(TG) - Pa nô, áp phích, khẩu hiệu là một hình thức cổ động, tuyên truyền trực quan, sinh động. Nó chỉ phát huy hiệu quả và trở thành một sản phẩm văn hóa thật sự ý nghĩa khi người ta biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm và phù hợp với đối tượng tuyên truyền.
Đến công tác ở một huyện miền núi biên giới nghèo, vô tình tôi nhìn thấy khá nhiều áp phích tuyên truyền về việc vận động nộp thuế. Nhìn áp phích nào cũng được thiết kế công phu, hoành tráng, thu hút sự chú ý của nhiều người qua lại trên đường. Các áp phích có những câu khẩu hiệu như: “Nộp thuế là yêu nước”, “Nộp thuế là quyền lợi, nghĩa vụ của công dân”, “Nộp thuế để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Nộp thuế để góp phần xây dựng dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “Nộp thuế để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “Công dân và doanh nghiệp có trách nhiệm nộp thuế để xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội văn minh”…
Về câu từ, ý nghĩa, những khẩu hiệu trên không có gì đáng bàn, vì nó phù hợp với văn phong, ngữ pháp tiếng Việt và đều “kêu như chuông”. Tuy nhiên, chỉ có mỗi việc nộp thuế thôi, có nhất thiết phải có nhiều áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền dày đặc thế không? Có lẽ là không nên, bởi mấy lý do sau.
Thứ nhất, làm áp phích với kích thước càng to, số lượng càng nhiều sẽ gây tốn kém không cần thiết. Có người có lý khi cho rằng, bớt đi số lượng áp phích mà dành số tiền ấy giúp trẻ em nghèo miền núi có thêm đồng gạo, đồng muối, đồng rau chắc chắn sẽ ý nghĩa hơn.
Thứ hai, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, có rất nhiều việc khác phải lo, phải quan tâm, chứ đâu chỉ có mỗi việc nộp thuế mà nhắc đi nhắc lại quá nhiều. Ví như các áp phích, khẩu hiệu hướng dẫn, tuyên truyền bà con về việc phòng ngừa bệnh tật, ăn ở hợp vệ sinh, sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện gia đình ít con, xây dựng nếp sống văn hóa mới, chung tay bảo vệ rừng… sẽ thiết thực, phù hợp hơn với nhận thức, cuộc sống của số đông người dân bản địa nơi đây.
Thứ ba, phần lớn bà con ở huyện miền núi này vẫn thuộc diện đói nghèo, phương thức canh tác và sinh hoạt cơ bản vẫn dựa vào “tự cung tự cấp” là chủ yếu, không ít gia đình còn phải cấp gạo cứu đói vào mùa giáp hạt, thì việc hô hào quá nhiều về việc nộp thuế là không khả thi, xa rời thực tiễn.
Thứ tư, làm nhiều áp phích, khẩu hiệu về việc nộp thuế, vô hình trung ngành thuế địa phương tự “quảng bá, đánh bóng” cho ngành mình như thế e hơi quá đà, chơi trội. Bà con dân bản còn vất vả lắm, mấy doanh nghiệp nhỏ ở đây mới ra đời cũng còn khởi nghiệp gian truân lắm. Thế nên biết chắt chiu, tiết kiệm từng đồng thuế nộp của người dân và doanh nghiệp để tập trung chăm lo cho đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương sẽ nhân văn hơn là lấy một phần thuế đó để đầu tư làm nhiều áp phích, khẩu hiệu để treo ra khắp nơi, mọi chốn!
Pa nô, áp phích, khẩu hiệu là một hình thức cổ động, tuyên truyền trực quan, sinh động. Nó chỉ phát huy tác dụng, hiệu quả và trở thành một sản phẩm văn hóa thật sự ý nghĩa khi người ta biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm và phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Ngược lại, sẽ giảm ý nghĩa, thậm chí trở nên phản cảm khi người ta sử dụng pa nô, áp phích, khẩu hiệu một cách thiếu quy chuẩn, phô trương, hình thức và không phù hợp với bức tranh kinh tế - xã hội, diện mạo văn hóa và lối sống, nhận thức của nhân dân địa phương./.
Phúc Nội