Ngày 16/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng đã tổ chức
Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản và Nghị
quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước
ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng,
qua quá trình triển khai thực hiện nhiều nội dung của hai đạo luật đã đi vào
cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều tồn tại, bất cập cũng đã xuất hiện cần
sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự phát triển
bền vững trong hai lĩnh vực hết sức quan trọng này.
Nhiều thành
tựu trong phát triển nhà ở
Theo Bộ Xây dựng, từ khi có Luật Nhà
ở năm 2005 đến nay, lĩnh vực nhà ở đã có những bước phát triển đáng kể, Nhà nước
đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh để các tổ chức, đơn
vị, cá nhân có điều kiện thuận lợi tham gia phát triển nhà ở nhằm đáp ứng nhu
cầu nhà ở ngày càng cao của người dân.
So với năm 1999, hiện nay diện
tích nhà ở của cả nước đã tăng hơn gấp 2 lần (từ hơn 709 triệu m2 lên khoảng 1,6
tỷ m2), diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng tăng gấp đôi từ 9,68 m2 lên 19
m2. Hiện nay, cả nước có khoảng 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang
được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90.100 ha, nhiều địa phương đã xây dựng
được các khu nhà cao tầng, hiện đại với kiến trúc đẹp, cơ cấu căn hộ hợp lý.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Luật Nhà ở cũng là
cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhà ở cho
các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo tại khu vực nông thôn và người thu
nhập thấp ở đô thị. Cụ thể, đến nay cả nước đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà
ở cho gần 11.000 cán bộ lão thành cách mạng, khoảng 4.200 cán bộ tiền khởi
nghĩa. Cùng với đó, đã có gần 100 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với
diện tích khoảng 2 triệu m2 sàn, có 56 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với
diện tích sàn là 1,8 triệu m2...
Về việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia
đinh nghèo tại khu vực nông thôn, đến nay cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ cho
hơn 510.000 hộ, hỗ trợ hơn 72.000 hộ của 62 huyện nghèo, hỗ trợ 21.000 hộ đồng
bào Khmer tại các tỉnh Tây Nam bộ; hoàn thành tôn nền 728 cụm, tuyến và bờ bao,
đã xây dựng xong hơn 95.000 căn nhà cho các hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến
dân cư...
Từ khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ năm 2006,
hoạt động kinh doanh bất động sản đã có những bước phát triển mạnh, thu hút sự
quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh việc đầu tư xây
dựng hàng nghìn dự án nhà ở để bán, cho thuê, các nhà đầu tư xcũng đã đầu tư
hàng trăm dự án khu văn phòng, trung tâm thương mại và phát triển bất động sản
du lịch, nghỉ dưỡng.
Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng giúp tăng thu
cho ngân sách, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Bộ Tài
chính, năm 2002 thu ngân sách từ bất động sản chỉ đạt 5.486 tỷ đồng nhưng đến
năm 2011 đã tăng lên 67.000 tỷ đồng. Tính đến năm 2011, cả nước có 303 dự án bất
động sản có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép, với nguồn đăng ký là 45,9 tỷ
USD.
Riêng tình hình sở hữu nhà ở Việt Nam của người Việt Nam định cư ở
nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Theo Bộ Xây dựng, đến nay ngoài diện
bà con kiều bào được mua và sở hữu nhà ở như người trong nước, đã có 400 trường
hợp bà con kiều bào thuộc diện được sở hữu 1 nhà ở đã mua và sở hữu nhà ở tại
Việt Nam. Bên cạnh đó, đã có 121 trường hợp cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà
ở tại Việt Nam theo Nghị quyết số 19/2008/QH12.
Nhiều tồn tại,
bất cập
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục nhà ở và thị trường
bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng vẫn còn nhiều quy định chưa đi vào cuộc
sống, chưa khuyến khích các chủ thể tham gia phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở
xã hội, nhà ở giá rẻ, dẫn đến chưa tạo điều kiện để tăng nguồn cung cho thị
trường, làm cho quan hệ cung- cầu về nhà ở vẫn còn mất cân đối, nhiều bất cập.
Nhiều quy định trong Luật hiện hành còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, cứng nhắc nên
không khả thi nhu quy định về việc quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội,
quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, quy định không
cho phép bán nhà ở xã hội...
Hệ thống pháp luật về nhà ở và kinh doanh
bất động sản còn chưa đồng bộ với pháp luật về đất đai, quy hoạch và tài chính.
Sự chồng chéo, không thống nhất làm cho các cơ quan quản lý khó khăn, lúng túng
trong việc áp dụng pháp luật và gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của
người dân và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất
động sản cũng đã bộc lộ nhiều bất cập như thị trường bất động sản phát triển
không đồng đều và thiếu ổn định, giá bất động sản tăng cao gây ảnh hưởng không
tốt đến việc tạo lập về chỗ ở của người dân; tình hình mất cân đối về tỷ trọng
các loại hàng hoá bất động sản, khoảng cách về điều kiện ở của người dân ngày
càng chênh lệch cao; mô hình tổ chức phát triển kinh doanh bất động sản chưa đáp
ứng được yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; hệ thống
tài chính về bất động sản còn thiếu đồng bộ; các thủ tục hành chính liên quan
đến hoạt động phát triển kinh doanh nhà ở và bất động sản còn rườm rà, phức tạp,
thiếu hệ thống thông tin phục vụ thị trường.
Bênh cạnh đó, cơ cấu, bộ
máy tổ chức quản lý nhà nước về nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản còn
nhiều hạn chế, việc phối kết hợp trong quản lý điều hành thị trường bất động sản
còn chưa tốt; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về
nhà ở, kinh doanh bất động sản chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, cho
rằng Luật Nhà ở chưa có quy định cụ thể để điều tiết thị trường nhà ở, đặc biệt
là điều tiết về giá cả, các phân khúc nhà ở, các loại nhà ở... Bên cạnh đó, thực
trạng của việc quản lý sử dụng nhà ở còn nhiều bất cập, gây xấu mỹ quan đô thị,
tác động tiêu cực đến sự phát triển đô thị văn minh hiện đại. Luật Nhà ở cũng
chưa quy định cụ thể các yêu cầu cho phát triển nhà ở, nhất là việc phát triển
nhà ở của các cá nhân tại khu vực đô thị. Vì vậy, hiện trạng về việc phát triển
nhà ở thiếu quy hoạch, sai quy hoạch, xây dựng, cải tạo không theo đúng thiết
kế, tiêu chuẩn, mỹ quan đô thị đã và đang xảy ra khá phổ biến nhưng cơ quan chức
năng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập
trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Quốc
hội đã giao cho Chính phủ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh
doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua nhằm giải quyết các tồn
tại, bất cập trong các văn bản luật hiện hành. Dự kiến, trong năm 2014, Quốc hội
sẽ xem xét và thông qua hai Luật này và đến năm 2015 sẽ có hiệu lực.
Theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản
được tiến hành trên cơ sở phải đáp ứng cụ thể hóa quan điểm về phát triển nhà ở
nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê
duyệt năm 2011; đồng thời, phải đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy
định của Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan như
Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Luật Đầu tư..
Đối với chính sách nhà ở cho
người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức cá nhân, nước ngoài tại Việt Nam
sẽ điều chỉnh chung trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Cùng với đó, thực hiện cải cách
thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình
đẳng trong hoạt động phát triển, kinh doanh nhà ở và kinh doanh bất động sản./.
Hoàng Anh Tuấn
(TTXVN)