40 năm tròn đã đi qua kể từ thời điểm mở đầu sự kiện ấy, tháng 6-1968, và cho đến đầu tháng 8-1969, Bác còn nghe đồng chí Hà Huy Giáp báo cáo, đây là lần thứ 22, Bác nghe báo cáo và cho ý kiến về những điều đã được bàn luận và thực hiện sau đó. Đó là việc nêu gương Người tốt việc tốt và biên soạn phát hành rộng rãi những tập sách Người tốt việc tốt để “mọi người có ý thức làm theo và làm hơn thế”, như lời căn dặn của Bác.
Những điều Bác nói, những ý kiến Bác phát biểu, bàn luận trong những ngày tháng 6-1968 sau này đã được ghi lại thành văn bản, đăng báo, in trong nhiều tập sách và đưa vào Tuyển tập Hồ Chí Minh với tựa đề “Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt”(1). Trong bài nói này của Bác có đoạn:
“- Các chú có biết nhân dân ta sống với nhau như thế nào không? (một đồng chí trả lời – Thưa Bác, nhân dân ta có câu “tối lửa tắt đèn có nhau”).
- Đúng là như vậy! Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa là như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, định nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu, bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao lại là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được!... Mấy chục năm nay, nhân dân ta thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin bằng cách ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng và sống với nhau có tình có nghĩa. Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin thiết thực nhất”…(2).
Như vậy chỉ trong một đoạn văn ghi lại lời Bác, dài hơn 100 chữ, đã có 7 lần Bác nhắc đến “tình nghĩa”, trong đó có 4 lần Bác sử dụng mệnh đề “Sống với nhau có tình có nghĩa”; đồng thời cũng 4 lần Bác nói về “chủ nghĩa Mác-Lênin” từ hiểu đến thực hành, tuyên truyền, giáo dục. Đây không phải là phép điệp từ của tu từ học thông thường mà là một sự chủ ý nhấn mạnh, khẳng định, thể hiện nỗi niềm đau đáu trong suy tư và mong đợi của Hồ Chí Minh về học tập, hiểu biết thực hành lý luận cách mạng, rèn luyện tư cách đạo đức của người cách mạng, của cán bộ đảng viên, điều mà Người đã nêu ra trong bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng được mở ra ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 – 1928 nhằm chuẩn bị về tư tưởng và lý luận, lực lượng và tổ chức cho sự thành lập Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc đi lên con đường đấu tranh cách mạng, triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Trở lại với đoạn văn trích, lời Bác Hồ nói, tháng 6-1968, chúng ta thấy, trước hết Bác khẳng định: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa” cũng tức là “Sống với nhau có tình có nghĩa” đã trở thành giá trị truyền thống, đạo lý làm người tốt đẹp của nhân dân ta. Lời Bác nói cũng chính là ngôn ngữ thường ngày của mỗi người dân Việt, truyền đời, tiếp nối qua bao thế hệ. “Sống với nhau có tình có nghĩa” từ trong suy tư được thể hiện ra thành lời nói, việc làm, hướng nội và hướng ngoại, tự nhủ và khuyên bảo nhau, là mệnh lệnh của lương tâm, trái tim cá nhân và là sức mạnh của dư luận xã hội mang ý nghĩa bình phẩm, đánh giá, phê phán điều chỉnh ý nghĩa, thái độ, hành vi ứng xử của mỗi người. Thay vì là những phạm trù đạo đức vốn mang tính trừu tượng, lý thuyết sách vở, chẳng hạn như Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín cần rất nhiều sự diễn giải, biện luận thì “Sống với nhau có tình có nghĩa” lại như những gì diễn ra trong cuộc sống thực sinh động, cụ thể, trực tiếp với sự trải nghiệm của mỗi người khi sống với nhau có tình có nghĩa, mình sống có tình có nghica với mọi người và mọi người sống có tình có nghĩa với bản thân mình, ngược lại sẽ là vô tâm, vô tình, vô cảm, thờ ơ, hững hờ, bạc nghĩa, bội nghĩa, ăn cháo đá bát, rút ván qua cầu.
Bởi sống có tình là yêu mến gắn bó giữa người với người, bằng sự tinh tế, tế nhị duyên dáng, dễ cảm, dễ mến, trong sự đa dạng và nhiều chiều kích, tầng bậc trong đời sống tình cảm của con người, vui và bồn, yêu và ghét, giận, sợ cùng những ham muốn. Đồng thời đời sống tình cảm của con người, sống có tình của con người không chỉ là những phản ánh tâm lý thông qua lăng kích nhu cầu có tính bản năng. Cả tình cảm và nhu cầu của con người đều có nguồn gốc xã hội và mang tính lịch sử, tức là nó chịu sự định hướng, điều chỉnh bởi các chuẩn mực xã hội, cái mà ta gọi là nghĩa. Nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội; nghĩa còn là quan hệ tình cảm thủy chung, phù hợp với những quan niệm đạo đức nhất định. Nghĩa trước hết là nghĩa vụ.
Sống với nhau có tình có nghĩa trong các quan hệ xã hội hiện thực của mỗi con người, từ tuổi thơ, trong suốt cả cuộc đời, trong gia đình vợ – chồng, cha mẹ – con cái, ông bà – cháu, anh chị em; ngoài xã hôi là xóm làng, đến trường học là thầy trò, bạn đồng học – đồng môn, đi làm là đồng nghiệp. Mỗi người thực hiện đúng bổn phận của mình cũng là làm tròn nghĩa vụ của mình, tạo nên sự cố kết xã hội, bền chặt để vượt qua những thử thách do thiên tai, địch họa, cả những rủi ro, sa sẩy của mỗi cá nhân. Tình sâu nghĩa nặng là như vậy, cho nên cho dù sống với nhau chỉ là một ngày thì cũng “một ngày nên nghĩa”, và nếu như vì một lý do nào đó mà cái tình phải đứt đoạn thì cái nghĩa vẫn còn để con người chẳng thể nào quên được tình xưa, nghĩa cũ, để con người luôn nghĩ và làm sao có thể đáp nghĩa đền ơn, và do vậy càng sống với nhau có nghĩa có tình, trọn nghĩa vẹn tình.
Khẳng định rằng “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa”, Hồ Chí Minh đồng thời cũng khẳng định rằng: “Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào – đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”. Luận điểm này của Hồ Chí Minh thể hiện sự thấu triệt cái giá trị cốt lõi dân tộc – nhân văn trong sứ mạng lãnh đạo và giáo dục quần chúng của Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam. Không xa rời cái căn cốt nhân văn và dân tộc, để giữ gìn, tiếp nối, nâng cao, hoàn thiện hệ giá trị truyền thống theo chủ nghĩa Mác-Lênin, hệ tư tưởng của thời đại. Đây chính là cuộc gặp gỡ kỳ diệu, tất yếu, tự nhiên giữa đạo lý làm người cuả dân tộc Việt Nam với tinh hoa trí tuệ của nhân loại trong thời đại cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, nô dịch, thông qua sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng ta, một Đảng luôn gương cao ngọn cờ dân tộc, đại diện cho những khát vọng lớn lao của toan dân tộc, của mỗi người Việt Nam là xây dựng xã hội mới, trong đó mỗi người sống với nhau có tình có nghĩa, càng cao đẹp hơn. Vì thế, học, hiểu thực hành chủ nghĩa Mác-Lênin là sống với nhau có tình có nghĩa, như điều Hồ Chí Minh khẳng định nếu thuộc bao nhiêu sách mà không sống có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được. Đồng thời Hồ Chí Minh cũng khẳng định “phải ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng, hai mặt vốn có, bổ sung cho nhau tạo thành đời sống hiện thực của con người đó là hoạt động và quan hệ xã hội.
Hồ Chí Minh đã nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Đây cũng là định hướng cơ bản cho việc đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học và giáo dục trong các trường học. Mỗi người chúng ta đang “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, đạo đức Hồ Chí Minh đó là ‘sống với nhau có tình có nghĩa và là ra sức làm tròn nhiệm vụ cách mạng. Thấm nhuần những lời khuyên bảo của Bác Hồ, chúng ta càng sáng tỏ hơn những vấn đề cơ bản của cuộc vận động lớn, từ mục tiêu đến nội dung, từ cách thức đến phương pháp, để qua cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người sống với nhau có tình có nghĩa càng cao đẹp hơn, và làm tròn nhiệm vụ cách mạng./.
Nguyễn Đức Thạc
Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội
———————
(1), (2) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, t.2, Nxb ST, H, 1980, tr.477-493, 486-487
(3) Sđd, t.1, tr.208