(TG) - Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của tỉnh Sóc Trăng được các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện. Nhân lực của tỉnh tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, nhất là tỷ lệ cán bộ, công chức xã, phường, thi trấn đạt chuẩn ngày càng nhiều, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các cơ quan đảng và nhà nước tại địa phương.
Thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tỉnh đã khẩn trương tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ cơ sở, gắn với công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Tính đến ngày 31/12/2010, toàn tỉnh có 2.010 cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó, có 1.204 cán bộ và 806 công chức. Trong tổng số 1.204 cán bộ xã, phường, thị trấn (theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) về trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông có 923 người, chiếm tỷ lệ 76,66%; trung học phổ thông có 149 người chiến tỷ lệ 12,38%; trung học cơ sở có 104 người, chiếm 8,64%; tiểu học 28 người, chiếm 2,33%. 659/1.204 cán bộ có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 54,73%; chưa đạt chuẩn: 545/1.204 cán bộ, chiếm tỷ lệ 45,27%. Công chức xã, phường, thị trấn có 806 người, trong đó số đạt chuẩn: 474 người, chiếm tỷ lệ 58,81%, chưa đạt chuẩn: 332 người, chiếm tỷ lệ 41,19%. Ngoài ra, còn 1.771 người hoạt động không chuyên trách tại 109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Những kết quả đạt được ở trên thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu học tập của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, lực lượng cán bộ của tỉnh có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tuy đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng thiếu năng lực thực tiễn; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn còn cao (41,3%).
Những yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo đúng mức về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thiếu quy hoạch về đào tạo và sử dụng và chưa gắn kết quy hoạch đào tạo với quy hoạch phát triển. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực nói chung, cán bộ công chức xã, phường, thị trấn nói riêng được đề ra, nhưng thực hiện còn nhiều hạn chế do đầu tư chưa đảm bảo. Chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng cán bộ của tỉnh thiếu đồng bộ.
Với quan điểm phát huy yếu tố con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh xác định xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về trình độ văn hóa và chuyên môn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; trong đó, tổ chức đảng, chính quyền các cấp giữ vai trò quyết định. Mục tiêu cụ thể của tỉnh là đến năm 2020, có trên 95% cán bộ cấp xã đạt chuẩn về trình độ văn hóa và chuyên môn.
Để thực hiện được những chỉ tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục rà soát trình độ cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh để có kế hoạch sắp xếp, điều chuyển, bố trí, sử dụng phù hợp. Trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, bố trí cán bộ phải đúng tiêu chuẩn, quy trình và có cơ cấu hợp lý; người được tuyển dụng phải đảm bảo đúng chức danh công chức cần tuyển, đạt các tiêu chí về trình độ chuyên môn, ưu tiên sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, khá, giỏi và người tốt nghiệp sau đại học. Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng; tuyển, chọn cán bộ đưa đi đào tạo đúng đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn; quan tâm đúng mức việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ, trẻ, dân tộc, Mặt trận và đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn của tỉnh; thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy thay thế cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn.
Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành và thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhân lực của tỉnh, trong đó, chú ý chính sách cán bộ lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển; sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi về công tác ở cấp xã. Hàng năm, tiến hành rà soát, thống kê số lượng sinh viên người tỉnh Sóc Trăng tốt nghiệp đại học, cao đẳng để có kế hoạch sử dụng hợp lý. Tỉnh uỷ yêu các cấp uỷ, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo rà soát, bổ sung nghị quyết, chương trình, kế hoạch của từng cấp, từng ngành. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng các cơ quan tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng ở các cấp, các ngành; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, tin rằng Sóc Trăng sẽ thực hiện tốt chỉ tiêu đạt ra đến năm 2020 có trên 95% cán bộ cấp xã đạt chuẩn về trình độ văn hóa và chuyên môn.
Nguyên An