đổi theo, đó là không thể tránh khỏi.

Đứng trước tình thế bất lợi, Hồ Quý Ly đã nhận rõ sự đổ vỡ, suy sụp của triều Trần nên tiến hành công cuộc cải cách. Việc chấn hưng đất nước bằng con đường cải cách là một việc làm hết sức khó khăn trong bối cảnh sự phân hóa giàu nghèo, quan lại Nhà nước thì phe phái, nhân dân bất bình với triều đình là một quyết sách hết sức táo bạo. Có thể nói, công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly là toàn diện đều khắp từ trung ương đến địa phương về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng…

Cuộc cải cách “long trời chuyên đất” đánh mạnh vào các tầng lớp quý tộc, vương hầu, quan lại không khỏi có có sự phản kháng mạnh mẽ của nhiều người trong triều đình đối với Hồ Quý Ly. Như hạn điền, ngoài quy định theo chức sắc là phải thu vào Nhà nước quản lý, ắt phải có những mâu thuẫn mới diễn ra ngay trong quá trình tiến hành cải cách. Mặc dù cuộc cải cách là để chấn hưng đất nước, song thực trạng bấy giờ, tình hình xã hội triều Trần càng suy yếu hơn, nhà vua không còn khả năng điều hành đất nước, để cứu vãn tình thế, Hồ Quý Ly phải tức khắc đoạt ngôi vua để tiến hành lấy lại kỷ cương, lãnh đạo đất nước theo hướng tích cực. Song, tình thế vẫn không thể chuyển biến được gì, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra, tư tưởng cơ hội chống nhà Hồ quyết liệt, lòng dân oán hận, triều đình suy yếu, lợi dụng thời cơ đó quân Minh quyết định tấn công, nhà Hồ tiêu vong nhanh chóng. Với một cách nhìn hiện thực trên có thể khái quát ba vấn đề để miêu tả chân dung Hồ Quý Ly từ tư tưởng sự nghiệp của ông.

Thứ nhất, Hồ Quý Ly là một nhà yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm quyết liệt, không khoan nhượng với kẻ thù để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tiến hành đổi mới cách thức phòng thủ đất nước, nhằm đưa dân tộc phát triển trong bối cảnh xã hội lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Thứ hai, là một người sớm có ý tưởng cải cách xã hội một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự từ chính quyền Trung ương đến cơ sở khi ông còn là một đại thần của triều Trần mà chưa phải là một quân vương.

Thứ ba, bên cạnh tính quyết đoán táo bạo, quyết liệt trong cải cách, chấn hưng đất nước, Hồ Quý Ly cũng bộc lộ tư tưởng chủ quan độc đoán, chuyên quyền nên mất lòng dân nghiêm trọng, dẫn đến anh hùng bị thất thế, dân tộc bị lâm nguy là điều không thể không phê phán. Song hậu thế cũng không thể không tôn vinh ông là một vĩ nhân, ông là anh hùng của lịch sử, ngay cả người cùng sớm hôm phụng sự cho Triều Hồ cũng đã vinh danh và đồng cảm về sự nghiệp của Hồ Quý Ly mà trong bài thơ “Quan Hải” Nguyễn Trãi viết:

“… Họa phúc hữu môi phi nhất nhật

Anh hùng di hận kỷ thiên niên …”[1]

Cũng như người ta ví Hồ Quý Ly như một ngôi sao băng vừa mới bừng sáng thì bị biến mất trong đêm trường lạnh giá.

Lịch sử nói về nhà Hồ đã hơn 6 thế kỷ, nhìn lại giữa công lao và sự thất bại cũng đã rõ nhưng những gì của một người yêu nước và có lý tưởng cải cách như Hồ Quý Ly, hậu thế cũng phải ghi nhận, trong đó còn đọng lại một di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ mà nhân dân ta sáng tạo ra ở đó có công lao to lớn của Hồ Quý Ly.

Với cách tiếp cận đặt vấn đề như trên, tôi đã dành thời gian nghiên cứu vẽ chân dung Hồ Quý Ly, một nhân vật trong lịch sử còn nhiều tranh cãi, rất nhạy cảm và đầy bí ẩn.

Là một họa sĩ và là người nghiên cứu văn hóa, tôi rất quan tâm đến đề tài vẽ chân dung những người nổi tiếng trong lịch sử. Sự thật là nhiều thập kỷ qua, tôi đã vẽ chân dung như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Thánh Tông, Dương Đình Nghệ, Trần Khát Chân v.v… nhưng chưa thành công vì không đủ cứ liệu kể cả về yếu tố tâm linh.

Vậy thì vẽ chân dung Hồ Quý Ly như thế nào để miêu tả cho được tính cách, dáng vóc, diện mạo, dung quang phù hợp với sự nghiệp trong lịch sử ở thời kỳ cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, Hồ Quý Ly ở ngôi vị Hoàng đế ?


Trong lịch sử vẽ chân dung của các danh họa thế giới về những người đã khuất, cách đó nhiều thế kỷ, mà trong tay người họa sỹ không có một tư liệu nào như tranh, ảnh, hoặc miêu tả thành văn hay truyền miệng, buộc họa sĩ phải nghiên cứu đến lịch sử của người đó trong quá khư để sáng tác. Cách vẽ này là để tìm tính cách hành động, tư tưởng, tình cảm, biểu hiện bên trong để xây dựng cấu trúc hình thể dung quang bên ngoài. Đây là công việc rất khó khăn, phải kỳ công mới có thể tái dựng lại chân dung và sự thực nhiều họa sĩ cũng đã thành công. Cách vẽ thứ hai là dựa vào tâm linh, giác quan thứ 6, xuất hiện ảo ảnh qua giấc mơ để nhận biết chân dung mà họa sĩ định vẽ, vấn đề này xảy ra rất ít ỏi đối với họa sĩ. Trong thực tế giấc mơ thấy người, có thể là người đã mất tích, đã chết hoặc người còn sống, v.v… thông thường xuất hiện ở những ai có cùng huyết thống hoặc quen biết với một tần số giao cảm đặc biệt.

Như đã phân tích và lý giải trên thì quả thật là việc tôi miêu tả chân dung Hồ Quý Ly là vô cùng khó khăn, không thể không dày công nghiên cứu tiếp cận tư liệu với mọi cách thức tối ưu được. Hàng chục năm nay, có nhiều người trong dòng tộc họ Hồ, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học như giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Hà Đình Đức và nhiều họa sĩ ở Trung ương, địa phương cũng động viên tôi vẽ chân dung Hồ Quý Ly. Trong ý nghĩ, biết chắc chắn, thành nhà Hồ sẽ được quốc tế công nhận là di sản văn hóa thế giới, càng lưu tâm tôi cố gắng hoàn thành tác phẩm chân dung này. Tôi bắt đầu sáng tác bức tranh chân dung Hồ Quý Ly từ năm 2005 và dự kiến công bố vào dịp Thành nhà Hồ được tôn vinh Quốc tế. Giữa ý tưởng sáng tác với kế hoạch hoàn thành tác phẩm đâu có trôi chảy như mong muốn, mặc dù, tôi đã vẽ đến 5 phác thảo, trong 6 năm mà vẫn chưa đạt yêu cầu.

Trong một lần gặp một số bạn đồng nghiệp ở Hà Nội, và họ có hỏi về việc sáng tác bức tranh Hồ Quý Ly, tôi phải nói thật là đầu hàng, mặc dù tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu ngay cả trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng không hề miêu tả gì về hình dáng, diện mạo của ông. Nếu vẽ một chân dung của người đã khuất như Hồ Quý Ly cách đây hơn 600 năm mà không có căn cứ tư liệu gì, còn có một cách là phải phân tích hành động, việc làm trong lịch sử của ông qua đó mà xây dựng dáng vóc, dung mạo. Có lẽ do suy nghĩ, trăn trở nhiều về việc vẽ không thành công bức tranh Hồ Quý Ly mà trong lúc đang tư duy cách tiếp cận tìm hiểu tư liệu thì trong thời khắc của linh cảm, tôi hình dung ra được khái quát tổng thể cấu trúc về tướng mạo, dáng vóc ông một cách logic và dựa trên cơ sở đó để miêu tả.

