Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến hay tất cả những vấn đề liên quan đến thế giới ảo, cộng đồng ảo trên mạng - thực tế vẫn đang nằm ngoài tầm với trình độ phát triển pháp luật của nước ta.
Đó là nhận định của Vụ Pháp luật Kinh tế Bộ Tư pháp trong cuộc hội thảo: “Sự phát triển của dịch vụ trò chơi trực tuyến tại Việt Nam: thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý” vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Hội thảo thừa nhận thông tư liên tịch 60/2006 (gọi tắt là Thông tư 60) về quản lý trò chơi trực tuyến (Online Game) chưa bao quát được thực tế hoạt động của trò chơi trực tuyến.
“Thông tư 60 ra đời khi game online chưa phát triển mạnh như hiện nay. Hiểu biết cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực này còn hạn chế nên ban hành thông tư trên còn nhiều chỗ hổng tạo điều kiện cho người chơi, địa điểm kinh doanh…lợi dụng game online để đạt những mục đích gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an ninh quốc gia…” – ông Đỗ Quý Doãn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Tài sản ảo là vấn đề được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp nhất vì một số đối tượng lợi dụng game để cờ bạc trá hình.
Trong game có các cuộc hội chiến dưới hình thức “công thành”, “liên đấu”; việc ganh đua này được các bên cụ thể hóa thành các món đồ, vật phẩm, tiền ảo hoặc thậm chí được quy thành tiền mặt.
Đã hình thành nên các cuộc mua bán những đồ vật ảo với giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Từ đó xuất hiện các nhóm game thủ chuyên đi cá cược dưới hình thức này. Trên thực tế đã xảy ra tranh chấp tài sản ảo phải nhờ tòa án giải quyết nhưng vẫn chưa có văn bản pháp lý nào “nhắc” đến tài sản ảo.
Theo điều 163 Bộ luật dân sự, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản (quyền sở hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt).
Đã nhiều lần tranh luận nhưng tư cách pháp nhân của loại hình tài sản này vẫn chưa có hồi kết. Theo ông Doãn: ở cấp độ quản lý nhà nước, tài sản ảo không được thừa nhận quyền sở hữu.
Đồng tình với ý kiến của ông Doãn, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Vân – Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Bộ tư pháp phân tích: Tài sản ảo không có quyền chiếm hữu và quyền định đoạt mà chỉ có quyền sử dụng. Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tài sản ảo không có quyền sở hữu nên không thể hiện quyền tài sản.
Như vậy, rất khó để giải quyết vấn đề bảo hộ cho tài sản ảo vì tài sản ảo không cùng nội hàm với khái niệm tài sản theo nghĩa pháp lý truyền thống trong Bộ luật dân sự.
“Với những quy định hiện nay, việc bảo hộ theo hướng quyền đối vật là bế tắc – đặc biệt là vấn đề thi hành án” - bà Vân nói.
Phần lớn các Bộ ngành đều khuyến khích Game Online phát triển theo hướng nội dung mang đậm bản sắc dân tộc, có ý nghĩa về lịch sử nước nhà nhằm tận dụng hình thức chơi game của giới trẻ để giáo dục về truyền thống dân tộc.
“Vấn đề tài sản ảo sẽ được quan tâm nhiều nhưng hiên nay vẫn cần xem xét, nghiên cứu nhiều hơn nữa mới có thể đưa ra kết luận” - Ông Doãn khẳng định. “ Sắp tới sẽ ban hành luật, những văn bản cụ thể để áp dụng cho Game Online”./.
(Theo:Vietnamnet)