Thứ Tư, 27/9/2017 21:40'(GMT+7)
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiên quyết xử lý các trường lạm thu
Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý các trường để xảy ra tình trạng lạm thu và người chịu trách nhiệm chính là các hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khi trao đổi với phóng viên.
- Thưa ông, vừa qua trên địa bàn có tình trạng một số trường lạm thu gây ra nhiều bức xúc cho phụ huynh trong dịp đầu năm học mới. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Ngay từ tháng Bảy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị về các khoản thu đầu năm học.
Đầu tháng Chín, chúng tôi đã công bố đường dây nóng của 30 quận, huyện, mong muốn phụ huynh phản ánh thông tin còn băn khoăn hoặc phát hiện các khoản thu chưa đúng quy định.
Vừa qua, Sở cũng đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, cùng với đoàn kiểm tra của các quận, huyện, tổ chức thanh kiểm tra công tác đầu năm học cũng như các khoản thu, chi.
Sau kiểm tra cho thấy các trường mới đang xây dựng chủ trương. Trong tháng 10, sau khi được các cấp phê duyệt các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện thì sẽ tiến hành thu.
Quan điểm của Sở là kiên quyết xử lý những đơn vị còn xảy ra sai phạm. Người chịu trách nhiệm là thủ trưởng các đơn vị. Tất cả các khoản thu, các hoạt động trong nhà trường thì trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng.
Theo phân cấp quản lý, các cơ quan sẽ vào cuộc để có hình thức xử lý. Cụ thể, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc ủy ban các quận, huyện quản lý. Các trường phổ thông trực thuộc sở giáo dục và đào tạo quản lý.
Với phân cấp như vậy, các đơn vị có vấn đề thu chưa đúng quy định thì chúng tôi để nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện , trực tiếp là các phòng giáo dục, sẽ rà soát và báo cáo ủy ban nhân dân các quận, huyện về các khoản thu chưa đúng quy định.
- Các khoản thu đều được núp dưới danh nghĩa tự nguyện, xã hội hóa nhưng thực chất phụ huynh chưa đồng thuận. Vậy xã hội hóa thế nào là đúng, thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Quyết định 51 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quy định rõ các khoản nào là thu thỏa thuận và quy trình để thực hiện các khoản này.
Chẳng hạn, việc học sinh ở lại bán trú, ăn trưa là thu thỏa thuận với cha mẹ học sinh về tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú.
Bảo hiểm y tế là bắt buộc vì quyền lợi chăm sóc sức khỏe nhưng bảo hiểm thân thể là hoàn toàn tự nguyện.
Cha mẹ học sinh đăng ký với đơn vị nào làm bảo hiểm thân thể là quyền của họ. Chúng tôi mong muốn các công ty bảo hiểm vào trực tiếp nhà trường để thu, chuyển cho nhà trường thu là không đúng tính chất của trường.
Về các khoản thu thỏa thuận khác, như trong khi ngân sách nhà nước chưa kịp cấp để trang bị sửa chữa một số trang thiết bị tối thiểu cho dạy và học thì hiệu trưởng nhà trường đề xuất xã hội hóa. Trong trường hợp này, hiệu trưởng phải là người trực tiếp đề xuất và thực hiện theo quy trình chứ không phải cha mẹ học sinh làm.
- Trên thực tế, khi phát hiện sai phạm, các trường đều cho biết đó là do ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất và thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng ban đại diện cha mẹ học sinh là “cánh tay” nối dài của hiệu trưởng, hỗ trợ trưởng lạm thu, và vì thế có đề xuất nên bỏ ban đại diện này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Viết Cẩn: Nói rằng ban đại diện cha mẹ học sinh là cánh tay dài của hiệu trưởng thu sai quy định thì chúng ta phải cân nhắc.
Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh rất rõ.
Theo đó, kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ phục vụ cho hoạt động của ban và hỗ trợ hoạt động giáo dục học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không tham gia vào thu tiền xây dựng, sửa chữa và quyên góp để thực hiện công tác an ninh, bảo vệ, hỗ trợ giáo viên.
Nếu chúng ta làm đúng như vậy thì không có băn khoăn, bức xúc về ban đại diện cha mẹ học sinh.
Chúng tôi hy vọng ban đại diện cha mẹ học sinh đã bên cạnh nhà trường về công tác giáo dục thì về công tác thu phí phải thực hiện đúng Thông tư 55./.
Theo VN+