Xuất phát từ quan điểm biện chứng của duy vật lịch sử, với một cách nhìn logich trong mối quan hệ nhiều chiều, toàn diện thì mới có thể miêu tả được chân dung Hồ Quý Ly gần sát với hiện thực. Vì vậy, phương pháp vẽ tướng mạo trên khuôn mặt phải biểu đạt cho được thần thái là người có tính quyết đoán mà ý tưởng cải cách của ông được sử sách đã ghi chép lại là một ví dụ. Phàm những người có tính quyết đoán, được bộc lộ trong khuôn mặt, ở đôi mắt to, sáng và cách nhìn lúc nào cũng chủ định, nhìn thẳng, đối mặt với người đang giao tiếp, cấu trúc giữa lông mày và đôi mắt thường có khoảng cách xa hơn. Các chi tiết khác của tướng mạo như mũi cao, to, miệng và râu bố cục có những điểm khác thường ở những khoảng cách trong cấu trúc trên khuôn mặt chữ điền. Hồ Quý Ly là con người có dáng vóc bình thường không cao và cũng không thấp, không béo, thông thường được biểu hiện ở những người thiên về văn hơn là võ. Ở Hồ Quý Ly, qua tư tưởng và hành động mà trong sử sách có nêu thì đứng về mặt khái quát chân dung để miêu tả, đây là một con người nghiêng về tính sách lược nhiều hơn chiến lược, kể cả về mặt chính trị, quân sự, cho đến kinh tế. Việc vẽ hình tượng Hồ Quý Ly ở thời điểm ngôi vua, với thế ngồi, tay cầm cuốn thư, mắt sáng nhìn thẳng về phía trước là biểu hiện sự trăn trở của ông trong công việc triều chính. Toàn bộ bức tranh được đặt trong nền có màu nóng, nói lên, Hồ Quý Ly vị vua đang sống và làm việc trong một bối cảnh hết sức khó khăn về nhân tình thế thái, thù trong giặc ngoài một áp lực lớn đối với ông.

Ngoài việc nghiên cứu vẽ chân dung Hồ Quý Ly nói trên cũng cần có phương pháp kiểm nghiệm  là phải dựa vào yếu tố tâm linh dù đó cũng chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh là đúng chỉ có điều trong thâm tâm người miêu tả bức tranh đó có linh cảm thanh thản, tin tưởng và yên tâm hơn.

Sau 7 năm vẽ bức tranh chân dung Hồ Quý Ly, cơ bản đã hoàn thành, tôi phải tranh thủ tham khảo ý kiến của nhiều nhà sử học, họa sĩ ở Trung ương và địa phương để chỉnh sửa. Bức tranh chân dung Hồ Quý Ly được công bố trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có VTV1 đài truyền hình Việt Nam  và báo Nhân dân ngày 19/11/2012.

Là một họa sĩ chuyên vẽ chân dung và là người nghiên cứu văn hóa, bức tranh Hoàng đế Hồ Quý Ly mà tôi sáng tác, phần nào nói lên tố chất bên trong của một con người anh hùng trong lịch sử dân tộc và cảm nhận ông trong việc thực hiện ý tưởng cải cách nhà nước, trong đó có cả công lao điều hành chỉ đạo thi công thành đá Nhà Hồ có một không hai ở Đông Nam Châu Á và đã thành di sản văn hóa thế giới.

Họa sĩ Hoàng Hoa Mai


[1] Nguyễn Trãi toàn tập, nhà xuất bản Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội 1976, trang 280

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất