Chủ Nhật, 8/12/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Hai, 20/11/2023 8:27'(GMT+7)

Sóc Trăng: Đề cao vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội

Bà Thị Tôn (80 tuổi), ở ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn bên ngôi nhà mới xây trị giá 50 triệu đồng được hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Chanh Tha)

Bà Thị Tôn (80 tuổi), ở ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn bên ngôi nhà mới xây trị giá 50 triệu đồng được hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Chanh Tha)

ĐỀ CAO SỰ ĐOÀN KẾT, CHỦ ĐỘNG, QUYẾT TÂM CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ NHÂN DÂN

 Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1,3 triệu dân số, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 35,41%, chủ yếu là đồng bào Khmer và Hoa sống đan xen với đồng bào Kinh. 

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2023, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách an sinh xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế… vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc…

Đặc biệt, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay Sóc Trăng đã giải ngân được trên 260 tỷ đồng thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng cơ sở, phúc lợi xã hội, hỗ trợ đời sống vùng đồng bào dân tộc. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc được tăng cường đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con.

Tỉnh Sóc Trăng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; lồng ghép hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; hoàn thành công tác quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…; tạo điều kiện, hỗ trợ người dân đầu tư, phát triển sản xuất nên tình hình đời sống người dân ổn định, tạo tiền đề, xây dựng vững chắc lòng tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 63 đơn vị cấp xã và 128 ấp được thụ hưởng Chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện năm 2022 - 2023 là gần 654,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh tập trung xây dựng 63 công trình đường, cầu giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ; 4 công trình nước sạch tập trung; hỗ trợ 197 hộ chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ đất ở cho 231 hộ, nhà ở cho 623 hộ, đất sản xuất cho 230 hộ khi cấp có thẩm quyền ban hành định mức hỗ trợ.

Tỉnh có chủ trương tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Quyết tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp sức bằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 – 2025.

Các bạn trẻ dân tộc Khmer tập múa tại chùa Khleang.

Các bạn trẻ dân tộc Khmer tập múa tại chùa Khleang.

NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GƯƠNG MẪU ĐI ĐẦU

Có thể khẳng định, kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội nêu trên ở Sóc Trăng có sự đóng góp to lớn của các đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Người có uy tín đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tham gia thực hiện tốt các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương,...

Đặc biệt, người có uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia và hưởng ứng Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cầu Đại Ngãi; vận động đồng bào nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…

Để kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; các mục tiêu Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các chương trình mục tiêu của tỉnh, trong thời gian tới, trong thời gian tới, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà đồng bào tin cậy trao cho; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Người có uy tín tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nêu cao tinh thần ý chí tự lực tự cường, cùng với chính quyền đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự; tích cực tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai, thực hiện Chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân./.

Xuân Định

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất