Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 16/9/2014 20:42'(GMT+7)

Siết chặt vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình trên VTV

Hiện nay cuộc chiến bảo vệ bản quyền những chương trình thể thao như World Cup trên VTV vẫn còn nhiều phức tạp. (Ảnh: VTV)

Hiện nay cuộc chiến bảo vệ bản quyền những chương trình thể thao như World Cup trên VTV vẫn còn nhiều phức tạp. (Ảnh: VTV)

Đây được xem là động thái tích cực để ngăn chặn thực trạng vi phạm bản quyền hiện đang diễn ra khá tràn lan và công khai. 

Đại diện từ VTV cho hay, bản quyền truyền hình trên sóng "nhà đài" hiện đang bị vi phạm nghiêm trọng như: Tự ý lấy chương trình VTV mà không xin phép, tiếp sóng VTV, nhưng đến phần quảng cáo thì chèn quảng cáo của đài địa phương vào, các chương trình đặc sắc bị ghi thu, in sao chép phát tán trên internet, in sao thành băng đĩa và bán ra ngoài thị trường.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ bản quyền truyền hình hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập về quy định cho phép tiếp sóng, phát sóng không cần phải xin phép...

Riêng với việc các báo mạng, báo điện tử hoặc các trang mạng thì việc quản lý bản quyền là điều rất khó, nếu như không nói là không thể.

Ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc VTV Digital cho biết CNC sẽ là đơn vị duy nhất được Đài Truyền Hình Việt Nam ủy quyền toàn quyền trong việc rà soát, cảnh báo, ngăn chặn và phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi "ăn cắp" bản quyền đối với các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam trên hạ tầng mạng viễn thông thông qua Internet và các thiết bị di động.

Theo đó, bất cứ đơn vị, tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Các đơn vị, tổ chức có nhu cầu sử dụng các chương trình mà Đài Truyền hình Việt Nam sở hữu bản quyền số bắt buộc phải nhận được sự chấp thuận và ký kết hợp đồng với VTV Digital mới có cơ sở pháp lý thực hiện.

Là đơn vị truyền thông lớn nhất cả nước, theo ước tính, mỗi năm, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất hàng ngàn chương trình mang tính giáo dục, thời sự, kinh tế, chính trị, giải trí...

Đặc biệt, để có thể đáp ứng được nhu cầu thông tin của khán giả cũng như phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, VTV phải bỏ ra chi phí rất lớn để mua bản quyền chương trình từ nước ngoài.

Với một kho nội dung phong phú và đa dạng như vậy, các chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất là một trong những nội dung bị vi phạm bản quyền phổ biến nhất.

Rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ngang nhiên đưa nội dung của VTV vào khai thác trên mạng viễn thông internet và di động, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Trong những năm vừa qua, vấn đề bản quyền chương trình, tác giả, tác phẩm vẫn được xem là khối ung nhọt nhức nhối. Thực trạng vi phạm bản quyền chương trình, tác giả, tác phẩm diễn biến phức tạp gây thất thoát không nhỏ đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đơn vị nắm bản quyền...

Đặc biệt, cùng với sự bùng nổ của người dùng Internet và sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, vấn đề vi phạm bản quyền, khai thác lậu nội dung số đang diễn ra tràn lan và rất thiếu kiểm soát./.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất