Còn nhớ, mới đây, trong một phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung mổ xẻ về tình trạng các TĐKT, TCT được ưu ái, nhưng đầu tư kém hiệu quả.Có đại biểu đã ví von rằng: “TĐKT, TCT nhà nước như những chàng công tử, được cha mẹ (Nhà nước) nuôi dưỡng chu đáo nên béo tốt, có vị thế cao và nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả hoạt động lại yếu kém”. Ví dụ như EVN: cắt điện nhiều, liên tục kêu lỗ, đòi tăng giá điện. Và cuối cùng thì ngành điện lại nói có lãi, đề nghị khen thưởng trên 1.000 tỷ đồng... Vậy, sự thật là gì?...Vẫn đang là vấn đề đặt ra cần lời giải thỏa đáng.
Bắt mạch...
Theo thống kê, tổng nguồn vốn của 90 tập đoàn, TCT Nhà nước đến hết năm 2008 là khoảng 1.241 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 40% GDP, tạo ra gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và hơn 28% tổng thu nội địa, giải quyết việc làm cho 1 triệu 179 nghìn lao động… Nếu đánh giá một cách tổng quát hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo các chỉ tiêu cơ bản như: bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu, quy mô doanh thu, lợi nhuận, đóng góp ngân sách,… thì có thể thấy đa số các TĐKT, TCT đã hoạt động có hiệu quả, kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước nói chung, tại các TĐKT, TCT nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế. Không ít TĐKT, TCT hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, có đơn vị thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Trong khi được hưởng nhiều lợi thế về đất đai, chi phí đầu vào này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Theo công bố mới đây của Kiểm toán Nhà nước, một số tập TĐKT, TCT đã bị “điểm mặt” trong nhóm doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Không ít các TĐKT, TCT đã rất mạnh tay đầu tư ra ngoài ngành vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... với lượng vốn khổng lồ mà không tập trung vào ngành kinh doanh thế mạnh của mình. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, trong số 70 và TĐKT, TCT đã có 28 TCT tham gia góp vốn thành lập công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm và bất động sản với tổng số vốn lên tới 23.344 tỷ đồng, bằng 8,7% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ là 1,1 lần vốn chủ sở hữu, TCty Thuốc lá 15,1%, Đường sông Miền Nam 50,2%...
Các TĐKT, TCT đã huy động vốn bên ngoài gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Một số TCty đã huy động nguồn vốn bên ngoài "khổng lồ" như TCty XD công trình giao thông 5 là 42 lần, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ là 21 lần... Số liệu của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, tính đến 31/12/2007: 16 TĐKT, TCT đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng số tiền 4.965 tỷ đồng; 9 TĐKT, TCty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán giá trị 316 tỷ đồng; 12 TĐKT, TCty đầu tư vào tài chính, bảo hiểm giá trị 6.518 tỷ đồng; 10 TĐKT, TCty đầu tư vào các quỹ đầu tư với giá trị 933 tỷ đồng; 13 TĐKT, TCty đầu tư 2.331 tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản. Như vậy, các tập đoàn, TCty đã đầu tư khoảng 15.063 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản. Một điều đáng lo ngại nữa, là tình hình mất cân đối nợ/vốn chủ sở hữu của một số TĐKT và TCty. Thí dụ, Vinashin có vốn nợ gấp 25 lần vốn chủ sở hữu; TCty Xây dựng công trình giao thông 5 có ốn nợ gấp 42 lần vốn chủ sở hữu...Trong khi đó, theo Nghị định số 09/2009 của Chính phủ về Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước, tỷ lệ này chỉ được phép ở mức 3 lần.(!?) Mới đây, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với 5 bộ chủ quản của nhiều TĐKT gồm: Tài chính, Công Thương, Giao thông- Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Tổng thư ký Đoàn Giám sát: Kết quả sơ bộ cho thấy có không ít doanh nghiệp được giám sát có “tình hình tài chính rất yếu”; qua báo cáo của các tập đoàn, chúng tôi vẫn chưa thấy tính ưu việt của các tập đoàn so với các TCty, xét về mặt bản chất”.
Nhiều quan ngại...
