Thứ Ba, 1/10/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 12/12/2014 14:21'(GMT+7)

Sát cánh cùng nạn nhân da cam

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết, nhiệm kỳ qua, hoạt động của các cấp hội trong tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất; trong khi đó địa bàn rộng, nạn nhân CĐDC gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến hiệu quả của các cuộc vận động nghĩa tình do hội phát động. Với sự nỗ lực, trách nhiệm và lòng nhân ái của cán bộ, hội viên các cấp, công tác hội vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ II đề ra. Đến nay 18/18 huyện, thành phố và 153 xã, phường, thị trấn đã có tổ chức hội với tổng số 9.535 hội viên, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác vận động, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 34.874 người nằm trong vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học bị phơi nhiễm, trong đó có 14.254 người tham gia kháng chiến. Đến nay có hơn 5.000 người được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Ông Cả chia sẻ: “Có thể nói nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Bởi lẽ, trong người mang nặng bệnh tật, thường xuyên đau ốm, phần lớn không có khả năng lao động, tuổi cao, sức yếu nên đời sống vô cùng khó khăn. Đau đớn hơn, nhiều gia đình có đến 3 thế hệ đều là nạn nhân CĐDC, con cháu sinh ra bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, mọi sinh hoạt nhờ vào sự giúp đỡ, chăm sóc của người thân. Nỗi đau da cam là nỗi đau của toàn xã hội, vì vậy việc giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân là sự đồng cảm, chung tay của cộng đồng để xoa dịu nỗi đau này”. Với tinh thần đó, địa bàn vận động kêu gọi sự chung tay xoa dịu nỗi đau ca cam ngày càng mở rộng, không những ở trong tỉnh và TP.Đà Nẵng mà còn vươn đến bà con đồng hương Quảng Nam ở TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Lâm Đồng… Nhờ vậy, nhiệm kỳ qua, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã vận động được tổng số tiền hơn 15,4 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, hội dành hơn 3,5 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân CĐDC; sử dụng khoảng 10,5 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em bất hạnh tỉnh. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân đã hướng đến thế hệ thứ 2, thứ 3 (con, cháu của nạn nhân) bị nhiễm CĐDC. Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cũng đã vận động kinh phí cho 18 hộ nạn nhân da cam vay vốn (15 triệu đồng/hộ) để phát triển kinh tế…

Một thực tế hiện nay là số lượng nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ của Nhà nước còn quá ít so với tổng số người nhiễm chất độc hóa học trên toàn tỉnh. Ông Đoàn Dân - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Tiên Phước cho hay, huyện Tiên Phước có 2.200 người bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC (570 người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu) nhưng mới chỉ có 207 trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Còn tại TP.Tam Kỳ, theo Hội Nạn nhân CĐDC thành phố, qua điều tra bước đầu, có 1.560 người nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 738 trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.

Một trong những nguyên nhân khiến số nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ còn ít là việc giám định y khoa để công nhận hồ sơ còn chậm và gặp nhiều vướng mắc. Toàn tỉnh đã có khoảng 20 nghìn người nhiễm CĐDC được đưa đi giám định sức khỏe, trong đó có 14.254 người tham gia kháng chiến và khoảng 5.000 người là con đẻ của họ. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 5.005 người (chiếm 30%) được hưởng chế độ của Nhà nước. Ông Nguyễn Anh Cả cho rằng, việc tổ chức mỗi tháng 2 phiên giám định hồ sơ CĐDC như hiện nay là quá ít so với số lượng đối tượng đang chờ được giám định. Trong khi đó, việc ban hành văn bản còn chồng chéo giữa các bộ, ngành khiến cho việc giám định gặp khó khăn. Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế cần xem xét lại 17 nhóm bệnh có liên quan đến nạn nhân CĐDC; trong đó cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá đúng bệnh của người bị nhiễm; đồng thời cần tăng số phiên giám định mỗi tháng để giải quyết số hồ sơ tồn đọng cho đối tượng. Đối với cộng đồng xã hội, thay mặt những người làm công tác hội của tỉnh, ông Trần Anh Cả mong rằng thời gian đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục đồng hành, giúp đỡ nạn nhân CĐDC Quảng Nam. Các cấp Hội Nạn nhân CĐDC luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ “cầu nối nhân ái” để chuyển tải những tình cảm của cộng đồng đến với nạn nhân CĐDC, cùng chia sẻ nỗi đau, giúp nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống./.

Theo Vinh Anh/ báo Quảng Nam

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất