Ngày 24/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên do trẻ dưới 9 tháng tuổi không được tiêm vắc-xin nên nguy cơ mắc bệnh sởi ở nhóm này khó giảm và có thể sẽ tiếp tục ghi nhận ca nặng. Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng phải thở máy ở các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tử vong.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 24/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 40 trường hợp mắc sởi xác định trong số 205 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Trong ngày ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.609 trường hợp mắc sởi xác định trong số 10.017 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong số 123 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi thì có 25 trường hợp tử vong do sởi.
Cục Y tế dự phòng khẳng định: Kết quả chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 24/4/2014 là 72,4%, tăng 6,1% so với ngày 22/4/2014. Hiện có 8 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi cao trên 90%; 29 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi đạt tỷ lệ từ trên 70-90%; 19 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi đạt tỷ lệ từ 50-70% và 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi thấp dưới 50% (gồm An Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Long An).
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, các viện và bệnh viện liên quan thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, vi rút, miễn dịch, lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam năm 2013-2014”. Đề tài đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt thực hiện với thời gian 6 tháng.
TG