Trưa 14-2, chúng tôi có mặt tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, không khí
làm việc căng thẳng bao chùm cả khu vực tiếp nhận, phân loại người bệnh. Các
cáng cấp cứu với người bệnh nằm trên được xếp dày đặc tràn ra cả lối đi, các bác
sĩ, y tá thì tất bật sơ cứu, kiểm tra phân loại người bệnh mới được chuyển vào.
Khu điều trị cho người bệnh nặng ở phía sau cũng gần kín. Bác sĩ Mai Duy Tôn,
phụ trách tua trực cho biết, từ ngày mồng 3 Tết số người bệnh cấp cứu tăng đột
biến (tăng 1,5 lần so với ngày thường) mà phần lớn từ các địa phương chuyển về,
không qua các tuyến dưới, trong đó 30 đến 50% là người bệnh nặng: xuất huyết
tiêu hóa, tim mạch, tai biến mạch máu não... So với dịp Tết năm trước số lượng
người bệnh cấp cứu tăng 30 đến 40% và tiếp tục tăng cả về số lượng, tính chất và
mức độ nặng của từng ca bệnh. Tại phòng cấp cứu của Khoa Thần kinh, bác sĩ
Trương Thanh Thủy trực cọc 1 chỉ kịp thông báo: bệnh nhân đông lắm, cán bộ y tế
làm không ngơi tay... chưa hết câu chị đã vội chạy vào phòng bệnh, ở đó có một
người bệnh đang ngừng tim. Khu vực cấp cứu của Khoa Thần kinh có 36 giường bệnh
và 20 cáng thì có tới 54 người bệnh, trong đó 70 đến 80% là tai biến mạch máu
não với xuất huyết não, nhồi máu não. Thống kê cho thấy, trong sáu ngày Tết,
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu cho 1.272 người bệnh, trong đó nhập viện
điều trị nội trú cho 607 trường hợp. Các khoa có số người bệnh điều trị nội trú
đông là: Thần kinh, Cấp cứu, Tim mạch, Nhi.
Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ngày 14-2 còn 25 trường
hợp phải nằm điều trị. Ðây là nơi tiếp nhận các trường hợp thương tích nặng của
khu vực phía nam. Theo thống kê từ ngày 9 đến 13-2 (tức 29, mồng 1, 2, 3, 4 Tết)
khoa đã tiếp nhận và điều trị 1.276 trường hợp cấp cứu. Cao điểm là hai ngày
mồng 2 và 3 Tết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 320 trường hợp. Riêng số ca cấp
cứu do tai nạn giao thông là 467 ca (chiếm 36% tổng số ca cấp cứu). Năm nay, số
ca cấp cứu do tai nạn giao thông giảm nhưng có chín người chết (tăng một người
so với Tết Nhâm Thìn 2012). Bác sĩ Trầm Minh Toàn, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ
Rẫy cho biết, có khoảng 70% số tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não. Bên
cạnh các ca cấp cứu do tai nạn giao thông, dịp Tết Quý Tỵ 2013, Bệnh viện Chợ
Rẫy tiếp nhận hơn 10 trường hợp tai nạn do uống rượu. Theo thống kê của Sở Y tế
TP Hồ Chí Minh, từ ngày 9 đến 13-2, 59 bệnh viện do thành phố quản lý (27 bệnh
viện thành phố, 19 bệnh viện quận, huyện và 13 bệnh viện tư nhân) tiếp nhận và
điều trị 7.198 trường hợp cấp cứu, trong đó có 1.140 ca tai nạn giao thông. Năm
nay, có 35 người chết, trong đó tám trường hợp chết do tai nạn giao thông. Ngoài
ra, các bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 116 trường hợp ngộ độc và gần
1.200 trường hợp tai nạn trong sinh hoạt.
Ngày 14-2, Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, trong những ngày Tết, các hoạt động
cấp cứu, khám, chữa bệnh được bảo đảm tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc,
bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tổng số người đến khám bệnh trong sáu ngày Tết Quý
Tỵ tại các khoa là 1.517 lượt người, tăng 132 người so với Tết Nhâm Thìn 2012.
Trong đó, có 439 trường hợp đến khám cấp cứu, tai nạn; 309 trường hợp bị tai nạn
giao thông và 24 trường hợp tai nạn do sinh hoạt. Ðáng chú ý có đến 70 trường
hợp bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông; 34 trường hợp tai nạn do đánh
nhau và hai trường hợp bị ngộ độc thức ăn. Số người bệnh nhập viện và điều trị
nội trú là 866 trường hợp, trong đó có 167 trường hợp phẫu thuật. Bệnh viện cũng
đã tiếp nhận 142 trường hợp đến sinh đẻ (bao gồm cả mổ đẻ). GS, TS Bùi Ðức Phú,
Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết: trong những ngày Tết Quý Tỵ, tại bệnh viện
có hơn 500 người bệnh ở lại điều trị tại các khoa, phòng. Nhằm động viên, chia
sẻ với những người bệnh ở lại, bệnh viện tặng quà cho tất cả người bệnh, mỗi
suất quà trị giá 200 nghìn đồng/người, gồm tiền mặt với các nhu yếu phẩm khác.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn hỗ trợ 150 nghìn đồng vào suất ăn của mỗi người bệnh
trong ba ngày: 29 tháng Chạp, mồng 1 và 2 Tết.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế chiều 14-2, các bệnh viện tổ chức chăm sóc,
phục vụ chu đáo mọi người bệnh còn nằm lại điều trị tại các bệnh viện hoặc người
bệnh vào cấp cứu trong những ngày Tết cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên,
những số liệu chính về số người khám bệnh, cấp cứu, người bệnh phải nhập viện,
số người phải phẫu thuật cũng như số chết tại bệnh viện... đều tăng cao so với
Tết năm trước. Thống kê bước đầu của 51 sở y tế các tỉnh, thành phố và 25 bệnh
viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng số người bệnh đến khám trong sáu ngày Tết Quý Tỵ
là 212.988 lượt (tăng 45,6%), trong đó có 65.513 trường hợp đến khám cấp cứu,
tai nạn. Tổng số người bệnh phải nhập viện điều trị nội trú là 73.946 ca. Trong
số người bệnh khám cấp cứu, tai nạn có 25.502 trường hợp do tai nạn giao thông
chiếm 11,97% trong tổng số người bệnh đến khám, chữa bệnh. Trong các ca chấn
thương sọ não do tai nạn giao thông (4.374 ca), thì số ca chấn thương sọ não do
không đội mũ bảo hiểm là 1.438 ca (chiếm 32,88%). Trong sáu ngày Tết các bác sĩ
đã thực hiện 10.093 ca phẫu thuật (tăng 17,6%), trong đó có tới 507 ca phẫu
thuật chấn thương sọ não (tăng 74,8%). Cũng trong thời gian đó, tại các bệnh
viện ghi nhận 593 người chết, trong đó có 186 trường hợp là do tai nạn giao
thông và vẫn có 15 trường hợp chết do tai nạn trong sinh hoạt, 17 trường hợp
chết do đánh nhau...
Theo các bác sĩ, dường như nghỉ Tết càng kéo dài thì càng gia tăng các trường
hợp cấp cứu. Chính vì vậy, mỗi người cần nâng cao hơn nữa ý thức để bảo vệ sức
khỏe, tránh xảy ra tai nạn. Những ngày tới đây, lượng người trở lại thành phố
làm việc, học tập tăng cao, do vậy mỗi người khi tham gia giao thông cần tuân
thủ nghiêm các quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu và đội mũ bảo hiểm đúng quy
cách. Ðặc biệt không nên uống nhiều bia, rượu trước khi tham gia giao thông để
tránh gây ra tai nạn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.