Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 26/7/2021 15:35'(GMT+7)

Sơn Tùng - nhà văn, người cộng sản anh hùng

Nhà văn Sơn Tùng. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhà văn Sơn Tùng. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhà văn, Nhà báo, Người cộng sản, Anh hùng Lao động, Thương binh 1/4 Bùi Sơn Tùng (tên quen gọi là Sơn Tùng) vừa lặng lẽ từ giã người thân, bạn bè, đồng nghiệp, công chúng để về cõi trường sinh lúc 23 giờ 5 phút ngày 22 tháng 7 năm 2021. Sự ra đi của ông để lại trong chúng ta bao niềm xúc động, yêu kính, tự hào và cả những suy ngẫm, trăn trở.

Nhà văn Sơn Tùng sinh ngày mồng 8 tháng 8 năm 1928, tại làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước, cách mạng. Cha ông làm Bí thư chi bộ đầu tiên của xã từ năm 1930, mẹ ông vừa nuôi giấu cán bộ của Đảng, vừa giáo dục các con lòng yêu nước, thương nòi, căm thù quân xâm lược. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình ấy có bảy người con đều là đảng viên cộng sản, trong đó có một liệt sỹ và ông - một thương binh đặc biệt 1/4.

Ngay từ năm 1944, mới 16 tuổi, Sơn Tùng được giao làm giao thông bí mật cho Việt Minh. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Sơn Tùng làm Bí thư chi đoàn Thanh niên Cứu quốc của xã, năm sau làm Ủy viên Thanh niên Cứu quốc của huyện. Năm 1948, tròn hai mươi tuổi, Sơn Tùng vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông tiếp tục tham gia cách mạng ở các cương vị khác nhau ở Nghệ An cho đến cuối năm 1954 được cử ra Hà Nội học đại học. Tháng 6 đến tháng 11 năm 1955, ông được cử làm Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ V tại Ba Lan và được ghé thăm Liên Xô, Trung Quốc. Tốt nghiệp đại học, ông được điều về Phú Thọ rồi về lại Hà Nội làm giảng viên khoa Báo chí, trường Tuyên giáo Trung ương.

Chặng đường tiếp theo, ông là phóng viên Báo Nông nghiệp, báo Tiền Phong, vào tuyến lửa khu Bốn thường trú để viết báo. Trước cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Sơn Tùng cùng đồng chí, đồng nghiệp vượt Trường Sơn vào chiến trường B2, miền Đông Nam bộ để thành lập Báo Thanh niên Giải phóng và phụ trách báo này. Ngày 15 tháng 4 năm 1971, trong một trận càn của Mỹ ngụy vào căn cứ của đơn vị, ông bị thương nặng liệt tay phải, vỡ xương vai và xương tay trái, ba mảnh đạn găm vào sọ não không thể mổ để lấy ra, mắt phải bị trọng thương thị lực chỉ còn 1/10. Bằng nhiều phương tiện vận chuyển, qua nhiều cung đường, dưới mưa bom bão đạn, ông được đưa ra miền Bắc để cứu chữa. Cuối năm 1979, ông nghỉ hưu với Thẻ thương binh xếp loại thương tật cao nhất là 1/4, mất 81% sức khỏe.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, Bùi Sơn Tùng tiếp tục viết báo và dũng cảm bước vào nghiệp văn mà ông đã ấp ủ nhiều năm trước. Nhà báo, nhà văn là thương binh nặng ấy đã ráng chịu nhiều đau đớn do thương tật, tự tập thiền, luyện khí công, đi thực tế nhiều nơi để sống và viết về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, của Dân. Phải qua hơn 10 năm trời khổ luyện trong đau đớn thân xác, những cơn động kinh khi thời tiết thay đổi, ông cố cắn răng viết những tác phẩm gan ruột của mình. Rất nhiều lúc, ông phải nhờ vợ con dùng dây cao su buộc ngón tay cái và ngón tay giữa để cầm được cây bút. Nếu ai đó ví nhà văn Sơn Tùng như là nhà văn Nga Nhicôlai Ôxtơrôpxki, tác giả huyền thoại của tiểu thuyết bất hủ “Thép đã tôi thế đấy” thì điều đó đúng gần tuyệt đối.

Cả cuộc đời lao động, chiến đấu và sáng tạo văn nghệ, báo chí của mình, nhà văn Sơn Tùng dành nhiều công sức, tài năng và tâm huyết cho đề tài Hồ Chí Minh, xây dựng và lan tỏa hình tượng Hồ Chí Minh cả trong và ngoài nước. Ông viết về Bác Hồ với mấy tư cách, mấy giác độ: Nhà nghiên cứu lịch sử; Nhà nghiên cứu văn hóa; Nhà văn - người cộng sản; Một thương binh đặc biệt, lao động trong một hoàn cảnh đặc biệt. Hồ Chí Minh trong tác phẩm của ông ở các thời kỳ thơ ấu, sống ở quê, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ; thời kỳ trưởng thành ở kinh đô Huế, Bình Định, Bình Thuận, Sài Gòn; thời kỳ Người bôn ba bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, cứu dân; thời kỳ Người là lãnh tụ yêu kính, giản dị của Đảng, của dân tộc; Người là kết tinh văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa thế giới, một người hiền của nhân loại.

Ở các tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, nhà văn Sơn Tùng đã dày công sưu tầm tư liệu, kiểm chứng tính xác thực, gặp gỡ nhân chứng, chọn lọc chi tiết, có biệt tài trong xây dựng hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành và thân phụ, thân mẫu của Người - cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Hoàng Thị Loan cùng người anh, người chị yêu quý - chị Nguyễn Thị Thanh, anh Nguyễn Sinh Khiêm và nhiều nhân vật khác, nhiều sự kiện trong một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc. Đây là đề tài lớn lao, hình tượng cao đẹp, thiêng liêng, giản dị, sinh động và xúc động, ít có ai có thể đạt được thành công và dấu ấn đặc biệt như Sơn Tùng.

Sơn Tùng để lại một di sản văn chương đồ sộ đáng tự hào với hàng chục tác phẩm, trong đó có 21 tác phẩm tiêu biểu. Tiểu thuyết “Búp sen xanh” là tác phẩm tiêu biểu nhất, thành công nhất. Đến nay, “Búp sen xanh” đã được tái bản và nối bản 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó là các tác phẩm “Bông sen vàng”, “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Bác về”, “Từ làng Sen”, “Bác Hồ cầu hiền tài”, “Hoa râm bụt”, “Bác ở nơi đây”, “Bên khung cửa sổ”, “Nhớ nguồn”, “Kỷ niệm tháng Năm”, “Con người và con đường”, “Trần Phú”, “Nguyễn Hữu Tiến”, “Vườn nắng”, “Trái tim quả đất”, “Mẹ về”, “Lõm”, kịch bản điện ảnh “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”, xấp xỉ một trăm bài thơ, trong đó, bài thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ” được phổ nhạc và sống mãi cùng năm tháng… Hai năm 2019, 2020, nhà xuất bản Văn học giới thiệu “Tuyển tập truyện và ký về Hồ Chí Minh” (quyển 1, quyển 2) của Sơn Tùng, là hai tác phẩm quý sau cùng của ông.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về nhà văn Sơn Tùng: “Đó là một con người có trí mệnh… Một con người có chí hướng cách mạng, là một đảng viên trung kiên… Anh là một học trò xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Còn đối với riêng tôi, anh là một người bạn chí thiết”. Học giả Phan Ngọc viết về ông: “Sơn Tùng là nhà văn theo kiểu riêng. Loại nhà văn nghệ sỹ và nhà nghiên cứu không xem công việc của mình là một cái nghề qua đó người ta kiếm sống, giàu có và nổi danh. Đây chẳng qua là tiếp tục con đường cách mạng mà cả dân tộc đã dấn thân vào và hàng triệu người đã ngã xuống”.

Bên cạnh di sản văn chương đồ sộ và vô giá ấy, danh hiệu hết sức cao quý Anh hùng Lao động mà Đảng, Nhà nước phong tặng ông năm 2011, và là thương binh nặng 1/4, nhà văn Sơn Tùng và gia đình ông đã sống một cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng giàu tình nghĩa, đầy chất nhân văn, lòng tự trọng và sự cao thượng. Sau khi tác phẩm “Búp sen xanh” ra đời và ngay lập tức gây được tiếng vang lớn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng biết hoàn cảnh rất khó khăn của nhà văn - thương binh nặng Sơn Tùng, Thủ tướng nêu ý định cùng Thành phố Hà Nội cấp một căn hộ tập thể cho ông. Nhà văn Sơn Tùng chân thành cảm ơn và thưa nhỏ với Thủ tướng xin chưa dám nhận món quà quý đó. Sau này, ông nói riêng với vợ con, ông không muốn ai đó cho rằng vì viết về lãnh tụ mà tác giả được ưu ái.

Khoảng cuối năm 1991, Thành đoàn Hà Nội, quận Đống Đa, phường Văn Chương lại có nhã ý giúp ông và gia đình một chỗ ở kha khá hơn trước. Chủ trương là vậy, nhưng khi bắt tay thực hiện thì ông lại bàn với vợ con là nhà mình ở căn hộ này tuy nhỏ hẹp những đã quá thân quen. Ta trân trọng cảm ơn các cơ quan và đề nghị bố trí cho gia đình nào đó khó khăn hơn. Nhà văn Sơn Tùng là vậy, nghe những chuyện về ông, nơi tá túc của gia đình ông, dường như khó tin. Có người gọi ông là “lập dị”, là “Ông đồ gàn xứ Nghệ”, chắc có căn cớ từ vài câu chuyện vừa kể. Chỉ những người thân cận ông, hiểu, quý mến và kính trọng ông thì không coi đó là sự lạ, mà là sự thường, sự bình dị vốn có của ông.

Ông chưa bao giờ có chút mảy may công thần, không kêu ca, phàn nàn, trách cứ ai. Gia đình ông, cho đến phút ông ra đi vẫn ở trong căn phòng tập thể chật chội 21 m2, được xây dựng từ năm 1960, không có công trình phụ, và dĩ nhiên, không có bình nóng lạnh. Nhiều người gọi ông là nhà văn đặc biệt, nhà văn phi thường; người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một thương binh đặc biệt ngoại trú ở nơi đặc biệt nửa sau cuộc đời. Từ ngày ông bị trọng thương, rồi 11 năm gần đây bị thêm tai biến nặng, phải nằm liệt giường, việc chăm sóc ông luôn là bà Hồng Mai - vợ ông và người con trai Bùi Sơn Định. Ông là chỗ dựa tinh thần vững chãi, tự hào của họ, họ là nguồn sức mạnh, là lương y và thư kí thân thương, tin cậy của ông.

Chúng tôi - lớp con cháu, lớp đồng nghiệp ít tuổi gần gũi của ông và gia đình ông những năm tháng ông bị trọng bệnh. Những người cầm bút luôn coi ông là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực; sức lao động và năng lượng sáng tạo dường như vô hạn; tài năng và nghị lực phi thường; nhân cách và bản lĩnh cao cả, đẹp đẽ. Nghĩ về ông, soi lại mình, nhiều khi thấy nghèn nghẹn yêu thương, tự hào, khâm phục, lại có cả phần đắng đót, xấu hổ vì còn khá nhiều điều chưa xứng đáng với ông, với bao người đã hy sinh, đã mất mát vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhà văn Sơn Tùng cả đời học tập và làm theo Bác Hồ, đến lượt, ông là tấm gương để nhiều người, nhất là giới trẻ, các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, văn nghệ sỹ... noi theo, làm theo.

Xin vĩnh biệt Nhà văn phi thường Sơn Tùng, Anh hùng Sơn Tùng, Người cộng sản Sơn Tùng kính quý !./.

PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình
Văn học, nghệ thuật Trung ương

(Nguồn: nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất