Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 18/12/2008 11:29'(GMT+7)

Nhân cách Hồ Chí Minh – những giá trị thiết yếu trong hệ giá trị Việt Nam

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất thiết thực khi Cuộc vận động đã chuyển trọng tâm sang bước làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đây là vấn đề rất rộng, bài này chỉ xin đề cập tới 2 vấn đề: Một số nét tổng quan về một số ý kiến đã viết và nói về nhân cách Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh và tâm lý học nhân cách.

I. Vài nét tổng quan

1. Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến hàng trăm, hàng ngàn bài và sách, muốn có một tổng quan tương đối đầy đủ, phải có hẳn một đề tài hay chuyên khảo. Trong số những tài liệu đọc được, tôi tâm đắc nhất là tác phẩm “Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” của Cố Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng công bố năm 1990 (Phạm Văn Đồng, 1990)(1); tác phẩm viết với tầm khoa học cực kỳ uyên bác, phân tích, khái quát hết sức sâu sắc của một nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước vừa là người học trò, lại là người cộng sự, về vị lãnh tụ với lòng kính trọng vô hạn; tác giả là một người đã sống và làm việc với Hồ Chủ tịch trên dưới một phần tư thế kỷ (từ giữa những năm 40 đến năm 1969, đấy là không kể năm 1926 tác giả đã tham dự một lớp học do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy ở Quảng Châu), nhiều khi hàng ngày cùng ăn, cùng truyện trò tâm tình với Chủ tịch, có dịp quan sát rất kỹ lưỡng, tinh tế, tình cảm rất sâu nặng, theo quan niệm nhân cách là hành động, phương pháp đánh giá nhân cách qua hành động, căn cứ vào chỗ “Suốt đời mình, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chân thực”, - Phạm Văn Đồng nhận xét như vậy và kể thêm rằng, từ những ngày học năm 1926 đến những lần gặp giữa những năm 1940, rồi suốt 24 năm (1945-1969) cùng công tác, ấn tượng về con người Hồ Chí Minh không có gì thay đổi. Tác phẩm vừa là công trình khoa học vừa là hồi ức kể lại các quan sát, nhận xét. Trong tác phẩm của mình ông dành hẳn một mục lớn (mục IV) viết về “Hồ Chí Minh, Con người” và một mục nhỏ (III, 4) về Phong cách của Hồ Chí Minh, đã nói lên khá toàn diện, chính xác nhân cách Hồ Chí Minh. Dưới đây tóm lược nội dung hai mục này làm xuất phát điểm của bài viết này.

Nói một cách khái quát, “Chất con người Hồ Chí Minh là chất Việt nam, chất cách mạng, chất cộng sản, chất nhân văn” – đó là thế giới quan và nhân sinh quan tạo nên “nhân cách toàn vẹn”, một nhân cách văn hóa bản sắc tiêu biểu của dân tộc và nhân loại thế kỷ qua. Trong nhân cách của Người “chất Việt nam” là chất đầu tiên: “lịch sử lâu đời đầy sóng gió của dân tộc đã sinh ra Hồ Chí Minh”, Người là hiện thân của “đạo lý và nhân nghĩa” của dân tộc trong thế kỷ XX và cả thời đại ngày nay. Các “chất con người” ấy đã tạo nên ý chí kiên cường sắt đá, niềm tin không gì lay chuyển nổi, đưa cả một dân tộc đứng lên giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là lý tưởng cộng sản Việt nam. Đó là “minh triết” Hồ Chí Minh. Con người phải có cuộc sống thiết thực của ngày hôm nay, nhưng quên sao được ngày hôm qua, và phải vươn tới ngày mai – phải có lý tưởng.

Phạm Văn Đồng nêu bật “Hồ Chí Minh là người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất”: thương yêu, kính trọng, tin tưởng, đòi hỏi phát huy con người…, khơi dậy trong con người lòng tự hào và niềm tin, ý chí và nhiệt tình cách mạng, để con người tự mình làm ra tất cả… làm sáng lên sự cao cả của con người; đặc biệt nhấn mạnh thái độ đối với con người: “Hồ Chí Minh là hiện thân của tình thân ái, làm cho người ta dễ gần, dễ nói chuyện thân tình và cởi mở… giàu lòng khoan dung, độ lượng”. Quan hệ người – người tốt đẹp là hạt nhân của nhân cách, gây dựng nên một xã hội tốt đẹp – nguồn hạnh phúc của con người, gia đình và cộng đồng.

Có một vấn đề đã có lúc có một số sai lệch, hiện nay đang nổi lên gay gắt trong đời sống thời đổi mới. Đó là vấn đề quan hệ cá nhân và tập thể, được đề cập trong tác phẩm đang dẫn ra ở đây: “Đối với Hồ Chí Minh, cá nhân con người gắn bó với tập thể, biểu hiện hết sức mạnh của bản thân trong sự hài hòa với tập thể. Nhưng con người không bị hòa tan và biến mất trong tập thể. Mỗi người có cá tính, sở thích, năng khiếu và lợi ích của mình. Tập thể tôn trọng những cái riêng của từng người và tạo điều kiện để mỗi người phát huy bản sắc của mình”. Tác giả đã đưa ra một quan điểm biện chứng hài hòa về phát triển nhân cách trong xã hội mới, cần nghiên cứu và phổ biến đáp ứng yêu cầu của bối cảnh hiện giờ đang đòi hỏi.

Trong tác phẩm có mục nói riêng về phong cách của Hồ Chí Minh. Phong cách thể hiện nhân cách. Nhiều khi phong cách quyết định thành công của công việc. Thật vậy, tác phong Hồ Chí Minh là một điểm nổi bật trong di sản Bác Hồ để lại cho chúng ta, nói khái quát nhất, như Phạm Văn Đồng đã chỉ ra: khôn khéo và sáng tạo, tin ở dân và dựa vào dân, gắn bó với Đảng và dân tộc; nói chi tiết hơn: đức tính giản dị, khiêm tốn, cách làm việc cụ thể, thiết thực, kế hoạch được suy xét, tính toán khoa học về mục tiêu, thời gian, hiệu quả, vận dụng quy luật đúng về không gian, thời gian, đúng mức, đúng cách, đặc biệt ở thời điểm bước ngoặt, trong khâu quan trọng là ra quyết định. Thời nay hơn bao giờ hết cần một phong cách làm việc như vậy, đó chính là tác phong công nghiệp, một tiêu chí không thể thiếu, cần có ở mọi người xây dựng xã hội công nghiệp.

Những dòng vừa trình bày cho thấy một quan niệm về nhân cách: nhân cách là chất của một con người, nói lên thế giới quan, nhân sinh quan; cấu trúc nhân cách bao gồm niềm tin, lý tưởng, đường đời, thái độ, phong cách. Những điều viết tiếp cung cấp thêm suy ngẫm, hiểu biết về nhân cách Hồ Chí Minh, và nhân cách như một vấn đề lớn của tâm lý học.

2. Tác phẩm của GS. Trần Văn Giàu, lão thành cách mạng, nhà khoa học xã hội nổi tiếng vào bậc nhất ở nước ta: công trình khoa học có tiêu đề “Nhân cách của chủ tịch Hồ Chí Minh”(Trần Văn Giàu, 1990)(2): “nghiên cứu Cụ Hồ như một con người”. Phạm Văn Đồng nghiên cứu con người để nói lên nhân cách, Trần Văn Giàu nghiên cứu nhân cách để nói lên con người, đưa ra thuật ngữ “nhân cách đạo đức” và đặt lên hàng đầu khi nói về con người, nói đến con người là nói đến nhân cách. Nhấn mạnh: “Người mình xem Cụ Hồ là bậc tái tạo lương tri, xây dựng phẩm chất nhân cách cho các thế hệ cách mạng, kháng chiến”, Giáo sư nêu rành mạch 7 “phẩm chất nhân cách” Hồ Chí Minh:

- Tấm gương đạo đức,

- Tận tụy quên mình,

- Kiên trì bất khuất,

- Khiêm tốn giản dị,

- Sự kết hợp hài hòa,

- Thương người, quý người, nâng đỡ con người, lý và tình,

- Yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên.

Các phẩm chất ấy đã được nuôi dưỡng, phát huy thành sức mạnh tinh thần của cả một dân tộc, thế hệ nối tiếp thế hệ, chiến thắng kẻ thù, giữ gìn non sông, xây dựng đất nước đổi mới phát triển. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hiện nay dòng chảy của tinh thần ấy cần nâng lên tầm cao mới.

3- Người nước ngoài nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất phong phú. Ngay từ năm 1923, lần gặp gỡ đầu tiên với Nguyễn Ái Quốc đã để lại ở nhà thơ Xôviết (cũ) Ốxip Manđenxtan ấn tượng về nhà cách mạng trẻ này có “một thứ văn hóa không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”(3). Gần 10 năm sau, đầu những năm 30, luật sư Lôdơbai cũng có nhận xét như vậy: Tống Văn Sơ (tên của Bác năm ấy) là một người văn hóa cao (E. Côbêlép, 1985)(4). Kỷ niệm 100 năm (1980-1990) ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UNESCO đã xét theo quyết định số 18C 4351 “về việc tổ chức kỷ niệm những vĩ nhân và những sự kiện đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại…, những nhà trí thức lỗi lạc và danh nhân văn hóa…”, Hồ Chí Minh được loài người công nhận là “kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của những dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình…” Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay thế giới đang giằng co giữa đơn cực và đa cực, loài người đang chống lại tư tưởng các nền văn hóa va chạm, xung đột – đổ vỡ, đang nỗ lực phấn đấu vì sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa đa dạng bản sắc, hơn bao giờ hết cần nghiên cứu, học tập, phổ biến nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh - nhân cách văn hóa lớn của thời đại.

Tìm trên mạng Google.com có rất mhiều bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng mạng The Time 100, Hồ sơ Anh hùng (File Hero) chân dung Chủ tịch được đặt cùng chân dung Anbe Anhstanh, tên Người trong một danh sách với Găngđi và nhiều danh nhân khác. Nhiều nhà nghiên cứu đến nay vẫn còn thấy trong cuộc đời của Người còn nhiều bí ẩn, nhiều điều không sao mô tả nổi, họ gọi Người là Con người mang tính thần thánh, có khi gọi là “thần thoại” (HighBeam Research; David Wrigglesworth, Úc). Viết về Hồ Chủ tịch, nhiều người thường bắt đầu bằng sự thán phục đức tính giản dị, khiêm nhường, thông qua hình ảnh chiếc dép lốp và bộ quần áo kaki. Alienđê, tổng thống Chilê (1969) viết: chưa bao giờ chúng ta thấy sự giản dị và sự vĩ đại đi liền với nhau như ở Chủ tịch Hồ Chí Minh(5). Anilenđu Sacơrabôrôty (Viện nghiên cứu Tago, Ấn Độ) viết: Bác Hồ có một tâm hồn giản dị, một nhân cách mạnh mẽ(6). Côbêlep cũng nói về nhân cách Hồ Chí Minh theo lý tưởng “trung với nước, hiếu với dân”(7).

II.- Tư tưởng Hồ Chí Minh và tâm lý học nhân cách

Di sản lý luận Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta thật vô giá – đó là ngọn cờ dẫn đường dân tộc Việt nam mở ra một thời đại mới – thời đại độc lập, thống nhất, hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội – vô cùng phong phú, đầy vinh quang, mà cũng đầy gian truân. Các nhà tâm lý học và giáo dục học chúng ta đã, đang và tiếp tục nghiên cứu, học tập, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực chuyên môn của mình, trong đó có đề tài Tư tưởng Hồ Chí Minh về tâm lý học nhân cách (Phạm Minh Hạc, 1998). Tôi xin góp phần nghiên cứu, học tập, về một số vấn đề sau đây:

1. Về cấu trúc nhân cách bao gồm “tâm, tài, lực”, như Bác viết trong bài thơ “Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết” ngày 25-8-1925 (Hồ Chí Minh, 1995)(10), với chữ “tâm” lên đầu, có thể hiểu là nhân cách, hay như Phạm Văn Đồng gọi là “chất người”, về sau khái quát thành lý thuyết “cấu trúc vĩ mô của nhân cách bao gồm tài và đức”, trong đó đức là gốc. Đây là 3 giá trị bao trùm bảo đảm sự sống và phát huy năng lực nói chung của con người. 12 năm sau, vào tháng 10-1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (Hồ Chí Minh, 1995)(11), Bác cụ thể hóa đạo đức cách mạng bao gồm “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” – coi là 5 thành tố trong tiểu cấu trúc nhân cách. Đây là 5 giá trị chung, tạo ra năng lực cụ thể, có khi đạt đến tầm cao được gọi là tài năng, nhân tài… phát huy sức mạnh đời người. 2 năm sau, trong 2 tháng 5 và 6 năm 1949 Bác viết 4 bài báo: “Thế nào là cần?”, “Thế nào là kiệm?”, “Thế nào là liêm?”, “Thế nào là chính?”, sau gộp lại in thành một cuốn sách “Cần kiệm liêm chính”, xác định rõ nội dung của các thành tố tiểu cấu trúc nhân cách, mà mỗi một cán bộ Đảng, Nhà nước cần phải có – vấn đề hết sức thời sự đối với đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay nên tập trung vào nội dung này, coi đây là một điểm tựa khắc phục các vấn nạn của thời kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập.

2. Nhân cách là hệ thống thái độ của con người. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” công bố năm 1927(12) ở mục “Tư cách người cách mệnh” Bác viết

Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hòa mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng tham muốn về vật chất.

Bí mật.

Đối với người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hãy xem xét người.

Làm việc phải:

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.

Quyết đoán.

Dũng cảm.

Phục tùng đoàn thể.

Như vậy là tất cả có 23 điều mỗi cán bộ phải làm, có điều là đức tính, có điều là công việc, có điều là cách ứng xử… chúng tôi gọi chung lại là 23 “thái độ” như là các mối quan hệ của con người với chính mình, với người khác, với công việc, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu các thái độ với bản thân – tự ý thức, tự giác ngộ, cầu tiến, gương mẫu, rồi mới đến thái độ đối với người, với công việc; về số lượng cũng vậy: 14 thái độ đối với bản thân, với người chỉ có 5, với công việc – 4. Thậm chí có thể nói nếu mỗi một chúng ta làm được 14 điều cần làm với chính mình, thì mọi chuyện khác đều ổn. Có lẽ không cần bình luận thêm. Điều cần nói ở đây là cuộc đời và sự nghiệp của Người và những điều viết trong tác phẩm là một: đó chính là 23 phẩm chất nhân cách, đúc kết trong các thành tố tiểu cấu trúc nhân cách.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Học tập, nghiên cứu các trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng khẳng định đạo đức Hồ Chí Minh – phẩm chất nhân cách Hồ Chí Minh là những giá trị thiết yếu trong Hệ giá trị Việt Nam: các phẩm chất ấy, như thực tiễn đã chứng minh, chẳng những hết sức có ý nghĩa đối với đời người, mà có ý nghĩa đối với vận mệnh của quốc gia, mọi người ở nước ta và trên thế giới đều trân trọng, mong muốn có được, dù chỉ là một phần, vì các phẩm chất ấy tạo nên cho từng người, cộng đồng xã hội một cuộc sống cao đẹp, một sức mạnh văn hóa – sức mạnh tinh thần. Các thái độ ấy, theo giá trị học, được coi là các giá trị, trong các cuộc điều tra giá trị được coi là thái độ giá trị. Vận dụng tư tưởng Nhân cách Hồ Chí Minh, trước hết là theo cấu trúc gồm các tiểu cấu trúc nhân cách của Chủ tịch vào cuộc sống, xây dựng Hệ giá trị Việt nam bao gồm các thái độ đối với thế giới loài người, với quốc gia-dân tộc, với cộng đồng, quê hương, gia đình, công việc và bản thân, làm cơ sở tạo nên sự đồng thuận-đoàn kết-tin tưởng – một sức mạnh mới của từng người, từng địa phương, cả đất nước xứng tầm thời đại./.

GS, VS. phạm Minh Hạc
—————

(1) Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb ST, H, 1990.

(2) Trần Văn Giàu. Nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong kỷ yếu Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. Nxb KHXH, H, 1990.

(3) E.Côbêlép. Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, H, Nxb TB, M, 1985.

(4) Hồ Chí Minh. Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ. Nxb Giáo dục, H, 1997.

(5) W. J. Duicơ. Hồ Chí Minh: cuộc đời. Xuất bản năm 2000, theo Google, 5-8-2008.

(6) Phạm Minh Hạc. Nghiên cứu con người và nhân cách con người; Cách tiếp cận nghiên cứu tâm lý học nhân cách. Trong sách Một số vấn đề nghiên cứu nhân cách do Phạm Minh Hạc và Lê Đức Phúc chủ biên, Nxb CTQG, H, 2004.

(7) Phạm Minh Hạc, Tư tưởng Hồ Chí Minh và tâm lý học nhân cách. Trong sách Hồ Chí Minh và tâm lý học do Đỗ Long chủ biên, Nxb CTQG, H, 1998.

(8) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H, 1995.

(9) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb CTQG, H, 1995.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất