Trong "Tháng củ mật" ở nước ta liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc. Điều khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo lắng là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương phải có biện pháp quyết liệt để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), hạn chế TNGT, nhưng vấn nạn này ngày càng nhức nhối.
Nguyên nhân bởi lượng phương tiện giao thông tăng cao là thực tế không
thể phủ nhận. Nhưng nguyên nhân từ phía chủ quan do công tác quản lý yếu
kém là rất đáng lo ngại, vì đây chính là nguồn gốc dẫn đến mọi nguyên
nhân gây ra TNGT. Nếu hệ thống pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh; người
thực thi luật pháp nghiêm túc; các cấp, ngành thực sự quan tâm vào cuộc,
thì chắc chắn người dân và doanh nghiệp vận tải sẽ chấp hành các quy
định về an toàn giao thông tốt hơn. Ngược lại, tình trạng “nhờn luật”,
“lách luật” khiến tình trạng mất trật tự an toàn giao thông càng thêm
trầm trọng.
Siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực GTVT là đòi hỏi cấp thiết để bảo đảm
cuộc sống bình yên cho nhân dân, hạn chế những vụ TNGT thương tâm gây
rất nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội. Với quan điểm đó, từ năm 2016,
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT soạn thảo nghị định thay thế Nghị
định số 86/2014/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thế
nhưng 3 năm đã trôi qua với rất nhiều lần chỉnh sửa mà dự thảo nghị định
này vẫn chưa hoàn thành; nhiều ý kiến đòi bỏ bớt các điều kiện để “cởi
trói” cho doanh nghiệp vận tải.
Ai cũng biết lĩnh vực vận tải đường bộ thường xuyên và trực tiếp liên
quan đến tính mạng của hàng chục triệu người. Với những quy định về kinh
doanh vận tải hiện hành mà TNGT vẫn là mối lo lớn nhất của xã hội và
mọi gia đình. Nếu “nới lỏng” nữa thì tình hình sẽ ra sao?
Tính mạng của con người là trên hết! Nên không thể lấy lý do Chính phủ
có chủ trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh để áp dụng máy móc vào
lĩnh vực GTVT, bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mức độ
nguy hiểm rất cao; việc tùy tiện “nới lỏng” chắc chắn sẽ dẫn đến lợi bất
cập hại.
Tăng cường quản lý kinh doanh vận tải là tất yếu khách quan. Vấn đề cần
bàn là các bộ, ngành liên quan phải rà soát, loại bỏ những quy định
mang tính thủ tục hình thức, đồng thời bổ sung thêm những điều kiện cần
thiết và triệt để ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý để
vừa bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa hạn chế tối đa tiêu cực và giảm bớt
những thủ tục hành chính rườm rà.
Đã đến lúc Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo ngành GTVT học các nước
tiên tiến, quản lý bằng phần mềm công nghệ đối với cả 5 loại hình kinh
doanh vận tải, kết nối dữ liệu từ camera và thiết bị giám sát hành trình
trên ô tô với cơ quan quản lý giao thông cùng Tổng cục Thuế để khắc
phục tình trạng doanh nghiệp vận tải hoạt động trá hình, "xe dù, bến
cóc" nhằm trốn thuế, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khi đó, toàn bộ
thông tin về phương tiện, người lái xe, hóa đơn điện tử, hành khách,
hàng hóa và các vi phạm... đều được cập nhật thuận lợi trên hệ thống
phần mềm hiện đại này, rất dễ quản lý, xử lý các vi phạm mà lại giảm rất
nhiều thủ tục rườm rà, gây tốn kém (như Bộ Tài chính đang áp dụng nền
tảng công nghệ để tiếp nhận, quản lý lượng dữ liệu khổng lồ của 100% số
hộ kinh doanh và doanh nghiệp ở nước ta). Đây chính là “chìa khóa” để
lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực GTVT, góp phần bảo đảm an toàn
giao thông và phù hợp với phương pháp quản lý tiên tiến trong thời Cách
mạng công nghiệp 4.0; đồng bộ với nền tảng quản lý công nghệ của ngành
thuế để nghị định mới về kinh doanh vận tải không sớm bị lỗi thời, lạc
hậu./.
Cát Huy Quang (qdnd.vn)