Hình thành các tập đoàn kinh tế, kỳ vọng của Nhà nước là tạo ra những nòng cốt, xương sống trong nền kinh tế; bảo đảm khả năng chi phối trong những ngành, lĩnh vực then chốt; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của những tổng công ty nhà nước hiện đang nắm giữ những nguồn lực quan trọng của đất nước... Tuy nhiên, với một lượng vốn “khổng lồ” lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và khối lượng tài nguyên rất lớn do các tập đoàn sở hữu nhưng thực tế cho thấy, hoạt động của các đơn vị này vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra. Ngược lại, tại không ít các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, khiến dư luân hoài nghi về "sức khỏe" của khối này khi không ít các TĐKT đưa nguồn vốn khổng lồ của mình đi đầu tư dàn trải, đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... mà không tập trung vào ngành kinh doanh thuộc thế mạnh của mình.
Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, hầu hết tập đoàn đều thực hiện mở rộng kinh doanh đa ngành, nghề và phạm vi hoạt động sang các ngành, lĩnh vực khác. Lý do mà nhiều đơn vị đưa ra là nhằm khai thác tối đa những nguồn lực, thế mạnh hiện có, đồng thời san sẻ rủi ro qua nhiều lĩnh vực hoạt động... Mặc dù vậy, thực tế việc đầu tư lấn sân sang một vài lĩnh vực nóng trước đây đã bị nhiều chuyên gia nêu đích danh, đó là một kiểu ăn xổi, không đúng tầm của các đơn vị được cho là xương sống của nền kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: mặc dù bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhưng quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bộc lộ nhiều hạn chế như hầu hết chưa tận dụng được các cơ hội do hội nhập mang lại để thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường quốc tế; chưa phát huy được lợi thế của các doanh nghiệp quy mô lớn; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước, với tiềm năng hiện có; chưa trở thành doanh nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế... “Nhiều dự án đầu tư lớn tại một số tập đoàn kinh tế triển khai chậm gây lãng phí, chưa tập trung sức tìm tòi được nhiều dự án có hiệu quả, tạo sự phát triển đột phá về sản phẩm, công nghệ; công tác nghiên cứu khoa học, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm mới có hàm lượng chất xám cao còn rất khiêm tốn, chủ yếu đầu tư theo chiều rộng, suất đầu tư cao; do đó năng suất lao động tăng thấp, chủ yếu do tiết kiệm chi phí và yếu tố tăng giá quốc tế...”, bà Lan quan ngại.
Phân tích về những hạn chế, yếu kém hiện nay của các TĐKT, TCT nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với TĐKT, TCT còn phân tán, cắt khúc dẫn đến tình trạng không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính về quản lý vốn, tài sản tại các TĐKT, TCT và không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính theo dõi, phân tích, đánh giá sâu sát cụ thể về việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ sở hữu Nhà nước giao cho TĐKT, TCT. Các bộ, UBND hầu như không nắm được đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động của các tập đoàn, TCty. Bộ Tài chính quản lý Nhà nước về tài chính nhưng chỉ tham gia quản lý vốn, tài sản tại các TĐKT, TCT một cách gián tiếp. Bên cạnh đó, vẫn chưa triệt để tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của Luật DN; mô hình và phương thức quản lý nội bộ TĐKT, TCT vẫn còn nhiều bất cập... Do đó, cần chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề trên, đồng thời, siết chặt hơn về trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại các TĐKT, TCT, trong đó, cần áp dụng cơ chế thưởng phạt rõ ràng.
Trước tình hình trên, một chuyên gia tài chính - ngân hàng nêu quan điểm: “Điều lo ngại là nếu các tập đoàn giữ quyền kiểm soát hoặc sở hữu cổ phần chi phối tại một số ngân hàng, sau đó 'ép' ngân hàng tài trợ vốn cho các kế hoạch mở rộng của mình mà bất chấp các quy tắc quản trị ngân hàng thì khả năng đổ vỡ một định chế tài chính dẫn đến nguy cơ đối với toàn một hệ thống tài chính - ngân hàng là rất nhãn tiền”. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chịu tác động của khủng hoảng kinh tế khá nghiêm trọng như hiện nay, nhân dân đang phải thắt lưng buộc bụng, Nhà nước phải chi hàng ngàn tỷ đồng để chống chọi với suy giảm kinh tế nhưng có rất ít tập đoàn kinh tế nhà nước công khai sự chia sẻ những khó khăn này./.
Đỗ Quỳnh Chi