Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 9/7/2009 14:49'(GMT+7)

Sơn La: Chỉ có 3% người nhiễm HIV/AIDS được điều trị

Nhiều người dân (nhất là bà con dân tộc thiểu số) không có điều kiện tiếp cận với thuốc đặc trị HIV/AIDS - Ảnh minh hoạ.

Nhiều người dân (nhất là bà con dân tộc thiểu số) không có điều kiện tiếp cận với thuốc đặc trị HIV/AIDS - Ảnh minh hoạ.

Nếu như năm 1999, huyện Mộc Châu phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, thì 6 năm sau (2005), con số này mới chỉ là 30, nhưng đến tháng 6/2009, ghi nhận tới 560 trường hợp, trong đó hơn 100 người đã chuyển sang AIDS, hàng chục người đã tử vong.

Từ 2 thị trấn Nông Trường và thị trấn Mộc Châu có bệnh nhân HIV, đến nay HIV/AIDS đã lây lan 23/27 xã, thị trấn của huyện Mộc Châu. Đáng lo ngại, trong khi số bệnh nhân nhiễm HIV chưa giảm thì tệ nạn nghiện hút ma túy (chủ yếu bằng tiêm chích), mại dâm vẫn đang tồn tại và chưa bị đẩy lùi.

Huyện Mộc Châu có hơn 2.000 con nghiện; số gái mại dâm chưa có thống kê chính xác, nhưng số đối tượng được Trung tâm Y tế dự phòng thường xuyên tiếp cận để tuyên truyền và phát không bao cao su là trên 100. Từ nhiều năm nay, thị trấn Nông Trường được mệnh danh là "thánh địa của đệ tử cái chết trắng và nàng tiên nâu"; địa bàn thị trấn trải dài có mấy kilômét vuông trên các đồi chè xanh mướt, nhưng có hơn 300 người nghiện ma túy, hơn 100 người có HIV...

Thuốc đặc trị HIV/AIDS được dùng phổ biến trên thế giới và Việt Nam hiện nay là ARV. Đây là thuốc kháng vi rút, có tác dụng làm giảm tối đa, ngăn chặn lâu dài sự nhân lên của vi rút nhằm cải thiện sức khỏe và kéo dài thời gian sống cho những người có HIV/AIDS. ARV là loại thuốc khá đắt tiền (chi phí từ 3 - 4 triệu đồng/tháng/người bệnh) và số lượng hạn chế nên người bệnh bắt buộc phải làm một số xét nghiệm cần thiết và phải tuân thủ quá trình uống thuốc nghiêm ngặt.

Hiện nay, ở Mộc Châu thuốc đặc trị ARV được cấp miễn phí theo dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Mộc Châu cho biết, trong số 560 người có HIV/AIDS, thời điểm hiện tại mới chỉ có 16 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Theo quy định của Bộ Y tế, đối tượng được cấp thuốc (miễn phí) là những bệnh nhân đủ tiêu chuẩn theo quy định chuyên môn (giai đoạn lâm sàng IV hoặc số lượng tế bào CD4 dưới 50 TB/mm3; tình trạng bệnh nặng, số lượng CD4 <200 TB/mm3...). Chính điều này đã "làm khó" cho việc triển khai dự án điều trị dưới cơ sở.

Bác sỹ Lê Văn Thành thừa nhận; đây là giai đoạn bệnh nhân đã chuyển sang AIDS, cơ thể suy kiệt, rất khó điều trị thành công nếu không tuân thủ phác đồ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc phải khai báo nhân thân, có hồ sơ bệnh án và chịu sự kiểm soát (về phác đồ điều trị) tại bệnh viện. Trước tâm lý kì thị với người có HIV hiện nay, rất ít người bệnh dám công khai danh tính để điều trị. Chưa kể, trước khi được dùng thuốc ARV, người bệnh phải bỏ hàng trăm ngàn chi phí cho các xét nghiệm, hầu hết những người có HIV/AIDS ở Mộc Châu đều đang trong hoàn cảnh cùng kiệt, nhiều người bệnh và gia đình dù có muốn cũng đành bó tay chịu chết.

Luật Phòng chống HIV/AIDS (có hiệu lực từ ngày 1/1/2007) quy định bảo hiểm y tế sẽ chi trả một phần cho những người có HIV/AIDS; chiến lược tổng thể phòng chống HIV/AIDS quốc gia đến năm sau (2010), phấn đấu 70% bệnh nhân tiếp cận với thuốc ARV, nhưng nếu không có những điều chỉnh về cơ chế, có chính sách hỗ trợ người nghèo có HIV/AIDS, thì mục tiêu này đối với Sơn La nói chung, huyện Mộc Châu nói riêng e khó thành hiện thực.

CAND Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất