Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 22/7/2012 8:22'(GMT+7)

Sống mãi tuổi hai mươi...

Lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Quảng Trị thả bè hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn. Ảnh: NGUYỄN VĂN HAI

Lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Quảng Trị thả bè hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn. Ảnh: NGUYỄN VĂN HAI

"Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm..."

Thành cổ Quảng Trị, mùa hè năm 1972 được gọi là "mùa hè đỏ lửa". Số quân Mỹ - ngụy tại đây vào thời điểm cao nhất gấp đến ba lần số dân của tỉnh lúc bấy giờ. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom, 1 triệu 230 nghìn 328 viên đạn pháo các loại và hơn 2.000 lượt máy bay bắn phá, sức công phá tổng cộng gấp bảy lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945. Trung bình mỗi chiến sĩ ở đây mỗi ngày đêm phải hứng chịu khoảng 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ đã trở thành 81 ngày đêm huyền thoại, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Và trong 81 ngày đêm ấy, dòng sông Thạch Hãn đã là chứng nhân của bao cuộc chuyển quân vào tiếp viện cho Thành cổ. Thuật lại câu chuyện chiến đấu bảo vệ Thành cổ, anh hướng dẫn viên xúc động nghẹn lời: Cứ mỗi đêm có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện cho Thành cổ thì đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Bao chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông. Và đến khi anh hướng dẫn viên đọc bốn câu thơ: "Ðò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm" thì nhiều người đã lau nước mắt. Tác giả của bốn câu thơ nổi tiếng này - nhà báo Lê Bá Dương cũng có mặt ở Thành cổ lúc đó. Anh đứng lặng ở một góc và cũng lặng lẽ lau nước mắt. Buổi chiều Thành cổ, nắng đã tắt. Chỉ có gió vẫn đong đưa những vạt cỏ mềm, tôi hỏi anh Dương: Bốn câu thơ của anh được ví như bia đá khắc vào lòng sông Thạch Hãn. Cảm xúc nào khiến anh có những dòng thơ lay động lòng người đến thế? Anh trầm ngâm: "Bài thơ đó viết chiều 27-7-1987. Hôm đó, sau lễ hương hoa cho đồng bào, đồng đội, tôi một mình ngồi lặng lẽ bên bờ sông Thạch Hãn, chợt thấy từng chiếc thuyền của cô bác ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng khi nghĩ tới bạn bè, đồng đội còn gửi thân xác vào đáy sông mà thấy xót xa. Cứ vậy từng lời như trong ngực tôi mà thốt ra thành câu, thành chữ, thành bài thơ - đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính với mọi người trong dòng đời xuôi ngược". Thơ cất ra từ tiếng lòng riêng tư gửi những đồng đội của tác giả nhưng tôi biết, những câu thơ ấy của anh Dương đã đưa nhiều người về với Quảng Trị để tri ân các anh hùng liệt sĩ vĩnh viễn nằm xuống tại đất này. Và về bên dòng sông Thạch Hãn, thả hoa tưởng nhớ những chiến sĩ tuổi hai mươi...

"Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau"

"Toàn thể gia đình kính thương! Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất"... Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau". Ðó là những dòng trong lá thư chưa kịp gửi của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trước khi vào chiến trường Quảng Trị, anh là sinh viên năm thứ tư, Khoa Xây dựng, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Anh viết bức thư này vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử, viết bằng dự cảm của một người biết trước mình sẽ hy sinh trong thời điểm mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tận cùng. Lá thư ấy mãi sau này mới được tìm thấy và giờ được trưng bày tại nhà bảo tàng trong khuôn viên Thành cổ. Và còn nhiều những bức thư khác đang được lưu giữ ở đó, cho các thế hệ đi sau hiểu hơn về những chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi đã mãi mãi ra đi như thế. Hôm đó, tôi gặp một đoàn các em học sinh, sinh viên thuộc Câu lạc bộ "Kết nối trái tim" từ Hà Nội vào dâng hương tại đài tưởng niệm và thăm viếng nhà bảo tàng. Các em cũng ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, dường như thế mà khi nghe những bức thư này, các em đều lặng đi. Em Thủy - một thành viên trong câu lạc bộ chia sẻ: Lần đầu em vào Quảng Trị, được tận mắt thấy những di vật của chiến sĩ, nhất là sau khi đọc những bức thư này, chúng em nghĩ nhất định phải sống tốt hơn. Bằng tuổi chúng em các anh đã hy sinh cho Tổ quốc thì chúng em cũng phải gắng sức mình làm những việc có ích...". Suy nghĩ của em khiến tôi nghĩ đến lời của Hoàng Kim Hải, đang làm việc tại Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. 30 tuổi, nhưng Hải đã có tám năm gắn bó với công việc này. Ngày ngày quét dọn nghĩa trang và chăm lo phần mộ cho các liệt sĩ, Hải tâm sự: Hồi đầu mới làm việc ở đây buồn lắm. Nhiều khi cũng muốn quay về thành phố kiếm việc, nhưng thời gian trôi qua, được sự động viên của mọi người, giờ thấy gắn bó hơn.

Không chỉ tuổi trẻ đất nước hôm nay xúc động nghẹn ngào với những di vật của các chiến sĩ năm xưa, mà theo lời các hướng dẫn viên thì nhiều cựu binh Mỹ đến đây, khi nghe dịch những bức thư này đều nghiêng mình và thấu hiểu vì sao Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức. Vì những người lính đã biết trước tất cả và hy sinh tất cả.

Mãi tri ân những người quên mình vì đất nước

Trên mảnh đất Quảng Trị hôm nay, có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9, mỗi nghĩa trang quy tụ hơn mười nghìn liệt sĩ. Riêng Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn được coi là hai nghĩa trang đặc biệt nhất, vì dù không có nấm mộ nào, không có tấm bia nào nhưng chôn giấu bao xương cốt của chiến sĩ khắp mọi miền đất nước. Theo Ban quản lý di tích Thành cổ, Thành cổ Quảng Trị được liệt vào di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng của cả nước và được Nhà nước quan tâm đầu tư. Với dự án 240 tỷ đồng giai đoạn hai khởi công vào tháng 1 năm 2010, nơi đây được xây dựng thành một di tích tâm linh, nơi tưởng niệm và tri ân các chiến sĩ giải phóng quân. Ðồng thời là một địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất tại Thành cổ Quảng Trị cho đến tận ngày hôm nay là vấn đề hài cốt liệt sĩ. Hiện vẫn còn nhiều gia đình, vẫn còn những người mẹ, người vợ, những người con hằng năm trở lại nơi này mong muốn tìm được hài cốt người thân đưa về an táng tại quê nhà. Trong quá trình tôn tạo di tích, ban quản lý cố gắng hết sức tìm hài cốt nguyên vẹn của các anh hùng liệt sĩ nhưng dường như không còn nữa. Bom đạn khốc liệt đã cày nát tất cả, xương thịt các anh đến nay đã hòa vào lòng đất thiêng. Chỉ có tấm gương oanh liệt và những câu chuyện kể về những người chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng là sống mãi với thời gian, trong lòng Tổ quốc.

Lùi lại 40 năm lịch sử để thấy sự khốc liệt của cuộc chiến năm 1972. Thành cổ hôm nay cỏ đã lên xanh và dòng sông Thạch Hãn 40 năm sau vẫn thao thiết chảy dưới sắc xanh trong của mây trời Quảng Trị. Càng thấy thấm thía hơn công ơn của một thế hệ mãi mãi tuổi hai mươi, một thế hệ đã quên mình vì đất nước với những khát khao thật lớn lao như những dòng thơ của nhà thơ Thanh Thảo: "Chúng tôi ra đi không tiếc đời mình/Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?...". Bởi vậy, hơn ai hết, chính các anh vẫn sống mãi tuổi hai mươi, mãi được tri ân trong lòng dân tộc./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất