Chủ Nhật, 6/10/2024
Xã hội
Thứ Ba, 12/1/2016 20:30'(GMT+7)

Sóc Trăng: Hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện chương trình với nhiều cố gắng, nỗ lực bằng những phong trào, những bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái; kiện toàn hệ thống chính trị ở nông thôn, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 17/22 xã điểm được công nhận xã NTM; các xã còn lại đã đạt từ 13 tiêu chí trở lên (trong đó có 05 xã đạt 15 tiêu chí, 11 xã đạt 14 tiêu chí, 11 xã đạt 13 tiêu chí, 20 xã đạt 12 tiêu chí, 09 xã đạt 11 tiêu chí, 04 xã đạt 10 tiêu chí và 01 xã đạt 9 tiêu chí).

Những kết quả cụ thể 

Thứ nhất, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được phát triển theo hướng ngày càng bền vững. Trong 5 năm qua, nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NTM của tỉnh đạt trên 6.700 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 600 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư hệ thống giao thông nông thôn trong 5 năm là 1.019,95 tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương cấp 132,577 tỷ đồng. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới khoảng 975,7km đường tỉnh, huyện, xã; trong đó đường xã có 830km. Tổng số km đường nông thôn được cải tạo, nâng cấp và duy tu là 9.200km. Tổng số cầu trên đường xã mới được xây dựng khoảng 750 cây. Tỷ lệ các xã có đường ô tô đến trung tâm hiện nay cơ bản đã đạt 100%.

Về công trình thủy lợi, đê bao khép kín được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp với nguồn vốn đầu tư của nhà nước và nhân dân cùng làm. Các huyện, thị xã cũng đã tranh thủ nguồn vốn từ trung ương, địa phương và nguồn vốn xã hội hóa với tổng nguồn vốn khoảng 31 tỷ đồng đầu tư xây chợ thuộc 13 xã của 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ và khang trang đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Ngoài ra, thực hiện phương châm: “Nhà nước và nhân dân chung tay phát triển lưới điện”, ngành điện kéo đường dây trung thế, người dân đóng góp đường dây hạ thế và nhánh rẽ vào nhà, theo đó số hộ có điện không ngừng gia tăng.

Thứ hai, chất lượng lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, số lao động có nhu cầu học nghề giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn tỉnh là 53.871 người, trong đó ở địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ đa số. Tính đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn được 51 nghề, trong đó có 25 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và 26 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh đã thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, phối hợp với các địa phương triển khai ở cấp xã, phường, thị trấn thu hút hàng ngàn người người tham dự. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh luôn gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và hỗ trợ vốn vay tạo việc làm sau học nghề. Riêng trong năm 2015, tỉnh đã đào tạo nghề theo kế hoạch cho khoảng 28.993 người vượt 15,97% kế hoạch. Bên cạnh dạy nghề, các hoạt động thí điểm đổi mới mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. 

Thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Trong thời gian qua, các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã xây dựng được hàng trăm mô hình phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân tham gia học tập, tạo điều kiện cho nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất như: Dự án “Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa giai đoạn 2011 - 2015 ”. Sản xuất nông nghiệp cũng đã dần hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của tỉnh như các loại lúa, gạo đặc sản, thủy sản nước lợ, hành tím năng suất cao. Giá trị sản lượng thu hoạch trên 01 ha đất nông nghiệp đến năm 2015 đạt 157 triệu đồng (tăng khoảng 75 triệu đồng so với năm 2010). Thu nhập của người nông dân đến cuối năm 2015 đạt bình quân khoảng 40 triệu đồng/người (tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước). 

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn cho người dân cũng được quan tâm, chú trọng. Trên địa bàn tỉnh hiện đã có khoảng 47.000 hố chôn rác được xây dựng; khoảng 70.000 hộ gia đình xây dựng được 3 công trình vệ sinh cơ bản. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng lồng ghép nhiều nguồn vốn để triển khai xây dựng 8 trạm cấp nước, nâng cấp sửa chữa, mở rộng 15 trạm; nâng tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%.

Đời sống tinh thần của người dân nông thôn cũng ngày càng được tăng cường và củng cố, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Sóc Trăng bắt đầu lên kế hoạch xây dựng “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” từ năm 2012 và có công văn hướng dẫn tổ chức lễ phát động đăng ký, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM ở một số xã thuộc 10 huyện, thị xã trong tỉnh, lồng ghép các chương trình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa; xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn. Các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trên địa bàn cũng rất tích cực trong phong trào xây dựng NTM như: phong trào “Năm không ba sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động; phong trào “Tuổi trẻ Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” do Tỉnh Đoàn tổ chức; hay phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” do Hội Nông dân thực hiện.  

Một số vấn đề đặt ra và giải pháp trong thời gian tới

Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng công tác xây dựng NTM ở Sóc Trăng vẫn còn gặp phải những tồn tại, hạn chế nhất định, chẳng hạn như: công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM ở một số nơi chưa sâu rộng nên một bộ phận người dân chưa tham gia hăng hái với chương trình. Việc thực hiện lồng ghép từ các chương trình mục tiêu đạt hiệu quả chưa cao; công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế, chưa có đội ngũ nguồn nhân lực xây dựng NTM mang tính chuyên nghiệp và phù hợp, năng lực thực tiễn của một số cán bộ, đảng viên nhất là ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu. 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa thật sự bền vững, vẫn còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro đặc biệt là khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn tương đối chậm; chưa thu hút được nhiều nguồn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhìn chung được nâng lên, nhưng đời sống một bộ phận người dân nông thôn vùng sâu vùng xa còn một số bất cập. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội còn hạn chế, tình trạng thiếu việc làm, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn có chiều hướng tăng.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ lần thứ XII của tỉnh Sóc Trăng đã đề ra là: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng năng suất cao, chất lượng cao, thu nhập cao, gắn với xây dựng NTM; tăng cường đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục tiến hành một số giải pháp cơ bản sau: 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM tại địa phương nhằm đưa việc xây dựng NTM thành một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Tuyên truyền các mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là các mô hình phát triển sản xuất liên kết và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến (như mô hình liên kết bốn nhà, xây dựng cánh đồng mẫu).

Hai là, tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch làm cơ sở để các xã điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương. Mặt khác, cần đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, gắn liền với việc thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển các loại hình hợp tác xã, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”; thực hiện phong trào xây dựng xã, ấp, gia đình văn hóa, quan tâm công tác giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp và của địa phương. Bảo đảm vệ sinh môi trường. Tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, chú trọng nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn hoá mới, có biện pháp xử lý những tình trạng mê tín dị đoan, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. 

Bốn là, tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường thực thi tốt công tác dân chủ ở cơ sở, khuyến khích các hình thức, biện pháp giám sát của cộng đồng dân cư. Tăng cường các biện pháp tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời cần có cơ chế thu hút, sử dụng, trọng dụng và đãi ngộ sinh viên vừa tốt nghiệp, cán bộ khoa học trẻ về công tác ở các xã. 

Tóm lại, để chương trình xây dựng NTM đạt được những thành công tốt đẹp, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh cần nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình này; tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế cùng với sự quyết tâm, đồng lòng, tập trung triển khai có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành tốt và giữ vững các tiêu chí theo quy định, góp phần xây dựng nông thôn Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp./.

Trương Thế Nguyễn
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất