Thứ Bảy, 27/7/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Năm, 16/11/2023 15:29'(GMT+7)

Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm hay của phụ nữ tôn giáo phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo”

Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương"

Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương"

Quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Kế hoạch của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam về tổ chức diễn đàn chia sẻ, vận động nhân rộng các sáng kiến và giải pháp thông tin tuyên truyền, vận động phát triển hội viên tại vùng tôn giáo, Ban Thường vụ Hội LHPN Việt Nam tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tôn giáo tham gia hoạt động Hội bằng những việc việc làm hiệu quả, thiết thực góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh tại địa phương.

Cụ thể, mô hình “Tổ Phụ nữ tôn giáo gắn với xây dựng nông thôn mới” xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh với 22 thành viên. Mục tiêu của mô hình là tranh thủ sự tham gia của các tín đồ tôn giáo những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Tổ phụ nữ đã vận động người dân tham gia xây dựng 18 tuyến đường 03 sạch, trồng trên 25.000 cây xanh, hỗ trợ xây dựng 5 công trình thắp sáng đường quê, với tổng chiều dài trên 10 km, tạo cảnh quang môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp góp phần thành công xây dựng xã nông thôn mới.

Tiêu biểu là Ni sư Thích Nữ Như Lan (thế danh Huỳnh Thị Thu Hương), Trụ trì chùa Hưng Thiền là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Cao Lãnh đã vận động mạnh thường quân trao tặng trên 20.000 phần quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn, trẻ mồ côi, người già, người khuyết tật trong và ngoài huyện; xây dựng trên 80 mái ấm tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Đặc biệt,trong mùa dịch Covid-19 đã hỗ trợ trên 10.500 suất quà, 30.000 suất cơm hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trong khu cách ly, phong toả, trị giá trên 2,5 tỷ đồng.

Đồng Tháp: Phát huy vai trò phụ nữ theo tôn giáo hình thành các mô hình,sáng kiến trong đời sống xã hội
Trao nhà tình thương cho các hộ khó khăn về nhà ở.

Mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ Phật giáo” xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc có 21 thành viên tham gia, sinh hoạt mỗi quý 1 lần. Điển hình tiêu biểu là Sư cô Thích nữ Minh Ngọc - Trụ trì chùa Liên Hoa, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN TP. Sa Đéc, vận động mạnh thường quân cùng với thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trao tặng 605 phần quà gồm dụng cụ học tập, gạo, bánh phở, nhu yếu phẩm, xe đạp cho con, em hội viên, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã biên giới huyện Tân Hồng và huyện Hồng Ngự, tổng trị giá 90 triệu đồng.

Mô hình “Tổ phụ nữ tôn giáo” phường 3, TP. Cao Lãnh, sinh hoạt 1 quý/lần tại chùa Quan Âm. Nội dung hoạt động tổ nhằm mục đích kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động Hội đến các phụ nữ theo đạo, nâng tầm nhận thức và thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội như tổ chức chương trình "Xuân yêu thương" nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tặng 135 phần quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, Tổ trực tiếp tham gia vận động người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức việc thực hiện phòng, chống Covid-19, phát khẩu trang miễn phí cho hộ dân, hỗ trợ thực phẩm cho tổ nấu ăn miễn phí, tổng kinh phí trên 59,9 triệu đồng.

Đầu năm 2022, hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, nhiều mô hình hỗ trợ và chăm lo về vật chất tinh thần cho trẻ em mồ côi cha/mẹ mất do nhiễm Covid-19. Tiêu biểu là Sư cô Thích Huệ Thành là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN TP. Cao Lãnh và các thành viên trong tổ nhận hỗ trợ dài lâu cho 8 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 đến khi các em đủ 18 tuổi, với số tiền 200.000 đồng/tháng/em.

Đồng Tháp: Phát huy vai trò phụ nữ theo tôn giáo hình thành các mô hình,sáng kiến trong đời sống xã hội
Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương của Hội LHPN huyện Châu Thành trên địa bàn đơn vị biên giới thành phố Hồng Ngự.

Mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ công giáo khóm Hòa Khánh, TP. Sa Đéc với sự tham gia của 52 thành viên, các chị em trong câu lạc bộ cùng nhau tham gia góp vốn xoay vòng 200.000 đồng/tháng; giới thiệu việc làm cho chị em giúp việc nhà và phụ quán ăn có thu nhập ổn định (bình quân 2-3 triệu đồng/tháng); hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội cho 5 chị với tổng số tiền 75 triệu đồng, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình không chỉ mang lại ý nghĩa trong việc giúp đỡ các chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, mà còn chia sẻ những kinh nghiệm trong cách nuôi dạy con cháu và chăm sóc gia đình, không tham gia các tệ nạn xã hội... Ngoài ra, các chị em trong câu lạc bộ còn tham gia làm Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản, tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội...

Thực tiễn minh chứng, nhiều mô hình mới, cách làm hay của phụ nữ tôn giáo đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều mô hình đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Mô hình được thành lập đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tôn giáo tự nguyện tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động thiện nguyện ở địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Đồng Tháp: Phát huy vai trò phụ nữ theo tôn giáo hình thành các mô hình,sáng kiến trong đời sống xã hội
Chùa Quan Âm vận động mạnh thường quân Trao nhà ước mơ cho hộ nghèo tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành.

Thông qua mô hình, các thành viên còn vận động mạnh thường quân thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ nhu yếu phẩm cho tổ cơm cháo nước cho các Trung tâm y tế, bệnh viện, phát quà, gạo, mì và các loại nhu yếu phẩm; xây dựng, sửa chữa cầu, đường nông thôn, thu gom thuốc nam miễn phí, góp công cất nhà cho người nghèo… với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Các mô hình đã từng bước xây dựng và phát huy được vai trò tích cực của lực lượng nòng cốt trong chị em phụ nữ tôn giáo.

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra cơ bản ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, Điều lệ, tôn chỉ mục đích của tổ chức tôn giáo đề ra; xu hướng hoạt động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc ngày càng thể hiện rõ nét trong tất cả các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo đã phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo” phục vụ phước lợi; tích cực thực hiện công tác thiện nguyện, an sinh xã hội đóng góp các nguồn lực và chung tay cùng với các cấp chính quyền thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội góp phần xây dựng quê hương "sen hồng" văn minh giàu đẹp.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay của phụ nữ tôn giáo đã phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo” phục vụ phước lợi cho nhân sinh; tích cực thực hiện công tác thiện nguyện, an sinh xã hội, đóng góp các nguồn lực chung tay cùng với các cấp chính quyền thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương./.

Hiện toàn tỉnh có 75 mô hình tổ phụ nữ tôn giáo với 1.347 thành viên gồm: 13 Tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn thực phẩm với 150 thành viên; 10 tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn giao thông, với 103 thành viên; 9 tổ phụ nữ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường với 192 thành viên; 15 tổ phụ nữ tôn giáo từ thiện xã hội với 443 thành viên; 28 tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, với 459 thành viên; 15 câu lạc bộ phụ nữ tôn giáo với 458 thành viên (12 Câu lạc bộ phụ nữ tôn giáo từ thiện với 261 thành viên; 1 Câu lạc bộ phụ nữ công giáo với 52 thành viên; 2 Câu lạc bộ phụ nữ tôn giáo bảo vệ môi trường với 151 thành viên); 3 Chi hội phụ nữ tôn giáo với 81 thành viên. Tín đồ tôn giáo tham gia Ban Chấp hành Hội LHPN từ cấp tỉnh đến cơ sở là 20 Ủy viên (cấp tỉnh: 2 ủy viên; cấp huyện 9 ủy viên; cơ sở 9 ủy viên). Đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiêu biểu của các tôn giáo lan tỏa tích cực. 

Thanh Phương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất