(TCTG)-Nhận rõ ưu thế đặc biệt và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, trong suốt thời kỳ xây dựng và phát triển, nhất là trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Sơn La đã rất quan tâm, chú trọng công tác này.
Sự ra đời, hình thành và phát triển của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sơn La luôn gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong đó đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn là lực lượng nòng cốt tham gia vào công tác chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nhận rõ ưu thế đặc biệt và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, trong suốt thời kỳ xây dựng và phát triển, nhất là trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Sơn La đã rất quan tâm, chú trọng công tác này. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15.10.2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong thời kỳ mới”, Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 02.4.2008 quán triệt, triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư; tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 03.8.1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tổ chức đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng”, 10 năm thực hiện Thông báo số 71-TB/TW ngày 7.6.1997 của Thường vụ Bộ Chính trị “về việc tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác tuyên truyền miệng”; ban hành Kết luận số 594-KL/TU ngày 29.4.2008 về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng; Thông báo số 1402-TB/TU ngày 18.3.2009 về việc thực hiện Thông báo kết luận số 225-TB/TW ngày 03.3.2009 của Ban Bí thư Trung ương về cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền; Chỉ thị số 49-CT/TU ngày 14.4.2010 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong những năm tới.
Hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên được tổ chức và thường xuyên kiện toàn ở tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các lực lượng vũ trang từ tỉnh, huyện đến cơ sở xã, phường, đáp ứng nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Trong điều kiện thuận lợi, hay khó khăn, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia tích cực các phong trào ở cơ sở và luôn là lực lượng nòng cốt chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình cảm, diễn biến tư tưởng và làm tốt công tác vận động nhân dân đấu tranh giữ vững an ninh - quốc phòng và an ninh biên giới; đấu tranh với các phần tử phản động lợi dụng truyền đạo, học đạo trái pháp luật chống phá Đảng và Nhà nước ta; đã và đang góp phần quan trọng đưa Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thấm sâu, lan toả tới mọi tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động báo cáo viên, công tác tuyên truyền miệng, sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được chỉ đạo bổ sung, kiện toàn kịp thời, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và tính hiệu quả, chất lượng cao hơn hẳn các khoá trước. Riêng đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh được mở rộng thêm ở một số ban, ngành (tăng hơn khoá trước 12 đồng chí). Ban Thường vụ tỉnh uỷ tiếp tục ban hành các quyết định về bổ sung đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh; Qui chế cung cấp thông tin và Qui chế hoạt động báo cáo viên, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với hoạt động báo cáo viên và trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng.
Hiện nay toàn tỉnh có 1.508 báo cáo viên (5 đồng chí là báo cáo viên Trung ương, 51 đồng chí là báo cáo viên cấp tỉnh), 2052 tuyên truyền viên; Báo cáo viên, tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số chiếm 63,69%; trình độ lý luận cao cấp - cử nhân chiếm 28,43%, trình độ chuyên môn đại học - trên đại học chiếm 47,82%.
Có thể khẳng định rằng đội ngũ báo cáo viên của tỉnh hiện nay có năng lực báo cáo, có phẩm chất chính trị, được đào tạo cơ bản, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ đã ban hành và tham mưu ban hành được 12 loại văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên (trong đó tham mưu với Ban Thường vụ tỉnh uỷ ban hành 03 văn bản).
Công tác tuyên giáo đã hướng mạnh về cơ sở, từng bước kiện toàn nâng cao chất lượng tuyên truyền của hệ thống tuyên giáo cơ sở và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ đã tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chỉ đạo duy trì, tổ chức đều đặn hội nghị báo cáo viên các cấp; thực hiện thông tin nhiều chiều, tích cực đối thoại trong tuyên truyền miệng, giải đáp những vấn đề bức xúc đặt ra từ cuộc sống, góp phần xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Toàn tỉnh tổ chức được 55 kỳ Hội nghị báo cáo viên, trong đó số hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh có 6 kỳ với 24 chuyên đề được báo cáo. Số hội nghị báo cáo viên cấp huyện có 49 kỳ với 147 chuyên đề được báo cáo, cho 7.067 lượt các đồng chí báo cáo viên cấp huyện và cơ sở dự nghe, tiếp thu (tăng 20 kỳ so với cùng kỳ năm 2010); kịp thời cung cấp tài liệu và các thông tin định hướng để báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng tại cơ sở, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Phương pháp truyền đạt báo cáo tại các hội nghị báo cáo viên được cải tiến, việc sử dụng máy chiếu hỗ trợ được quan tâm nhiều hơn, đề cương chuyên đề được soạn thảo kỹ và sát thực hơn, làm tăng tính hấp dẫn của chương trình; chất lượng báo cáo tại các hội nghị báo cáo viên cũng được nâng lên một bước.
Bối cảnh đất nước và của tỉnh trong thời gian tới đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn cho công tác tuyên truyền miệng của Đảng, đồng thời cũng đặt ra những trọng trách rất lớn đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đòi hỏi hoạt động báo cáo viên, công tác tuyên truyền miệng cần phải tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả, do đó rất cần được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ báo cáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ./.
Vũ Thị Hoa
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Sơn La