Thứ Năm, 21/11/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Chủ Nhật, 19/11/2023 10:17'(GMT+7)

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ở Việt Nam

NHỮNG THÀNH TỰU QUAN TRỌNG TRONG THỰC THI CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược. Những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng từng bước được hoàn chỉnh và dần dần được thể chế vào Hiến pháp. Nhà nước đã đầu tư mở mang vùng miền núi và cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc. Đến nay, bộ mặt miền núi và vùng dân tộc đã có những thay đổi đáng kể: đời sống được cải thiện, tình trạng du canh du cư của đồng bào một số vùng đã giảm rõ rệt. Điều này chẳng những góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc mà còn nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung của chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới của Đảng và Nhà nước ta tập trung vào các nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, chính sách về phát triển kinh tế vùng các dân tộc thiểu số nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào các dân tộc, gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước, đưa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cùng cả nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, chính sách xã hội tập trung vào các vấn đề giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế... nhằm nâng cao năng lực, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tạo tiền đề và các cơ hội để các dân tộc có đầy đủ các điều kiện tham gia quá trình phát triển, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Thứ ba, chính sách liên quan đến quốc phòng - an ninh, nhằm củng cố các địa bàn chiến lược, giải quyết tốt vấn đề đoàn kết dân tộc và quan hệ dân tộc trong mối liên hệ tộc người, giữa các tộc người và liên quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa.

Nhìn tổng thể cả ba chính sách trên, xét về mục tiêu, chính sách dân tộc của Đảng đều nhằm khai thác mọi tiềm năng của đất nước để phục vụ đời sống nhân dân các dân tộc, từng bước khắc phục khoảng cách chênh lệch, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển.

Công tác dân tộc thời gian qua đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được thể chế hóa và thực hiện trên thực tế các lĩnh vực của đời sống. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả khả quan. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, mặt bằng dân trí được nâng cao. Vùng dân tộc và miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ Trung ương đến các huyện vùng dân tộc và miền núi, tạo nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Hệ thống phát thanh, truyền hình ở vùng dân tộc và miền núi không ngừng phát triển. Công tác giáo dục có nhiều tiến bộ.

Bên cạnh đó, mạng lưới y tế phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc và miền núi có chuyển biến tốt, dịch vụ trợ giúp pháp lý đang tiếp cận với người dân. Công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng được chú trọng. Bình đẳng giới từng bước được tạo lập giúp người phụ nữ nâng cao nhận thức, vươn lên phát huy vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội.

CHÚ TRỌNG TÍNH ĐẶC THÙ CỦA TỪNG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG HOẠCH ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, khoảng cách giàu - nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân tộc vẫn còn tồn tại. Tỷ lệ nghèo ở các vùng dân tộc và miền núi cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, đó là những khó khăn, thiếu thốn ở các “vùng lõi” của đói nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Như vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh phát triển các vùng, văn kiện đã nêu ra những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Với vùng trung du và miền núi phía Bắc cần phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, các cửa khẩu, văn hoá dân tộc đặc sắc, đa dạng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ…. Đối với vùng Tây Nguyên, bên cạnh phát triển các thế mạnh của vùng cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Đối với các vùng khác như: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hay vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần đẩy mạnh hơn nữa phát huy các ưu thế của vùng để phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng nói chung, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, bởi đây là những vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới.

Song song với đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới. Xem việc quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.

Tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho mọi cán bộ, đảng viên và cho nhân dân. Phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các chính sách dân tộc, qua đó củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, với chế độ. Thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, xây dựng đội ngũ cốt cán và những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở vùng dân tộc, nhất là các địa bàn xung yếu về chính trị, an ninh, quốc phòng ; coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở; nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là những cán bộ công tác lâu năm ở miền núi, vùng cao.

Có thể khẳng định, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước,mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Nguyễn Thứ 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất