Theo bà Maggie Farley, giáo sư trợ giảng tại Trường Truyền thông của Đại
học Hoa Kỳ, trong tương lai, người dùng sẽ đối mặt với việc phân biệt
video tin tức giả mạo khó hơn rất nhiều so với hiện nay.
Tại buổi chia sẻ thông tin với việc ứng phó với tin giả tại Đại sứ quán
Mỹ ở Hà Nội chiều 22/10, bà Maggie Farley cho hay người dùng thường có
xu hướng tin video hơn là tin tức và hình ảnh.
Thế nhưng, video giả mạo cũng không phải là hiếm, thậm chí còn rất tinh
vi. Bà Maggie Farley đã trình diễn video do một trường đại học ở Mỹ thực
hiện. Đoạn video quay phát biểu của một chính trị gia rất nổi tiếng ở
Mỹ, thế nhưng, nó được lồng tiếng với nội dung hoàn toàn theo ý muốn của
người tạo fake video.
Để làm việc này, các chuyên gia đã thu thập hàng nghìn video của chính
trị gia nói trên, để phân tích, nhận biết khẩu hình rồi dùng trí tuệ
nhân tạo dự đoán ông sẽ nói câu tiếp theo và lồng tiếng…
“Hình thức fake news này hiện chưa phổ biến, song có thể nó sẽ phát triển sau năm nữa”, bà Maggie Farley nhấn mạnh.
Cũng trong bài trình bày của mình, bà Maggie Farley đã chia sẻ về những
hình thức tin giả đang lan truyền rộng khắp trên các trang tin cũng như
mạng xã hội. Những tin tức giả có thể do chủ ý muốn đưa lên nhằm mục
đích riêng, song cũng có thể là một hình ảnh do người dùng bông đùa
nhưng sau đó, nó đã có “đời sống riêng.”
Vị chuyên gia này cho biết, những người làm ra tin giả thường biết cách
thu hút sự chú ý của người dùng, kích thích họ muốn chia sẻ thông tin.
Ví dụ như những thông tin giật gân, bất ngờ; những trang web có tin
giả-thật lẫn lộn... Và, khi thông tin giả lan truyền khắp nơi gây ra
nhiều hậu quả, thậm chí gây biến đổi cả xã hội.
Cả
thế giới đang phải chống lại nạn tin giả bùng phát rất nhanh với công
cụ "hỗ trợ" là các mạng xã hội. (Ảnh minh họa: thenextweb.com)
Theo bà Maggie Farley, hiện trên thế giới cũng đã có những công cụ để
phân biệt tin thật, giả. Ví dụ như công cụ News Guard để đánh giá các
nguồn tin, giúp người dùng phân biệt nguồn tin đáng tin cậy; Google cũng
phát triển công cụ Reverse Image Search, giúp người dùng xác định tấm
ảnh từng xuất hiện hay chưa và từ đó có thể xác định bức ảnh gốc…
Để tránh tin nhầm tin giả, vị chuyên gia này cho rằng người dùng không
nên dựa vào một nguồn tin để đưa ra quyết định. Đặc biệt, cần cân nhắc
kỹ trước khi chia sẻ thông tin để tránh trường hợp vô tình tiếp tay cho
tin giả phát triển..../.
(Vietnam+)